Thời kỳ BĐS rơi vào khủng hoảng những năm 2000, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã tuyên bố rút khỏi thị trường và đầu tư vào nông nghiệp, nhằm tìm kiếm mức tăng trưởng bền vững hơn.

Doanh nghiệp của bầu Đức được xem là ông lớn đầu tiên của sàn chứng khoán có những tuyên bố nghiêm túc với nông nghiệp.

"Mình định hướng sai thì chấp nhận thôi..."

Hầu như các thông tin về việc đầu tư vào nông nghiệp của HAGL đều mang những giá trị tích cực, mà điểm sáng được chú ý chính là đàn bò. Tuy nhiên, việc đổ vốn đến khoảng 18.000 tỷ đồng cùng một trải nghiệm 5 năm làm nông nghiệp của HAGL đã cho thấy làm nông nghiệp chuyên nghiệp trên quy mô lớn không hề đơn giản. Trong khoảng thời gian thực sự sống với nông nghiệp, HAGL cũng đã xoay vòng đủ cách để ổn định tình hình.

Quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ đưa HAGL từ tập đoàn đa ngành trở thành công ty chuyên về nông nghiệp và cây ăn trái

Quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ đưa HAGL từ tập đoàn đa ngành trở thành công ty chuyên về nông nghiệp và cây ăn trái

Giai đoạn 2016 - 2017, khắp đất nước Việt Nam ai cũng nhắc đến bầu Đức và HAGL với những món nợ khổng lồ. Hết năm 2019, tổng số dư nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp này vẫn còn 12.700 tỷ đồng.

Điều khiến người ta ấn tượng là thái độ của ông chủ doanh nghiệp này với nợ nần. Ông ta coi đó là chuyện bình thường trong kinh doanh: "Mình định hướng sai thì chấp nhận thôi. Trong kinh doanh đó là trả giá! Mình vướng vào nợ nần thì mình phải tính cách chuyển hướng, bán mà trả thôi. Có gì đâu!"

Ông Đức cho biết: "Ban đầu khi quyết định đầu tư vào nông nghiệp, HAGL chọn phát triển cây công nghiệp, gồm cao su và cọ dầu. Sau 5 năm đi sâu vào hai cây đó, nhìn lại thì tôi thất bại. Thất bại là bởi giá của thị trường biến động quá lớn, chứ không phải cây sai. Như giá của cao su chẳng hạn, từ 5.000 USD/ tấn hạ xuống còn 1.300 USD/ tấn thôi. Hạ thấp đến 400% đấy. Cọ dầu tương tự, giá cũng bị xuống.

Như vậy sẽ chỉ có hai hướng để lựa chọn: Chuyển đổi hay không chuyển đổi? Chuyển đổi được gì mà không chuyển đổi được gì?

Mình đã bỏ ra một số tiền rất lớn đến 9.000 tỷ đồng vào đấy rồi. Nếu không chuyển đổi thì mình còn mất nữa. Còn nếu chuyển đổi, mình được một đường ra. Có thể nhỏ, có thể xa, nhưng rõ ràng đó là một con đường.

Cuối cùng thì quyết định chuyển đổi. Quyết định rồi phải làm dứt khoát".

Cách mà bầu Đức nhìn thẳng vào sự thật và thừa nhận cái sai của bản thân cũng dứt khoát như cách mà ông ta triển khai các giải pháp cắt lỗ, giảm nợ và tìm kiếm doanh thu. Chỉ riêng trong năm 2019, với nhiều biện pháp HAGL đã giảm nợ được hơn 7.000 tỷ đồng.

Khoản nợ khổng lồ của HAGL sau khi tái cơ cấu và đầu tư vào nông nghiệp đã cho thấy, dù làm ăn bài bản căn cơ thì nông nghiệp vẫn là một canh bạc lớn đối với nhiều đại gia.

Khoản nợ khổng lồ của HAGL sau khi tái cơ cấu và đầu tư vào nông nghiệp đã cho thấy, dù làm ăn bài bản căn cơ thì nông nghiệp vẫn là một canh bạc lớn.

Doanh nghiệp này đã phải bán, chuyển nhượng rất nhiều dự án, công ty con của mình ở nhiều quốc gia để có thêm nguồn tiền trả nợ. Đồng thời họ đẩy mạnh tái cấu trúc tập đoàn theo hướng dứt điểm thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực không hiệu quả, tăng cường tập trung vào nông nghiệp.

Từ 2016 cho đến 2019, HAGL đã đầu tư cho sự chuyển đổi đó 200 triệu USD. Kết quả mang lại là hiện nay doanh nghiệp của bầu Đức đang sở hữu trên 20.000 ha cây ăn trái và hơn 30.000 ha cao su.

Trong đó, diện tích chuối chiếm khoảng một nửa, góp phần chủ lực trong việc tạo ra dòng tiền quay vòng nhanh chóng, đẩy doanh thu của công ty tăng nhanh trong thời gian gần đây. Các loại cây ăn trái khác như mít và xoài đã bắt đầu cho thu hoạch và có triển vọng tốt, góp phần tạo nền tảng tăng trưởng doanh thu đa dạng và vững chắc hơn trong thời gian tới.

