ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình

Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình

Từ doanh nghiệp của những cựu chiến binh

Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình vốn là một cựu chiến binh, ông rời quân ngũ năm 1975. Trở về sau những năm tháng chiến đấu trong công cuộc thống nhất đất nước, trong tay không có bằng cấp cũng như nghề nghiệp, ông xin được một công việc chở bia thuê cho HTX vận chuyển bia của công ty Bia Hà Nội.

Ròng rã suốt 10 năm đạp xích lô, học mót được những kinh nghiệm trong làm bia và nỗi lòng đau đáu khi nhìn doanh nghiệp bia Việt rơi vào tay nước ngoài, ông Đường đứng ra thành lập tổ hợp Thương binh nặng Hòa Bình.

Trên cơ sở đó, năm 1993 Công ty TNHH thương binh Hòa Bình ra đời, đây là doanh nghiệp tư nhân sản xuất bia đầu tiên tại Hà Nội và là đơn vị thứ hai làm bia sau công ty Bia Hà Nội, được xây dựng bởi 9 thành viên, trong đó có 7 thương binh và 2 cựu binh.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Công ty Hòa Bình từng là một trong những cái tên dình đám nhất thị trường sản xuất bia và nước ngọt, sở hữu nhà máy sản xuất malt (nguyên liệu làm bia) đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, nhà máy sản xuất nước ngọt với tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 1.000 tỷ đồng.

Hiện tại, Tập đoàn Hòa Bình đăng ký đến 81 mã ngành nghề kinh doanh khác nhau, trong đó nổi bật như xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác (xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp). Ngoài ra, các ngành, nghề kinh doanh khác của doanh nghiệp là sản xuất rượu vang, bia, mạch nha ủ men bia, đồ uống không cồn, nước khoáng...; sản xuất sợi, vải dệt thoi, thảm, chăn đệm...; sản xuất giày dép, bột giấy, giấy...; in ấn; kho bãi và lưu trữ hàng hóa; bán ô tô, xe máy; kinh doanh bất động sản...

Ông Nguyễn Hữu Đường chia sẻ, thời gian trôi qua, 3 trong 7 thương binh - thành viên sáng lập của Hòa Bình đã trở thành liệt sĩ do vết thương chiến tranh tái phát. Tuy nhiên, ông và những thành viên còn lại vẫn giữ ngọn lửa chiến đấu trên thương trường, tiếp tục xây dựng và phát triển Tập đoàn.

Đến nay, hơn 2.000 lao động của Tập đoàn, trong số đó phần lớn thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh và con em các gia đình chính sách. Những cựu chiến binh ấy vẫn luôn trăn trở làm thế nào để tiếp tục cống hiến cho đất nước thời bình. 

Kinh doanh bất động sản “kiểu lính”

Năm 2004, Tập đoàn Hòa Bình bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực xây dựng và bất động sản, chỉ 2 năm sau đó, tòa tháp quốc tế Hòa Bình cao 22 tầng đã hình thành trên đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Đến năm 2010, Tập đoàn này cho ra mắt dự án chung cư cao cấp Hòa Bình Green Apartment cao 25 tầng. Đến năm 2014, Tổ hợp 1.200 căn hộ và trung tâm thương mại dát vàng Hòa Bình Green City được đưa vào sử dụng.

Luôn đau đáu việc “chiến đấu” dành thị trường cho hàng Việt, năm 2015, Tập đoàn Hòa Bình đưa ra một quyết định táo bạo đó là dành diện tích 25.000m2 tại tòa nhà Hòa Bình Green City tại 505 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội để làm Trung tâm thương mại và siêu thị (Trung tâm V+) cho các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng và miễn phí hoàn toàn tiền thuê mặt bằng.

khi ông sở hữu hàng loạt dự án, khách sạn đến dinh thự xa hoa, dát vàng nổi tiếng.

Tập đoàn Hoà Bình sở hữu hàng loạt dự án, khách sạn đến dinh thự dát vàng nổi tiếng

Ông Nguyễn Hữu Đường chia sẻ, trên thế giới ai làm chủ hệ thống thương mại người đó sẽ điều tiết được sản xuất. Do đó, nếu người Việt Nam không nắm hệ thống phân phối thương mại, mà để cho các trung tâm phân phối nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài như Aeon, BigC thì Việt Nam sẽ không thể điều tiết được sản xuất. Việc miễn phí tiền thuê mặt bằng này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có nơi trưng bày và tiêu thụ các sản phẩm của mình sản xuất. 

Đồng hành cùng sự phát triển của thương hiệu Việt, năm 2018, ông “Đường bia” cũng một lần nữa tặng không 1.000m2 mặt bằng cho trung tâm điện máy Pico, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp Việt chiếm lại thị phần.

Không chỉ mang phẩm chất người lính kiên trung, một lòng muốn góp phần dựng xây đất nước, ông Đường còn mang trong mình máu “ngông” và bản lĩnh nói được làm được của một người chiến sĩ.

Thời gian gần đây, cái tên “Đường bia” dường như đã bị thay thế bởi “phù thủy” dát vàng tòa nhà Nguyễn Hữu Đường, khi ông sở hữu hàng loạt dự án, khách sạn đến dinh thự xa hoa, dát vàng nổi tiếng.

Đơn cử như tại dự án Danang Golden Bay, tổ hợp căn hộ khách sạn lớn nhất nước hiện nay với tổng cộng 1.875 phòng cũng được dát vàng cả bồn rửa mặt, bồn tắm. Thậm chí, bể bơi vô cực trên nóc toà nhà 27 tầng nhìn ra vịnh Đà Nẵng cũng lát bằng gạch dát vàng, và Danang Golden Bay cũng là khách sạn có bể bơi vô cực dát vàng đầu tiên trên thế giới. Kiệt tác này đã giúp Hòa Bình một lần nữa gây chấn động thị trường bất động sản.

Mới đây, Tập đoàn Hòa Bình cũng cấp cho Hà Nội thêm 440 phòng khách sạn cao cấp dát vàng - Hà Nội Golden Lake tại khu đất vàng B7 phường Giảng Võ, quận Ba Đình nhằm kịp thời phục vụ sự kiện đua xe công thức 1 lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội.

Không những vậy, tấm lòng sẻ chia nhân ái của ông Đường đối với những đồng đội xưa kia vẫn luôn cháy bỏng khi vị đại gia sẵn sàng bán đấu giá siêu lâu đài dát vàng của mình tại dự án Hội An Golden Sea, dành toàn bộ số tiền này để gây quỹ từ thiện khắc phục hậu quả chiến tranh do ông sáng lập…

“Cho đi là còn mãi, những gì Hòa Bình Group đang làm là những lời tri ân đến những đồng đội của ông đã ngã xuống, để tiếp tục chiến đấu mang lại hòa bình trên tất cả các phương diện cho đất nước” – ông Đường bồi hồi chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Đường là một trong những tấm gương cựu chiến binh chống giặc thời chiến, kiến thiết đất nước thời bình, dù cho bất cứ hoàn cảnh nào cũng đứng lên vì mục tiêu chung phát triển đất nước "hòa bình", vững mạnh.