Tọa đàm “Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch COVID-19” do Reatimes tổ chức

Dịch bệnh COVID - 19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp thời gian này cũng trải qua những ngày tháng gian nan nhất, lần đầu tiên có 85.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 8 tháng qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực để duy trì sản xuất kinh doanh để đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

“Bơm máu”, tiếp sức” doanh nghiệp

Chia sẻ tại Tọa đàm “Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch COVID-19” do Reatimes tổ chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, những lực cản, nút thắt doanh nghiệp, doanh nhân phát triển trong bối cảnh hiện nay, có lẽ vướng mắc lớn nhất là kẹt cứng ở một mặt là mô hình “Zero Covid” và cách sống chung an toàn với COVID.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Vị chuyên gia cho biết, phải gỡ được tư duy này từ các mục tiêu xung đột, mâu thuẫn, cần phải áp đặt cân bằng hai mục tiêu vừa chống COVID -19 vừa phát triển kinh tế.

Trong đó, với doanh nghiệp, câu chuyện khôi phục mở cửa kinh tế với thế giới, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu. Cần tạo điều kiện đầy đủ cho doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu chứ không thể ngăn cấm hay áp đặt về vấn đề giao thông vì sẽ cản trở vấn đề di chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu vật tư.

Thứ hai, là câu chuyện nhân lực công nhân cho doanh nghiệp. Làm thế nào để thu hút họ trở về các thành phố. Đặc biệt là, với trách nhiệm của doanh nghiệp bất động sản. Phải làm sao để công nhân có nhà ở ổn định ở các khu công nghiệp để họ an cư, an tâm sản xuất kể cả khi xảy ra ra dịch bệnh khác. Phải biến việc nhà ở cho người lao động sớm thành hiện thực.

Thứ ba, với nhóm tiêu dùng thì cần phải bảo đảm thị trường mở cửa trở lại. Tóm lại, vấn đề an sinh xã hội cho người dân nói chung, người nghèo, người lao động phải được đáp ứng tốt nhất để từ đó kích cầu tiêu dùng.

Thứ tư, vấn đề vốn vay cho doanh nghiệp. Nhưng thực chất là đối với vấn đề vay vốn cho doanh nghiệp, có hai vấn đề: nếu vay của dân bằng trái phiếu hay công cụ nào thì phải trả lãi suất cao; Thứ nữa, là tiền tích trữ cần phải chi tiêu luôn vì không phải lúc này thì còn lúc nào nữa.

Thứ năm, đối với thủ tục và chính sách hiện nay còn rất vướng, tôi cho rằng Quốc hội cần ban hành nghị quyết tháo gỡ các thủ tục chính sách cần thiết.

Tập "khiêu vũ" trong thời bão tố

Đồng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho rằng, COVID -19 là áp lực đặt ra cho các cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp sáng tạo hơn. Chúng ta đang trong bối cảnh cả thế giới trở nên căng thẳng và chưa dự báo được sẽ phát triển theo hướng nào và tâm thế doanh nhân phải là “tập khiêu vũ trong thời bão tố” vì không còn cách nào khác.

TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Bên cạnh việc mở cửa kinh tế, vốn việc "tiếp máu" cho doanh nghiệp được Chủ tịch VIAC nhấn mạnh hàng đầu, bởi mất khả năng thanh khoản là khó khăn chung của doanh nghiệp hiện nay, do đó cần hỗ trợ tiếp máu cho doanh nghiệp bằng các chính sách tài khoá.

“Nếu chỉ có ngân hàng giảm lãi suất thì không đạt được kết quả tích cực nhất do đó cần có các chính sách, các quỹ bảo lãnh ngân hàng. Cần nhấn mạnh rằng, chính sách tài khoá phải tích hợp với chính sách tiền tệ  phải kết hợp để bơm máu cho doanh nghiệp… Hiện nay, các gói chính sách mới thực hiện được 50% do đó còn rất nhiều dự địa để tiếp tục hỗ trợ” – TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ. Bên cạnh đó, ông Lộc cũng cho biết, cần cởi trói chính sách cho doanh nghiệp, gỡ vướng những chồng chéo.

Nói riêng về phương diện các doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc cho biết đã qua thời kỳ theo đuổi lợi nhuận thuyệt đối, điều chúng ta đang hướng đến chính là cống hiến cho xã hội. Cần quan tâm xanh hóa, xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa, đề cao tính xã hội của doanh nghiệp, có trách nhiệm xã hội, hướng đến phát triển bền vững là cực kỳ cần thiết.

Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam trao tặng các chuyên gia ấn phẩm Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, trong khủng hoảng, doanh nghiệp cần biết đùm bọc, chia sẻ với nhau, như hình ảnh cây ATM của doanh nghiệp Việt Nam là một hình thức sáng tạo ra trong thời gian qua.

Vấn đề mấu chốt là cần kiến tạo một môi trường để doanh nghiệp phát triển bền vững. Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã chứng minh truyền thống và tinh thần tương thân tương ái, yêu nước của mình. Điều này không chỉ khẳng định rõ hơn vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong giai đoạn mới mà còn làm nên một hình ảnh đẹp cho đất nước.