>>Doanh nghiệp quản lý Động Tiên Sơn kêu cứu (Kỳ 2): Chính quyền "tiền hậu bất nhất"

Xoay quanh việc UBND phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy (Công ty Kim Quy) khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ trắng tay, bên cạnh sự bất nhất trong các văn bản được chính quyền địa phương ban hành thì việc cho rằng “Động Tiên Sơn đã được cấp đổi bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh theo Quyết định số 1046/QĐ-UBND, ngày 25/3/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa” và đề xuất việc quản lý, đầu tư, tôn tạo Di tích danh lam thắng cảnh Động Tiên Sơn do Nhà nước tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và Luật Di sản văn hóa còn đó những khuất tất chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

việc xếp hạng và cấp bằng di tích cấp tỉnh đối với Động Tiên Sơn được cho còn nhiều khuất tất - Ảnh: GIA NGUYỄN

Việc xếp hạng và cấp bằng di tích cấp tỉnh đối với Động Tiên Sơn được cho còn nhiều khuất tất - Ảnh: GIA NGUYỄN

Cụ thể, tại Kết luận số 3787/KL-UBND ngày 20/7/2021 của Phó Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa - Phạm Thị Việt Nga về việc kiểm tra việc quản lý, đầu tư, khai thác Khu Di tích Động Tiên Sơn trong khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa nêu rõ, theo Quyết định số 306/VHQĐ, ngày 01/12/1993 của Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thanh Hóa về việc công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, tại Điều 1: Công nhận quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Hàm Rồng, bao gồm: Khu Di chỉ văn hóa Đông Sơn. Các điểm lịch sử Đồn Công an; hang Mắt Rồng; trận địa C4 anh hùng; Đền thờ Danh tướng Lê Uy, Trần Khát Chân là di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Núi Rồng, Động Tiên, cần được bảo vệ phát huy tác dụng.

Theo các Công văn số: 724/SVHTTDL-QLVH, ngày 28/5/2008; Công văn số 1072/SVHTTDL-QLVH. Ngày 03/11/2008 và Công văn số: 1143/ SVHTTDL-QLVH, ngày 05/11/2008 của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa: Động Tiên Sơn là địa điểm nằm trong khu Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Hàm Rồng được Nhà nước công nhận và bảo vệ (đã lập hồ sơ từ năm 1994 nhưng chưa được xếp hạng và cấp bằng); đang là danh mục đề nghị công nhận điểm danh thắng.

>>Doanh nghiệp quản lý Động Tiên Sơn kêu cứu (Kỳ 1): Gần 20 năm xây dựng bỗng… trắng tay

Tuy nhiên, tại Công văn số 2249/SVHTTDL-TTr, ngày 28/8/2017 của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch về việc trả lời đơn thư của ông Lê Xuân Thành, phường Hàm Rồng, tại mục 2 công văn có nêu: Động Tiên Sơn đã được xếp hạng cấp tỉnh trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (theo Quyết định số 306/VHQĐ, ngày 01/12/1993 của Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thanh Hóa).

Sau khi UBND thành phố hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề nghị UBND tỉnh cấp bằng xếp hạng di tích Động Tiên Sơn, theo đề nghị của Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa tỉnh. Ngày 25/3/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1046/QĐ-UBND, về việc cấp đổi bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh được công nhận từ trước ngày 31/12/2003. Động Tiên Sơn được cấp đổi bằng xếp hạng Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh(?).

Quyết định số 306/VHQĐ không có một số điểm được cấp di tích danh thắng như văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa - Phạm Thị Việt Nga

Quyết định số 306/VHQĐ không có một số điểm được cấp di tích danh thắng như văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa - Phạm Thị Việt Nga

Thông tin từ phía chính quyền địa phương là vậy, thế nhưng, theo những tài liệu phóng viên thu thập được, Quyết định số 306/VHQĐ, ngày 01/12/1993 của Giám đốc sở Văn hóa và Thông tin Thanh Hóa về việc công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh thắng không có Núi Rồng, Động Tiên như nội dung đã được chính quyền địa phương trích dẫn.

