Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có dấu hiệu suy giảm và căng thẳng thương mại gia tăng thì kinh tế Việt Nam lại có những dấu hiệu tích cực trong 6 tháng đầu năm 2019 với GDP tăng 6,67%, xuất khẩu tăng tưởng ấn tượng, các hoạt động dịch vụ thị trường sôi động, tiêu dùng tăng cao, chỉ số giá cả tiêu dùng CPI duy trì ổn định. Các chuyên gia kinh tế cho rằng với đà này mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm từ 6,6%-6,9% là khả thi.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức được ký kết (ngày 30/6/2019), trước đó CPTPP và nhiều FTA khác cũng đã đi vào hoạt động, được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam hội nhập sâu hơn để tham gia vào thị trường khu vực, toàn cầu. EVFTA sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Với môi trường pháp lý, đầu tư minh bạch, Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Nền kinh tế số và chuyển đổi phương thức kinh doanh 

Xu hướng số hóa kinh tế toàn cầu cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao trình độ từ một nền kinh tế gia công thành một nền kinh tế dựa trên công nghệ cao. Các doanh nghiệp nước nhà có cơ hội chuyển đổi phương thức kinh doanh tạo bước ngoặt lớn cho phát triển.

Mặc dù kinh tế Việt Nam được cho là có nhiều điểm sáng, nhiều kỳ vọng nhưng vẫn có những thực tế mà các DN phải đối mặt như: môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, lạm phát và tỷ giá chịu nhiều sức ép, dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp… sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà… Và kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động nhiều từ những biến động của kinh tế thế giới.

Đánh giá sự tác động cửa nền kinh tế thế giới, ông Nguyễn Hoàng Phương, Chuyên gia trưởng Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI cho biết: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà những năm tới đây chắc chắn sẽ diễn ra rất nhiều sự biến chuyển, song hành với đó là những cơ hội và thách thức to lớn. Chúng ta đã chứng kiến một làn sóng mới đến từ xã hội, sự thay đổi về môi trường kinh tế, chính trị, xã hội và thay đổi đặc biệt quan trọng về môi trường công nghệ. Và tương lai kinh doanh sẽ thuộc về những doanh nghiệp nhạy cảm với những nhu cầu mới, chúng ta hiện thực hóa được những nguồn lực hạn chế trên nền tảng công nghệ, tốc độ nhanh và chúng ta luôn tư duy và kiếm tìm những giải pháp thiết thực cho khách hàng của mình.”

Ông Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam

Ông Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam.

Ông Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết: "Nếu cách mạng 1.0, 2.0 và 3.0 giải phóng con người khỏi lao động chân tay, thì cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giải phóng con người (một phần) khỏi lao động trí óc. Và chúng ta định vị đúng thực trạng rằng Việt Nam đang đứng ở “vạch xuất phát” của công cuộc chuyển đổi sang kinh tế số. Để nhanh chóng đạt được DE (nền kinh tế số), chúng ta cần phải thoát khỏi tư duy lợi ích dựa trên các nguồn lực truyền thống, và hướng trọng tâm vào các nguồn lực cơ bản như trí tuệ, năng lực công nghệ, hiện đại hóa doanh nghiệp và hạ tầng số. Đi cùng với đó là sự cách mạng về chính sách, đạt được sự công khai minh bạch, quản trị thông minh, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạng và an toàn “số”.

Nói về việc xây dựng các mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong kinh tế số, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty VINACONEX đã đưa ra 4 khuyến nghị chính, đó là: 1 - Khung kỹ năng và năng lực của nhân viên sẽ phải thay đổi; 2 - Gia tăng tiếp xúc trải nghiệm số hóa các sản phẩm và dịch vụ trong ngành cũng như trong cuộc sống; 3 - Trang bị cơ sở kỹ thuật đầy đủ; 4 - 20% Nhân viên thành thạo tiếng Anh.

