Từ chuyện của Vietnam Airlines

Trên HOSE, HVN của Tổng công ty hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) là cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo từ 15/4/2021 do lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 âm.

Vietnam Airlines đã có kết quả khắc phục âm vốn chủ sở hữu ngay sau kiến nghị đề xuất được

Vietnam Airlines đã có kết quả khắc phục âm vốn chủ sở hữu ngay sau kiến nghị đề xuất được "trụ" sàn (ảnh: VNA)

Đến cuối tháng 8 vừa qua, Vietnam Airlines đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2021. Theo đó, Vietnam Airlines lỗ tiếp hơn 4.400 tỷ đồng trong quý 2, nâng số lỗ 6 tháng lên trên 8.400 tỷ đồng. Như vậy, Tổng Công ty có lỗ lũy kế 17.771 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ là 14.183 tỷ đồng.

Theo quy định của Luật chứng khoán, một trong những điều kiện để hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu trên sàn chứng khoán, là lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất. Vietnam Airlines đã rơi vào “vùng nguy hiểm”, có thể phải rời sàn bắt buộc, nếu không khắc phục được vấn đề này.

Tuy nhiên, với kế hoạch đã được Quốc hội nhất thông qua từ năm trước, sau khi được các ngân hàng giải ngân 4.000 tỷ đồng vay lãi suất tái cấp vốn, đồng thời triển khai phát hành thành công thêm gần 800 triệu cổ phiếu, với số tiền thu được là hơn 7.961 tỷ đồng, Vietnam Airlines đã được bổ sung đáng kể về nguồn vốn và dòng tiền, đảm bảo điều kiện tiếp tục niêm yết trên HoSE.

Các trường hợp “không may” có còn còn cơ hội nào?

Không may như Vietnam Airlines, năm 2020, đã có khoảng 50 doanh nghiệp hủy niêm yết cổ phiếu, trong đó 5 cổ phiếu hủy niêm yết trên HOSE là AGF, HTT, LMH, HVG và DIC; 18 doanh nghiệp hủy niêm yết trên HNX và 22 doanh nghiệp ngưng giao dịch trên sàn UPCoM. Nguyên nhân hủy niêm yết chủ yếu là do kinh doanh thua lỗ và chỉ có một vài trường hợp hy hữu hủy niêm yết tự nguyện theo chiến lược riêng của doanh nghiệp hoặc thực thi tái cấu trúc.

HNGL Agrico vẫn đang nỗ lực tìm lại con đường tươi sáng (ảnh: HNG)

Tương tự, 6 tháng đầu 2021, đã có nhiều doanh nghiệp phải rời sàn và chủ yếu vẫn xuất phát từ hai lý do chính:  Một là báo cáo tài chính của doanh nghiệp thể hiện sự thua lỗ trong một thời gian dài, hai là kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động hiệu quả của đơn vị đó. Điển hình là cổ phiếu những doanh nghiệp như NGC của Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền; S74 của CTCP Sông Đà 7.04; ATG của CTCP An Tường An; LO5 của Lilama 5; MPT của CTCP Tập đoàn Trường Tiền… là những cái tên đã không đưa ra được phương án khắc phục thua lỗ, không còn "trụ" lại được trên sàn.

Sau thời điểm 6 tháng đầu năm 2021, nếu như Vietnam Airlines hôm trước vừa có văn bản xin có cơ chế riêng để tránh hủy niêm yết, hôm sau phải có ngay phương án khắc phục hiệu quả tức thời, thì các mã hàng hóa như TS4 của CTCP Thủy sản Số 4, NHG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai hay TTF của CTCP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành… lại có thể sẽ rơi vào tình trạng không may kéo dài.

Nguyên do là bởi ngoài bản thân nội tại doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ chưa tìm được mũi nhọn, hướng đi nào giúp lật ngược ngay thế cờ âm vốn, thì bối cảnh kinh doanh khách quan vẫn đang tiếp tục khó khăn do dịch COVID-19 lần thứ tư vừa qua, có thể khiến doanh nghiệp “trắng tay” về chỉ số tài chính quý 3; thậm chí tiếp tục khó ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong quý 4 từ những tác động kéo dài.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia Tài chính đánh giá, sau năm 2020 và quý 1/2021 đem lại tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán khiến giá cổ phiếu nhà nhà bứt tốc, định giá thị trường cũng trở nên không còn rẻ như trước và dòng tiền thận trọng hơn. Điều đó cũng khiến cho nhà đầu tư càng thận trọng với các đợt phát hành cổ phiếu mới nhằm khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Chỉ trừ những doanh nghiệp có sự kết nối với đối tác, như trường hợp HNG, hay có lợi thế về mối quan hệ khi tìm kiếm nhà đầu tư như trường hợp thuyền trưởng TTF, thì cơ hội phát hành cổ phiếu, đặc biệt là phát hành giá cao xấp xỉ hoặc tương đương giá thị trường, mới có cơ may thành công. Còn ở những doanh nghiệp lỗ kéo dài, cổ phiếu không có “câu chuyện” để thu hút dòng tiền, không thể có bù đắp từ nguồn thu mới, cũng không có tài sản để thanh lý, thì các cổ đông lớn nếu muốn duy trì sự hiện diện trên sàn, sẽ phải cáng đáng vai người mua chính cổ phiếu trong các đợt phát hành mới”, ông Hoàn phân tích.

Theo đó, 2021 được chuyên gia dự báo là một năm tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ về giá trị tài sản của một số nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhưng cũng là năm phân hóa rõ dần hình ảnh của các doanh nghiệp trên sàn. “Làn sóng hủy niêm yết có thể sẽ chỉ thực sự xuất hiện vào 2022. Thay vào đó, thị trường cũng sẽ có những hàng hóa mới IPO và chào sàn, như một sự luân phiên, thanh lọc để mở rộng quy mô và chất lượng”, chuyên gia nói.