Chưa kể, tại nhiều văn bản của UBND TP. Thanh Hóa đã ban hành cũng đều khẳng định: “Động Tiên Sơn nằm trong quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh Hàm Rồng. Hiện không còn hồ sơ, tài liệu chứng minh là di tích đã được xếp hạng (văn bản số 945/UBND-TTr ngày 05/3/2019 do Chủ tịch Lê Anh Xuân ký”; hay “Đông Tiên Sơn nằm trong quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh Hàm Rồng, chưa được cấp bằng xếp hạng di tích (văn bản số 2942/UBND-TTr ngày 19/6/2019 do Chủ tịch Lê Anh Xuân ký);…

Vậy căn cứ nào để UBND TP. Thanh Hóa thực hiện việc cấp đổi bằng di tích Động Tiên Sơn? Việc làm này, phải chăng nằm trong toan tính “gạt” doanh nghiệp ra khỏi dự án mình đã đầu tư gần 20 năm ròng?

Đáng nói, tại Báo cáo số 57/TTr-BC ngày 25/02/2021 của Thanh tra TP. Thanh Hóa, cho rằng, “hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa chưa ban hành quy định chi tiết quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Từ đó làm căn cứ dẫn đến văn bản Kết luận số 3787/KL-UBND ngày 20/7/2021 của Phó Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa - Phạm Thị Việt Nga như đã nêu.

Dù đã có quy định về quản lý, đầu tư, kinh doanh, khai thác các khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên, Kết luận của Thanh tra TP. Thanh Hóa lại

Dù đã có quy định về quản lý, đầu tư, kinh doanh, khai thác các khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên, Kết luận của Thanh tra TP. Thanh Hóa lại cho rằng là không...

Trong khi, trên thực tế, ngày 21/8/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND về việc quy định về quản lý, đầu tư, kinh doanh, khai thác các khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong đó quy định về 2 mô hình rất cụ thể: Mô hình quản lý Khu du lịch cấp tỉnh, Điểm du lịch do Nhà nước quản lý; Mô hình quản lý Khu du lịch cấp tỉnh, Điểm du lịch do hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư không bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Tại Điều 5, 13, và 15, ban hành cùng Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND đều thể hiện rõ, Mô hình quản lý Khu du lịch cấp tỉnh, Điểm du lịch do hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư không bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tổ chức các hoạt động đầu tư, khai thác, bảo vệ, tôn tạo, phát triển tài nguyên Du lịch theo Quy định này và các quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan; tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch; tổ chức các hoạt động hướng dẫn, quản lý sử dụng hướng dẫn viên và thực hiện giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong phạm vi quản lý. Được thu phí dịch vụ tham quan theo quy định của Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Vậy, mục đích “cắt cúp” thực tế trong kết luận của Thanh tra TP. Thanh Hóa ở đây là gì? Phải chăng đây là sự phủ nhận quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp?

Không chỉ có vậy, theo những căn cứ tài liệu phóng viên có được, Dự án Động Tiên Sơn được đầu tư bằng 100% vốn của doanh nghiệp, do Bà Đỗ Thị Thu là Trưởng ban Quản lý Động Tiên Sơn, thế nhưng, hồ sơ khoa học đề xuất cấp bằng di tích không có đơn của Bà Thu đề nghị và ký theo mẫu quy định tại Điều 2 và khoản 3 Điều 5 Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL năm 2011 của Bộ Văn hóa – Thế thao và du lịch quy định về lập hồ sơ xếp hạng di tích.

Ở một diễn biến khác, nếu đây là di tích danh thắng cần được bảo vệ phát huy tác dụng như quan điểm Kết luận số 3787/KL-UBND ngày 20/7/2021 của Phó Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa - Phạm Thị Việt Nga, tại sao các cấp chính quyền địa phương lại chủ trương kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng? Trách nhiệm của những người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa ở đâu, khi đây là chủ trương xuyên suốt từ phường đến tỉnh? Doanh nghiệp, dư luận vẫn đang chờ một câu trả lời thỏa đáng.

Kỳ 4: Chính quyền “phủi tay” trách nhiệm?