Ông Đào Ngọc Thanh cũng chỉ rõ những điều doanh nghiệp cần phải làm, đó là: Chấp nhận cái mới, công nghệ mới, người lao động thế hệ mới. Coi con người là cốt lõi của phát triển, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp cần được chú trọng, việc đào tạo phải “đi hai chân”: vừa đào tạo mới, vừa phải đào tạo lại. Các doanh nghiệp cần chớp thời cơ sớm nhất vì “tốc độ phát triển hiện nay là không tưởng”. Đồng thời, các chính sách và đường lối của doanh nghiệp liên quan đến kinh tế số, công nghệ số phải có tính cạnh tranh toàn cầu, phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam.

Shark Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Tập đoàn NextTech

Shark Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Tập đoàn NextTech.

Còn theo Shark Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho rằng Cần thiết có sự thay đổi văn hoá (lấy dữ liệu làm trọng) làm thay đổi cơ bản cách vận hành doanh nghiệp và giá trị mang lại cho khách hàng”.

Ông đưa ra gợi ý 4 cách tiếp cận chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Thứ nhất, dùng các nền tảng dịch vụ phần mềm Online sẵn có. Lãnh đạo phải tìm hiểu và sử dụng trước, rồi ép xuống để nhân viên thực hiện; thứ hai là tìm đối tác tư vấn chuyển đổi số. Cách này tương đối hiếm và đắt!; thứ ba, bổ sung Gen công nghệ bằng cách săn tìm lãnh đạo cao cấp về công nghệ (làm đồng sáng lập, giám đốc kỹ thuật…); thứ tư, tìm “tri kỷ” chuyển đổi số qua hình thức chia sẻ doanh thu hoặc liên doanh theo mô hình chia sẻ hiệu quả dựa trên giá trị gia tăng thực tế.

Hiệp định EVFTA – Cơ hội và thách thức cho các DN

Nói về “Doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu”, ông Đỗ Cao Bảo, Đồng sáng lập, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT đã đưa ra các số liệu rất cụ thể để chứng minh những lợi thế của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và qua các hiệp định đối tác thương mại lớn EVFTA và CPTPP.

Theo ông, hiện nay, doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang chủ yếu tập trung làm các công việc đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp, chất xám ít, giá trị gia tăng ít, lợi nhuận thấp. Hàng hóa nông sản chủ yếu xuất khẩu thô, chưa qua chế biến. Sản xuất chủ yếu gia công lắp ráp, sản phẩm made in VN/Make VN ít. Hầu hết là công ty địa phương, rất ít công ty đa quốc gia như Viettel, FPT. Đó đều là những khoảng trống cần các doanh nghiệp Việt lấp đầy.

Ông Đỗ Cao Bảo khẳng định: “Nền kinh tế số dựa trên chính phủ số, doanh nghiệp số, công dân số. Chuyển đổi số không phải là công việc của giới CNTT mà là công việc của các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng CNTT, chính phủ. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ nghiệp vụ, từ nhu cầu công việc. Chuyển đổi số không thể thành công nếu nó không thay đổi (từ con người, từ lãnh đạo, từ nghiệp vụ). CNTT, AI, 4.0 chỉ là công cụ để chuyển đổi số.”

Còn theo chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh – Chủ tịch Hội đồng Giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI đã khẳng định bản chất của nền kinh tế số thể hiện ở 5 điều: Kết nối không biên giới với định hướng Bigdata; Sử dụng các phần mềm tin học tác nghiệp trên mọi quá trình; Đem lại khả năng cá biệt sâu và tích hợp cao (One in All & All in One); Thay đổi căn bản cách làm việc và cấu trúc sản phẩm/dịch vụ theo hướng tiện ích, tiếp cận, tương tác, tái tạo; Sử dụng mô hình các tổ chức tinh gọn, thông minh, hòa nhập.

Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh cũng mang đến những lời khuyên giá trị cốt lõi cho các chủ doanh nghiệp: Tập trung khai thác thành công tại địa phương để lan tỏa thế giới, sở hữu tư duy toàn cầu từ văn hóa đến tư tưởng (tháo bỏ não trạng cản trở) và thoát bẫy thu nhập trung bình thấp.