Những năm gần đây, Công nghệ một lần nữa chứng minh khả năng “vô hạn” bằng cách dần dần “tái định nghĩa” về lĩnh vực này và mở rộng khả năng ứng dụng.

Bằng chứng là Công nghệ không còn chỉ gắn liền với máy tính, phần mềm, an ninh mạng lưới, mà việc vận dụng các công nghệ cao gắn liền với đa dạng ngành nghề kinh doanh đã trở thành xu hướng.

Thị trường trong nước khát nhân lực CNTT

Các khái niệm mới mẻ như Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Tự động hóa, Fin-tech, Ed-tech ngày một trở nên phổ biến hơn.

Bên cạnh đó, những yếu tố khách quan không kiểm soát được như tác động của dịch bệnh dẫn đến sự hạn chế trong tương tác đời thực, hay rủi ro cho con người khi tham gia vào các công việc nguy hiểm,…càng khiến cho công nghệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì khả năng có thể chuyển đổi cách hoạt động trực tiếp thành trực tuyến, khả năng thay thế con người làm những công việc lặp đi lặp lại hoặc nhiều rủi ro.

 theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2020 Việt Nam cần 1 triệu nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020 Việt Nam cần 1 triệu nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin.

Công nghệ thông tin (CNTT) là một lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao, được đào tạo bài bản, vừa vững kiến thức chuyên môn vừa có khả năng ngoại ngữ.

Do đó, ngành CNTT là ngành hot nhất trong các ngành nghề đào tạo ở các trường ĐH hiện nay bởi tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, các năm tuyển sinh vừa qua, ngành CNTT luôn có điểm chuẩn cao nhất ở các trường đại học.

Về nhân lực ngành Công nghệ thông tin, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2020 Việt Nam cần 1 triệu nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên CNTT đủ điều kiện để lấp đầy các vị trí tuyển dụng.

Samsung vừa đầu tư thêm 300 triệu USD vào R&D tại Hà Nội, cần thêm 4.000 nhân lực cho lĩnh vực công nghệ trong thời gian tới. LG liên tục tuyển dụng 1.500 kỹ sư, nhân viên kỹ thuật và công nhân làm việc tại Tổ hợp nhà máy Display LG Việt Nam. Hindustan Computers Limited (HCL, một trong 3 công ty công nghệ lớn nhất Ấn Độ đã phát triển trung tâm của mình tại TP.HCM), cần thêm 10.000 kỹ sư trong 5 năm nữa.

Trong khi đó, Axon Enterprise, một trong những công ty phát triển công nghệ cho việc hành pháp hàng đầu tại Mỹ cũng đã tập trung cơ sở phát triển công nghệ tại TP.HCM. Thời gian tới, rất có thể, Việt Nam sẽ là điểm đặt chân trong chuỗi cung ứng của Apple. Các hãng CNTT hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, Intel, Toshiba… cũng liên tục tuyển dụng nhân sự.

Ông Nguyễn Hữu Bình, CEO TopDev cho biết: “Đang có xu hướng đầu tư mạnh mẽ về CNTT tại Việt Nam. Những công ty công nghệ hàng đầu đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ đang làm việc với chúng tôi để triển khai các dự án CNTT rất lớn. Chúng tôi nhận thấy rõ nhu cầu của họ trong việc thu hút nguồn lực trẻ tại Việt Nam”.

Trong khi đó, từ đầu năm 2020, hàng loạt công ty công nghệ của Việt Nam như Nexttech Group, Bkav, TDT, IBG, beGroup, CMC Global cho hay, họ đã có kế hoạch tuyển dụng thêm nhiều nhân sự.

Điển hình như với Tập đoàn Công nghệ CMC, tới năm 2023, CMC Global hướng đến con số 5.000 nhân sự CNTT chất lượng cao, tăng khoảng 10 lần so với hiện tại. Với việc mở rộng quy mô hoạt động trong 2 năm, với 3 chi nhánh tại Nhật Bản, TP.HCM, Đà Nẵng, Công ty sẽ phải tối ưu hóa việc đào tạo, sử dụng nguồn lực CNTT trên khắp Việt Nam để đáp ứng kế hoạch.

