>>Hội An: Doanh nghiệp du lịch vững niềm tin phục hồi

Ông Nguyễn Tiến Trình, Giám đốc công ty CP lữ hành Thành Sen: Du lịch phải đảm bảo an toàn

Ông Nguyễn Tiến Trình, Giám đốc công ty CP lữ hành Thành Sen

Ông Nguyễn Tiến Trình,
Giám đốc công ty CP lữ hành
Thành Sen

Năm 2021, toàn thế giới chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19. Trong quá trình thực hiện giãn cách y tế, giãn cách xã hội nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch đã khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Các nhà máy, khu công nghiệp phải tạm dừng kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động phát triển kinh doanh.

Riêng đối với ngành du lịch, đại dịch COVID-19 đã khiến ngành này trì trệ suốt hai năm qua. Doanh thu từ du lịch đều giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Năm 2022 sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn và thách thức với ngành du lịch bởi sau những ảnh hưởng nặng nề, để làm lành “vết thương” kinh tế cần phải có thời gian nhất định, khi đó nhu cầu du lịch mới có thể quay trở lại.

Hi vọng với chính sách thích nghi trong tình hình mới, nền kinh tế năm 2022 sẽ khởi sắc hơn. Phương án mở cửa toàn diện ngành du lịch sẽ mang lại những tín hiệu tích cực khi ngành này đã phải “ngủ đông” suốt thời gian dài. Với sự quan tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ phủ vắc-xin mũi 2, mũi 3 là tín hiệu dự báo khôi phục ngành du lịch trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để phục hồi ngành du lịch, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của khách hàng. Thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực tái thiết, khôi phục sau ảnh hưởng của đại dịch, vì vậy rất cần sự đồng hành của chính quyền các cấp và khách hàng. Bởi nếu ngành du lịch khôi phục nhưng khách hàng vẫn còn e ngại hoặc có rào cản nào đó thì rất khó để phục hồi. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch hoàn toàn tuân thủ quy định y tế địa phương, đặt an toàn phòng chống dịch lên trên hết, tạo ra một hệ sinh thái an toàn, du lịch an toàn. Khi du lịch mở cửa đối với khách quốc tế đến Việt Nam hoặc người Việt Nam đi du lịch ở các nước đã an toàn, chúng tôi sẽ có phương án vừa phòng dịch vừa phát triển kinh doanh.

Ông Phan Trí Nghĩa, Công ty CP Bao bì Sông La Xanh: Tìm cơ hội trong khó khăn

Ông Phan Trí Nghĩa, Công ty CP Bao bì Sông La Xanh

Ông Phan Trí Nghĩa,
Công ty CP Bao bì Sông La Xanh

Thách thức trong năm 2022 rất lớn, nhưng cũng có nhiều cơ hội. Dự báo năm nay sẽ là năm bản lề để doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch hồi phục kinh tế sau thời gian dài bị đình trệ. Các doanh nghiệp phải vạch ra chiến lược và kế hoạch để tăng trưởng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ sớm triển khai các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Doanh nghiệp sớm được tiếp cận những gói hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính để tạo đà cùng cả nước nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
Hiện nay các đơn hàng trong năm 2022 đã được lấp đầy. Chúng tôi hi vọng khâu vận chuyển sẽ được thông suốt, giá cả dịch vụ cũng giảm hơn so với năm 2021. Mong rằng, Nhà nước sẽ có các chính sách hỗ trợ dành cho cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua cơn “bạo bệnh”. Tôi tin rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi sinh tích cực trong năm 2022.

Bà Bùi Thị Anh Ngọc, Giám đốc công ty TNHH Bất động sản Manda Land: "Sống khỏe” trong tình hình mới

Bà Bùi Thị Anh Ngọc, Giám đốc công ty TNHH Bất động sản Manda Land

Bà Bùi Thị Anh Ngọc,
Giám đốc công ty TNHH
Bất động sản Manda Land

Năm 2021 với quá nhiều khó khăn chưa từng có nhưng cũng mang lại nhiều bài học kinh nghiệm cho chặng đường phía trước. Doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị phục hồi, vì vậy rất cần những chính sách hỗ trợ về thuế suất, thị trường từ Chính phủ để giúp doanh nghiệp phục hồi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải biết tận dụng cơ hội để “sống khỏe” trong tình hình mới.

Bước sang năm mới 2022, tôi hi vọng rằng, dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát triệt để và kết thúc nhằm tạo được sự an toàn, ổn định cho người dân. Từ đó, tạo đà cho các doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, trở thành cánh tay đắc lực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.