Vũ khí của doanh nhân

Với khát vọng làm giàu, doanh nhân tạo ra giá trị cho cộng đồng trên cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Nhưng thương trường như chiến trường. Doanh nhân cũng cần sử dụng “vũ khí”.

Vũ khí đầu tiên chính là chuyên môn sâu của bản thân. Người giỏi tài chính, người tài dịch vụ, người lại xuất sắc trong đầu tư. Doanh nhân luôn bám sát giá trị cốt lõi của mình để phát triển sự nghiệp.

Vũ khí thứ hai, quan trọng hơn cả vốn, là con người, đội ngũ. Để tuyển dụng tốt cần nắm vững khâu “tuyển” và “dùng”. Tuyển nhân sự giỏi là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là nhân sự phải phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Có thể tuyển những người có năng lực tầm trung song sỏ hữu thái độ tích cực & phụng sự, sau đó đào tạo và huấn luyện thêm.

Vũ khí thứ ba là tài chính. Kinh doanh cần vốn, được huy động bằng nhiều nguồn. Nếu ý tưởng kinh doanh tốt thì việc thu xếp tài chính không phải là vấn đề khó khăn.

Năng lực, nhân sự và tài chính là ba vũ khí chiến lược đồng hành cùng mỗi doanh nhân trên mọi mặt trận kinh tế.

Doanh nhân và doanh nghiệp

Doanh nhân là thương hiệu cá nhân. Doanh nghiệp gắn với doanh nhân thành công thì doanh nghiệp sẽ thành công. Không có doanh nghiệp thất bại, chỉ có chủ doanh nghiệp thất bại.

Văn hoá nền tảng của mỗi doanh nhân là tiền đề của văn hóa doanh nghiệp.

Doanh nhân đúng nghĩa là doanh nhân có đức, có tài, nghị lực, biết điều hành doanh nghiệp bằng lý trí mà không chỉ cảm xúc đơn thuần. Đặc biệt, doanh nhân cần hiểu và tận dụng tối đa nguồn lực về con người và tài chính.

Trình độ, văn hóa và nghị lực là căn cốt của doanh nhân. Doanh nhân không có căn cốt thì không có sứ mệnh.
Giá trị cốt lõi của doanh nhân bao hàm nhiều mặt. Một ví dụ như : trong kinh doanh bất động sản, trục cốt lõi xoay quanh hoạt động tư vấn đầu tư, xây dựng dân dụng, công nghiệp… Trong du lịch, trục cốt lõi xoay quanh hoạt động kinh doanh thực phẩm, khách sạn, dịch vụ chăm sóc,…

Nhưng trên tất cả, thấm vào trong máu người kinh doanh là sự thấu hiểu khách hàng. Doanh nhân hiểu rõ nhu cầu khách hàng, hiểu nỗi đau của họ và biết cách tìm ra viên thuốc giảm đau hoặc tốt hơn hết là chữa lành “vết thương lòng” cho khách hàng.

Tương lai kinh doanh

Niềm tin về tương lai kinh doanh vẫn đang được trao cho lĩnh vực đầu tư tài chính (chứng khoán nhộn nhịp trong thời gian gần đây là một ví dụ) và bất động sản. Hiện nay, việc đầu tư bất động sản cần tính chất chuyên nghiệp hóa cao. Đặc biệt, bất động sản công nghiệp là lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm lớn với tiềm năng sâu rộng.

Để đầu tư bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp cần tạo ra hệ sinh thái chuẩn, tìm hiểu sâu sắc và tận dụng tốt các cơ chế chính sách của nhà nước cùng sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng.
Hệ sinh thái bất động sản công nghiệp gắn liền với các tiện ích đồng bộ (logistics, chỗ ở, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, chữa bệnh…), công nghệ thông minh (smart factory, ứng dụng kho hàng…), tài nguyên và nguồn lực được tối ưu sử dụng, và cuối cùng là những nguồn vốn dễ dàng tiếp cận.

Nhìn chung, dễ dàng nhận thấy các ngành kinh doanh tiềm năng đều gắn liền với yếu tố công nghệ, và tuân theo xu hướng thân thiện với môi trường.