"Định hướng sẽ tùy theo giai đoạn, nhưng có 5 loại cây HAGL coi là chiến lược, gồm chuối, xoài, bưởi, mít, sầu riêng. Hiện tại, 8.000 ha đầu tiên đã để dành cho chuối, đó là cây chủ lực thời điểm này. Cỡ 1 - 2 năm nữa diện tích cọ dầu sẽ được thay hết bằng rừng cây ăn trái. Trước mắt, tồn tại và duy trì khối tài sản to lớn của cổ đông là mục tiêu tối thượng trong năm 2020", bầu Đức nhấn mạnh.

"Đám cưới" với Thaco

Cuộc đào thải khắc nghiệt trong những năm gần đây đã khiến các doanh nghiệp nhỏ, yếu chấp nhận bỏ cuộc chơi. Nói về kinh nghiệm vượt khủng hoảng, ông Đức chia sẻ công thức chung nhiều người đề cập là có chiến lược dài hơi, đánh trúng thị trường, cắt giảm chi phí và biết dùng người... Tuy nhiên, căn bản nhất là mỗi doanh nghiệp phải nhìn nhận đúng về mình, không lạc quan tếu nhưng cũng không quá bi quan. Điều quan trọng nhất là biết dừng đúng lúc và "điều tiết lòng tham".

Nghi thức trao bản Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa HAGL và Thaco hồi tháng 8/2018

Nghi thức trao bản Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa HAGL và Thaco hồi tháng 8/2018

Là người đi qua nhiều thăng trầm trong đời kinh doanh, ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng, để vượt qua khủng hoảng, bên cạnh ý chí và nỗ lực, điều không thể thiếu là phải có được những người đồng hành tin cậy. 

Và trong cơn khủng hoảng nợ vay gấp đôi vốn chủ sở hữu cách đây vài năm, nhà đầu tư đã nhìn thấy nhiều tài sản của bầu Đức được đem ra cầm cố để cơ cấu nợ. Thậm chí, những mảng kinh doanh được kỳ vọng trước đó như mía đường và thủy điện cũng “đội nón ra đi”, thông qua chuyển nhượng.

Tháng 8/2018, Trường Hải chính thức tham gia tái cấu trúc nợ tại HAGL thông qua tài trợ vốn và chính thức bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trong lễ ký kết hợp tác chiến lược của HAGL với Thaco, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vui mừng gọi đây là "đám cưới môn đăng hộ đối".

Tháng 12/2019, tại vùng quê nghèo bậc nhất Campuchia, sau khi nói về khoản học phí 9.000 tỉ của mình, bầu Đức một lần nữa trải lòng về khoản vốn đầu tư này: "Đó là nguồn vốn rất quý giá. Thứ nhất vì nó đúng lúc. Không có nguồn đầu tư lúc đó, thì không có cuộc nói chuyện giữa chúng ta ngày hôm nay. Thứ hai vì nó được đổi bằng cả máu thịt của mình. Tôi vẫn luôn coi Thaco không chỉ là đối tác, họ là ân nhân của mình".

Nhưng rất tình cờ trong một lần trò chuyện với lãnh đạo của Thadi, công ty con phụ trách các dự án nông nghiệp của Thaco, họ lại khẳng định chắc nịch với tôi rằng: "Không biết ai mới là người phải cảm ơn ai trong câu chuyện hợp tác giữa HAGL với Thaco". Chắc hẳn quyền lợi mà Thaco có được từ cái bắt tay này phải rất hấp dẫn, lúc đó tôi đã hỏi lãnh đạo của Thadi như vậy.

Câu trả lời là những tiếng cười sảng khoái: "Nếu không có chuyện này, tụi tôi đã không có việc làm và công ty đã không có doanh thu ở đây (2 dự án nông nghiệp mà hiện nay Thadi đang triển khai tại Campuchia).

Với "liều" năng lượng mạnh từ Thaco khi có dòng “tiền tươi”, cùng tư duy quản trị của Thaco, bầu Đức tự tin HAGL sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn một cách ngoạn mục, để cơ cấu ngành nghề được tập trung tốt hơn.

Ông Đoàn Nguyên Đức từng chia sẻ ở thời điểm hai bên bắt tay hợp tác: “Tôi xúc động và trân trọng mối quan hệ này vì tới thời điểm này, HAGL như con tàu lớn đang ngập chìm trong nợ nần, chỉ có Thaco đồng ý cứu HAGL và cũng chỉ có Thaco mới đủ tiềm lực về vốn, công nghệ và quản trị để vực dậy HAGL”.

Theo người đứng đầu Tập đoàn HAGL, cái ông cần là tiền và quản trị nhưng phải là quản trị của doanh nghiệp lớn, đã có thành công. Và ông Trần Bá Dương là người có cả hai. Không những thế, ông chủ Thaco còn là người sẵn sàng đồng hành cùng HAGL.Trong lễ kỷ niệm 1 năm hợp tác chiến lược giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) diễn ra hồi tháng 9/2019, ông chủ HAGL Đoàn Nguyên Đức và ông chủ Thaco Trần Bá Dương một lần nữa siết chặt tay nhau trong niềm hân hoan.