Mà đi biển với anh là chuyện cơm bữa. Thậm chí sáng vừa về, chiều lại đi. Mỗi năm bao nhiêu cuộc du ngoạn trên biển anh cũng không nhớ xuể. Nếu có dịp cùng anh đi biển, nhìn cách anh quan sát, anh ngắm nghía, nhìn các tư thế anh chụp ảnh, hẳn bạn sẽ nghĩ anh là một nhiếp ảnh gia thực thụ, đang say sưa theo đuổi đề tài về Hạ Long.

Mở ra du lịch trải nghiệm trên Vịnh Hạ Long..

Những lúc như vậy, nếu nói anh là một doanh nhân hẳn không mấy người tin. Doanh nhân thì mê chuyện kinh doanh chứ ai mê chuyện chụp ảnh. Nhưng anh là một doanh nhân thực thụ, Tổng giám đốc công ty Du thuyền Đông Dương. Chỉ có điều như anh nói thì anh đã trót nặng tình với Hạ Long mất rồi vì Hạ Long quá đẹp. Và cái tình yêu ấy đã dẫn dụ anh với những cuộc lênh đênh triền miên trên biển, hết đông, sang hè, hết ban mai lại đến những đêm trăng. Hầu như mọi ngõ ngách của Hạ Long, của Bái Tử Long anh đều thông tỏ với vô vàn những bức ảnh về vịnh biển ken chặt trong chiếc máy tính xách tay.

Có lẽ vì sự nặng tình ấy chăng mà anh đã nhận ra một điều rằng Hạ Long kỳ vĩ với những biến ảo đầy tinh tế còn đang ẩn chứa bao nhiêu điều kỳ thú để có thể dâng tặng cho con người và tiềm năng du lịch Hạ Long hóa ra còn nhiều hơn những gì chúng ta tưởng và chúng ta đã khai thác.

Từ sự “nhận” ấy, cộng với cái sắc bén của một doanh nhân, anh “thiết kế” cách làm du lịch mang thương hiệu Đoàn Văn Dũng mà bước đầu anh tạm gọi là du lịch hội nhập. Nghĩa là thay vì quan sát, sẽ sống cuộc sống và công việc của những người dân chài.

Anh Dũng chia sẻ, sau một ngày thăm Thiên Cung, Đầu Gỗ, Sửng Sốt, du khách sẽ nhập vai những ngư dân Hạ Long. Trước hết là kéo buồm, lái thuyền để tận hưởng cảm giác của một dân chài Hạ Long thực thụ và ngả mình chiêm ngưỡng muôn ngàn cảnh sắc Hạ Long, những cảnh sắc chưa có trong các lịch trình thông thường.

“Điểm đến tiếp là làng chài Vông Viêng với nét mộc mạc, dân dã đang chờ sẵn. Du khách sẽ làm công việc thường ngày của người dân làng chài là cho cá ăn, đúng như một người trong cuộc. Rồi chèo xuồng đi đánh cá, tự  tay mình quăng chài, thả lưới cùng với những ngư dân Hạ Long, cùng hồi hộp chờ đợi về một mẻ lưới, cùng sống trong cảm giác sung sướng gỡ những chú cá tươi rói đang quẫy trong lưới để thấy bên cạnh sự kì vĩ, huyền ảo, Hạ Long còn là kho báu tiềm năng hải sản, đây là những điều mà khách du lịch, đặc biệt là khách Châu âu, Mỹ rất ưa thích”, anh Dũng nói.

Có thể nói DN Đoàn Văn Dũng là một trong những người đầu tiên đưa ý tưởng chèo thuyền nan thành sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long. Sản phẩm này không những nhận được sự thích thú của du khách mà còn mang đến nguồn thu nhập lớn cho bà con ngư dân. Ảnh Lê Cường

Doanh nhân Đoàn Văn Dũng là một trong những người đầu tiên đưa ý tưởng chèo thuyền nan thành sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long. Sản phẩm này không những nhận được sự thích thú của du khách mà còn mang đến nguồn thu nhập lớn cho bà con ngư dân. Ảnh Lê Cường

Nhưng đây chỉ mới là một trong rất nhiều kịch bản của doanh nhân Đoàn Văn Dũng để thay đổi khẩu vị thưởng ngọan Hạ Long của du khách, thay vì cứ đi mãi những tua, tuyến, những đường mòn trong dịch vụ du lịch như trước kia. Ví như dịch vụ chèo thuyền Kayax để khách được tận hưởng cảm giác bồng bềnh, choáng ngợp, pha chút thích thú mạo hiểm của việc tự chèo, tự lái.

