Dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến nhiều nước nhập khẩu sử dụng triệt để các biện pháp phòng vệ thương mại cho việc bảo vệ sản xuất trong nước.

Cùng với đó, một loạt các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực thực thi đã dẫn đến chiều hướng gia tăng các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

d

Nhiều nước nhập khẩu sử dụng triệt để các biện pháp phòng vệ thương mại cho việc bảo vệ sản xuất trong nước.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, trong các hiệp định thương mại tự do mới hay truyền thống luôn có nội dung cốt lõi, đó là tự do hóa thương mại hàng hóa thông qua việc loại bỏ phần lớn các hàng rào thuế quan. Điều này, dẫn tới việc tăng lưu lượng hàng hóa xuất khẩu với các đối tác trong hiệp định thương mại đã ký kết. Phòng vệ thương mại với tính chất là công cụ có thể được dùng để hạn chế lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm thay thế cho công cụ thuế quan đã bị loại bỏ dự báo cũng sẽ tăng lên.

Để doanh nghiệp Việt Nam tự bảo vệ khi bước vào thị trường lớn, theo bà Trang, các thị trường lớn sử dụng công cụ này đối với các hàng hóa có năng lực cạnh tranh tốt và xuất khẩu mạnh của Việt Nam. Ví dụ như ở thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) tiến hành điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như thủy sản, giày da,…

Thời gian gần đây, không chỉ là những thị trường lớn hay mặt hàng có thế mạnh mà ngay cả những mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam mới tìm được con đường xuất khẩu hoặc thấy được tiềm năng xuất khẩu thì đã là đối tượng của các vụ kiện phòng vệ thương mại. Đặc biệt điều này đang diễn ra ở những thị trường nhỏ và ngay cả ở khu vực ASEAN.

Kiện phòng vệ thương mại là quá trình đấu tranh pháp lý, kỹ thuật để doanh nghiệp có thể bảo vệ trước khiếu nại của các ngành sản xuất nội địa ở các thị trường nhập khẩu. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần duy trì hệ thống kế toán minh bạch, bởi khi vụ kiện đã xảy ra thì không quay trở lại để sắp xếp. Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi các hệ thống cảnh báo về nguy cơ phòng vệ thương mại để chuẩn bị trước. Bởi sớm một ngày thì doanh nghiệp có lợi một ngày.

Hiện có những hệ thống cảnh báo như từ các đối tác của doanh nghiệp ở nước ngoài, từ cơ quan quản lý nhà nước như Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), VCCI, các hiệp hội ngành nghề… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị về nguồn nhân lực, vật lực cho các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, theo bà Trang, khi bị kiện phòng vệ thương mại thì doanh nghiệp cũng cần xác định chiến lược của mình ở thị trường bị kiện. Không phải bất kỳ vụ kiện nào cũng phải tham gia đến cùng, nếu doanh nghiệp xác định đó là thị trường không thể bỏ được thì đầu tư tham gia. Còn nếu xác định là thị trường tạm thời hay tập trung vào thị trường khác thì doanh nghiệp cần chuyển hướng và không nên quá để ý.

Bà Trang cho rằng, khi tham gia vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản và trong bất kỳ vụ kiện nào, sự tham gia của một mình doanh nghiệp là chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ về mặt pháp lý của chuyên gia về lĩnh vực này.

Với xu hướng bị kiện phòng vệ thương mại ở những thị trường không lớn, thông tin của doanh nghiệp về quy trình điều tra và kinh nghiệm về ứng phó của doanh nghiệp là không nhiều hoặc với những ngành trước đây chưa từng bị kiện phòng vệ thương mại mà bây giờ phải đối diện thì đây là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, nhận thức của doanh nghiệp, sự chuẩn bị của doanh nghiệp rõ ràng ở nhiều lĩnh vực và trong nhiều trường hợp là chưa đủ, cần thúc đẩy trong thời gian tới.

Để đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, theo bà Trang, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt về mặt kỹ thuật, những sự chuẩn bị này thường diễn ra từ trước chứ không phải khi vụ kiện xảy ra. Về mặt này, nhiều doanh nghiệp cũng còn lúng túng và chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, để chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nâng cao năng lực của chính mình khi mà nguy cơ luôn thường trực xảy ra ở các thị trường nước ngoài.