Tại beGroup, trong năm 2019, với đẩy mạnh việc phát triển và cải tiến ứng dụng gọi xe thuần Việt, Công ty cũng cần thêm người xây dựng công nghệ để giảm chi phí vận hành. “Tuy nhiên, số lượng người được tuyển về chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của Công ty”, ông Nguyễn Thiện Minh, Giám đốc công nghệ beGroup cho biết.

Lương, thưởng là lý do hàng đầu khiến nhân sự IT nghỉ việc

Dù lương đã cao hơn so với các ngành nghề khác nhưng lý do hàng đầu, khiến nhân sự lĩnh vực CNTT chọn nghỉ việc. Nguyên nhân do mức lương các doanh nghiệp trả cho ứng viên không như họ mong đợi. Điều này thể hiện rõ qua khảo sát về “Thực trạng nhân lực Công nghệ và dự báo kế hoạch tuyển dụng nhằm đáp ứng công nghệ mới” do Navigos Group thực hiện và công bố mới đây.

Theo báo cáo, nhân sự lĩnh vực IT nếu có kinh nghiệm sẽ được trả lương cao hơn ít nhất một so với nhiều ngành nghề khác, với khoảng lương mỗi tháng từ 701 – 1.000 USD.

Với các ngành nghề khác, mức lương phổ biến được trả cho nhóm ứng viên có kinh nghiệm là 251 – 500 hoặc 501 – 700 USD/tháng.

Dù lương đã cao hơn so với các ngành nghề khác nhưng lương, thưởng vẫn nằm trong tốp 3 lý do chuyển việc của nhân viên công nghệ thông tin.

67% các nhà tuyển dụng cho rằng, nhân viên IT sẽ nghỉ việc khi có cơ hội việc làm tốt hơn từ công ty khác, 38% doanh nghiệp cho rằng do nhân sự không hài lòng với chế độ lương thưởng và 31% cho rằng, do ứng viên thành lập start-up riêng.

Dù vậy, những điều nhân sự IT nghĩ lại khác khi lý do hàng đầu khiến họ nghỉ việc là không hài lòng với chế độ lương thưởng (45% ứng viên đồng tình), 40% lo ngại không có cơ hội thăng tiến và 38% nghỉ việc do cơ hội việc làm tốt hơn từ công ty khác.

Khảo sát của Navigos cũng cho thấy, “top” 3 các ngành hiện đang thiếu hụt nhân sự trong các công ty công nghệ là: phát triển website toàn diện (full-stack) chiếm 49%, Java & Java script chiếm 27%, và kiến trúc hạ tầng (Architect design) chiếm 22%.

Các mảng công nghệ mới liên quan đến khoa học máy tính mặc dù vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhưng không cao. Theo đó, có 18% doanh nghiệp thiếu hụt ứng viên để phát triển tự động hóa, 11% doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự phát triển máy học và chỉ 2% doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự phát triển chuỗi khối.

Xu hướng công nghệ mới của các công ty Công nghệ

Trước tình trạng khan hiếm nhân lực ngành công nghệ, nhiều doanh nghiệp cũng thể hiện tầm nhìn xa hơn trong công tác tuyển dụng lẫn tận dụng phát triển nguồn nhân lực sẵn có. Theo đó, có đến 62% doanh nghiệp chọn sẽ tái cơ cấu về kỹ năng cho đội ngũ hiện tại và 56% chọn kết nối với trường Đại học để chuẩn bị bộ kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhân viên trong tương lai.

Xếp hạng của các xu hướng công nghệ có nhiều sự chênh lệch về thứ tự giữa nhóm ứng viên và nhà tuyển dụng. Cụ thể top 3 các xu hướng công nghệ mới trên quan điểm của nhà tuyển dụng lần lượt là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Cung cấp dịch vụ phần mềm (Software as a service).