Chèo thuyền Kayax cũng là một trong những sản phẩm du lịch anh nghĩ ra..

Chèo thuyền Kayax cũng là một trong những sản phẩm du lịch anh nghĩ ra..

Và như vậy, Đoàn Văn Dũng đã phần nào thành công trong việc tạo ra một sự mới mẻ, hấp dẫn hơn trong cách làm du lịch trên vịnh Hạ Long. Nhưng với anh đây không phải là cái đích duy nhất và cuối cùng.

Anh tâm sự, những ngày lênh đênh trên biển, cùng ăn, cùng ngủ, cùng sống cuộc sống với bà con làng chài, tôi chợt thấy chạnh lòng, Hạ Long dồi dào tiềm năng du lịch, là chùm khế ngọt mà bao nhiêu doanh nghiệp du lịch đã gặt hái. Nhưng những người dân làng chài, những cư dân chính của vùng vịnh giàu đẹp này lại chưa một lần được hưởng lợi từ tiềm năng du lịch mà vẫn sống cuộc sống đơn sơ của nghề đánh bắt cá.

“Tôi cứ tự hỏi mình, tại sao không chia sẻ lợi ích với bà con, không tổ chức cho họ tham gia làm dịch vụ du lịch để cuộc sống của họ được cải thiện mà yêu hơn, gắn bó và có trách nhiệm hơn với việc  bảo vệ vùng nước non này”, anh Dũng chia sẻ thêm.

Thay vì quẩn quanh trong khung cửa hẹp của ngôi nhà nổi với sức lao động thừa thãi không biết dùng vào việc gì trong khi cuộc sống thì vẫn còn quá đạm bạc, từ ngày chèo thuyền  họ có thu nhập trên dưới 200 ngàn đồng một người một buổi. Một khoản thu nhập có thể coi là lý tưởng vào thời điểm hiện tại với họ. Không có sự tranh giành khách. Tất cả lần lượt theo sự điều hành của ban quản lý hợp tác xã.

Mũ nan, nón lá, nụ cười chất phác của họ và con thuyền nan êm ả, nhẹ nhàng đã trở thành cảm hứng cho những cú bấm máy của du khách. Anh cũng chính là người khơi nguồn cảm hứng cho nhân viên, bà con làng chài và du khách về cách làm du lịch sạch khi đưa ra sáng kiến thực hiện dự án “vì một Hạ Long xanh” với việc đầu tư kinh phí, tổ chức lực lượng và đích thân tham gia các chiến dịch thu gom rác thải trên Vịnh.

Cùng với các sản phẩm mới mẻ lôi cuốn, Đoàn Văn Dũng còn tạo ra ý thức trong công tác bảo vệ môi trường cho bà con ngư dân và du khách khi tham quan vịnh.

Cùng với các sản phẩm mới mẻ lôi cuốn, Đoàn Văn Dũng còn tạo ra ý thức trong công tác bảo vệ môi trường cho bà con ngư dân và du khách khi tham quan vịnh.

Đích thân in ấn tờ rơi tuyên truyền bảo vệ môi trường, vận động thay đổi nhận thức thói quen chặt cây, phá đá, khai thác hải sản bằng mìn, vứt rác xuống biển của những gia đình dân chài, huy động ý thức và hành động thiết thực của họ vào việc bảo vệ môi trường vịnh. Tự lúc nào anh đã trở thành một tuyên truyền viên không mệt mỏi cho việc vận động ngừời dân cùng cộng đồng trách nhiệm bảo vệ môi trường biển.

... Và du lịch cộng đồng tại những thôn quê

Đoàn Văn Dũng không chỉ là người thích làm du lịch trải nghiệm trên biển mà anh còn “ham” làm du lịch khám phá, du lịch cộng đồng trên đất liền. Nhất là sau này, khi một bộ phận lớn bà con làng chài đã lên đất liền định cư và xu hướng du lịch cộng đồng đang phát triển, thay vì “lênh đênh” trên biển, anh dành nhiều thời gian “lang thang” khắp các địa bàn trong tỉnh: Đông Triều, Yên Hưng, Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm hà, Móng cái.