Về phía các ứng viên, các xu hướng công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Fintech (Công nghệ tài chính), Cung cấp dịch vụ phần mềm được đánh giá cao. Có thể thấy 1/2 nhà tuyển dụng đánh giá Công nghệ chuỗi khối vẫn phát triển nhưng chỉ 1/4 ứng viên cho rằng Chuỗi khối sẽ là xu hướng và họ xếp công nghệ này ở vị trí thứ 5.

Khi các nhà tuyển dụng chia sẻ về sự ảnh hưởng bởi các tác động của xu hướng phát triển công nghệ mới đến kế hoạch tuyển dụng, hầu hết cho rằng các tác động này buộc họ phải quy hoạch lại dịch vụ và nhân sự.

Theo đó, top 3 các tác động rõ rệt nhất lần lượt là: Khó khăn trong việc phát triển quy mô do khan hiếm nguồn lao động, Tái cấu trúc doanh nghiệp do nhu cầu thị trường thay đổi và Buộc phải thu gọn dịch vụ chỉ tập trung vào mảng thế mạnh.

Ứng viên Công nghệ nắm vững các xu hướng kỹ năng trong 5 năm tới và hiểu rõ về các nỗ lực của doanh nghiệp trong việc giúp ứng viên đáp ứng với những thay đổi này.

Khi được hỏi về những kỹ năng cần thiết trong 5 năm tới, nhóm ứng viên thể hiện sự hiểu biết các xu hướng kỹ năng trong tương lai mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Mặc dù thứ tự ưu tiên các kỹ năng có sự khác biệt, tuy nhiên top 3 các kỹ năng quan trọng có đồng quan điểm giữa nhóm ứng viên lẫn nhà tuyển dụng đó là: Tự lấy trải nghiệm khách hàng làm trọng tâm khi phát triển sản phẩm, Tư duy chuyển đổi số hóa và Kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp.

Nhóm ứng viên thể hiện việc hiểu biết các kế hoạch mà doanh nghiệp đang nỗ lực giúp nguồn nhân lực tăng khả năng để đáp ứng với những thay đổi của công nghệ mới. Theo đó, nhóm ứng viên và nhóm nhà tuyển dụng đã có quan điểm thống nhất tuyệt đối về top 3 các kế hoạch doanh nghiệp đang áp dụng để phát triển nguồn nhân lực, cụ thể như: Đưa các nhân viên chủ chốt đi học và đào tạo lại cho nội bộ, Chương trình đào tạo riêng dựa trên kế hoạch phát triển của mỗi cá nhân, Liên kết đào tạo tại các trường Đại học để đảm bảo đầu ra.

Ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc của Navigos Group Việt Nam chia sẻ: “Những yếu tố khách quan không kiểm soát được như tác động của dịch bệnh dẫn đến sự hạn chế trong tương tác đời thực, hay rủi ro cho con người khi tham gia vào các công việc nguy hiểm… càng khiến cho công nghệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì khả năng có thể chuyển đổi cách hoạt động trực tiếp thành trực tuyến, khả năng thay thế con người làm những công việc lặp đi lặp lại hoặc rủi ro.

Nhu cầu sử dụng công nghệ cao đã được nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp ghi nhận, phát triển kế hoạch ứng dụng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho thị trường lao động. Đứng trước nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng cao, doanh nghiệp không chỉ đối mặt với việc thiếu hụt nhân lực công nghệ, mà còn phải chuẩn bị các giải pháp giữ chân nhân tài và ứng phó trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ mới".

Để giữ chân nhân tài, báo cáo của Navigos cũng đưa ra một số đề xuất cho doanh nghiệp công nghệ trong việc tuyển dụng, như cải thiện phúc lợi và môi trường làm việc; dự đoán kế hoạch ứng dụng công nghệ mới để cấu trúc hợp lý nhân sự; liên kết với trường đại học đào tạo nguồn nhân lực tương lai; cơ cấu tổ chức chuyên nghiệp hơn.