Khi Đoàn Văn Dũng cho ra đời dự án du lịch cộng đồng làng quê Yên Đức, không ít người ngạc nhiên: Một làng quê không danh thắng, không có gì nổi bật hơn những làng quê khác thì sao có thể làm du lịch được. Nhưng Đoàn Văn Dũng biết cái “gu” của khách: Chính cái chất làng quê bình lặng, rất thuần Việt của Yên Đức là điều mà du khách muốn được chiêm nghiệm, khám phá.

Du khách rất thích thú khi được trải nghiệm cuộc sống đậm nét văn hóa của người dân Việt Nam

Du khách rất thích thú khi được trải nghiệm cuộc sống đậm nét văn hóa của người dân Việt Nam

Cho đến nay, dự án du lịch cộng đồng tại làng quê Yên Đức của anh đang được đánh giá là  “điểm sáng”, “dấu son” của du lịch Quảng Ninh với con số từ 2 tới 3 ngàn lượt khách đến đây mỗi tháng, chủ yếu là khác du lịch đến từ châu Âu.
 

Không chỉ góp cho thị trường một địa danh du lịch thu hút khách, dự án du lịch Yên Đức còn góp phần tích cực bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc, không gian, phong tục làng quê, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 40 lao động và nguồn thu cho thuê điểm cho hàng chục gia đình tại làng quê này.  

Tiếp sau du lịch Yên Đức, Đoàn Văn Dũng và các cộng sự của mình đang bắt tay vào một dự án du lịch cộng đồng tiếp theo với qui mô lớn hơn, có tồng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng trên diện tích  1142,5 ha tại 19 thôn của xã Tiền An ( Yên Hưng)  với các loại hình dịch vụ: Tham quan trải nghiệm , dịch vụ ẩm thực (Ẩm thực đồng quê, biển), mô hình cửa hàng mua bán chợ quê xưa (Các sản vật địa phương), dich vụ nghỉ lại Làng (Homstay, nhà việt, Resort), dịch vụ hát dân gian, múa rối nước, kịch.

Khi xây dựng dự án này, Đoàn văn Dũng đặt mục tiêu thu hút bình quân 350 ngàn lượt khách/ năm và để Tiền An được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến như một Việt Nam thu nhỏ về nông thôn, nông dân, giàu bản sắc, hiền hòa, chất phác với dự kiến 100% hộ gia đình được hưởng lợi từ du lịch.

Du lịch Quảng Ninh đã may mắn khi có Đoàn Văn Dũng. Chắc chắn là vậy. Bởi khác với tư duy cưỡng đoạt, thôn tính, độc hưởng mang tính vị kỷ, quá coi trọng giá trị lợi nhuận mà xem nhẹ yếu tố môi trường và các giá trị truyền thống  ở một số đơn vị du lịch, một số mô hình du lịch, Đoàn văn Dũng có triết lý rõ ràng về cách làm du lịch: Cùng chia sẻ, cùng thụ hưởng, cùng phát triển, môi trường phải tốt hơn, con người phải văn minh hơn, các giá trị truyền thống phải được bảo vệ vững bền hơn, phát huy giá trị cao hơn. 

Cho đến nay, công ty anh đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 200 lao động, xây dựng được một đội ngũ người làm du lịch có tính chuyên nghiệp cao, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ gia đình tại Vông Viêng, Cống Đầm, Yên Đức. Nếu tính cả Tiền An đang triển khai con số đó sẽ là hàng ngàn hộ.

Phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm với việc giữ nguyên bản sắc, cảnh quan vốn có chính là sứ mệnh mà doanh nhân Đoàn Văn Dũng theo đuổi.

Phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm với việc giữ nguyên bản sắc, cảnh quan vốn có chính là sứ mệnh mà doanh nhân Đoàn Văn Dũng theo đuổi

Một ngày nào đó muốn nói chuyện qua điện thoại với Đoàn Văn Dũng, nếu bạn không liên lạc được, thì rất có thể vị Giám đốc này lại đang lang thang trên mặt biển, đến những bản làng tìm địa điểm và ý tưởng cho việc thiết lập một lịch trình, dịch vụ du lịch mới mẻ hoặc đơn thuần là tìm kiếm những cảm xúc mới, những khuôn hình lạ của một người đã nặng lòng với mảnh đất và con người Quảng Ninh.