Thuở xưa, Nguyễn Trãi - đầu tàu gương mẫu trong xây dựng đất nước, vì khuyên vua thi hành nhân nghĩa mà đối đầu với Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Vấn, rồi cáo quan về Côn Sơn ở ẩn. Ông viết hai câu thơ gây thảng thốt lòng người: "Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn/ Lòng người quanh nữa nước non quanh".

Danh tướng Trần Nguyên Hãn là đại công thần thời nhà Lê, năm 1429 trả mũ mão, xin về quê vì biết rằng “nhà vua đã có Việt vương Câu Tiễn, cho nên ta không yên hưởng sướng vui được”.

Nguyễn Bỉnh Khiêm, chán nản vì tấu sớ hạch tội 18 tên đại nịnh thần không được nhà vua chấp thuận, ông lui về mở trường dạy học, viết sách, làm thơ. Có lẽ vì thế mà di cảo của ông để lại đậm đặc “mùi” đời, thấm đẫm nỗi trở trăn, có lúc ông vùi mình vào Đạo giáo để tìm lời giải cho bất trắc đường đời!?.

Ông Đoàn Ngọc Hải và bối cảnh hiện thực, đã trở thành thần tượng trong lòng dân chúng vì “dám làm”, rồi từ đó, người ta thấy cái sự “dám” của ông là dám chống lại cường quyền đen tối - kinh tế vỉa hè được định lượng 20 tỷ USD ở Việt Nam.

Vậy nên, ông trở thành của hiếm trong một bầu không khí rộn ràng đùn đẩy nhau khi sai trái, tranh giành nhau khi lập công trạng. Giữa đường phố Quận 1, ông Hải thật sự là hiện thân của luật pháp, rằng bất cứ ai vi phạm đều phải xử lý!

Có phải, vì kiên quyết xử lý mà ông viết trong lá đơn xin từ chức, có mấy câu thảng thốt như thế này: “Phải chăng việc tôi chỉ huy đi dọn dẹp vỉa hè đã đụng chạm đến lợi ích của nhiều người có máu mặt và kết quả với tôi ngày hôm nay là như vậy”.

Ông Đoàn Ngọc Hải rất khẳng khái và quyết liệt trên vỉa hè

Ông Đoàn Ngọc Hải rất khẳng khái và quyết liệt trên vỉa hè

Ông Hải đã quyết định cáo quan sau vài giờ nhận quyết định bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Công ty xây dựng Sài Gòn - một trường hợp hiếm thấy! Vì lý do:

“Tôi nhận thấy mình không có trình độ chuyên môn về ngành xây dựng, không phù hợp với năng lực, sở trường chuyên môn được đào tạo thì không thể làm tốt được công việc này. Nếu tôi miễn cưỡng nhận nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng; sẽ làm tổn thương đến uy tín của Đảng, tiền bạc, tài sản của nhân dân, nên tôi xin từ chức”.

Nếu ông Hải viết vậy, tôi tin chắc rằng, người dân cả nước cảm thấy diễm phúc lắm lắm vì may mắn có được một người lãnh đạo đầy liêm sỉ và trách nhiệm như ông!

Một người không biết tặc lưỡi ừ thì…, một người biết năng lực trình độ mình nên làm việc gì, cái gì không nên, và rất đúng rằng, biết đâu trên cương vị mới không đúng chuyên môn ông Hải bút phê làm tan nát tài sản, mồ hôi nước mắt của nhân dân, uy tín của Đảng, Nhà nước?

Ở vị trí mới, cũng chót vót ở một đơn vị kinh tế hái ra tiền, nếu “cúi đầu”, hẳn bổng lộc không hề nhỏ, ông đã hơn hẳn vạn người gian dối “ôm ghế”, vâng, dạ, ạ, thưa cốt chỉ kiếm tìm lợi ích vật chất.

Và đáng nói hơn khi công việc “dọn dẹp vỉa hè” không hề đơn giản, đầy va chạm với cả những người “ngắn tầm tức tiếng” và sức ép vô hình nào đó mang tên “lợi ích nhóm”.

Lá đơn của ông Hải còn để lộ ra khoảng tối trong chính sách bố trí con người. Vì sao không đặt con người vào vị trí đúng với năng lực, sở trưởng? Phải chăng, việc bổ nhiệm là ý chí của một nhóm người chứ không phải vì ích lợi thiết thực của nhân dân?

Chúng ta kêu gọi chiêu hiền đãi sĩ, hiện thực hóa một Việt Nam văn minh thịnh vượng, tiếng kêu vọng ra tới ngoại quốc, nhưng ngay chính trên đất nước mình, người tài hiện hữu, sao không biết cách dùng?

Dùng người hoàn toàn khác “xếp ghế”. Nó như một ván cờ mà lựa thế mạnh yếu để trao ấn tiên phong, buộc người chơi phải dùng trí tuệ, “lạc nước hai xe đành bỏ phí” là như thế.

“Xếp ghế” - làm sao cho ngay hàng thẳng lối, ai cũng có chỗ ngồi, ai cũng cảm thấy mình có tí chút… thì ai mà chẳng làm được?

Không biết, sau những vụ việc tham nhũng, thất thoát tày đình, những người “nảy mực” có cảm thấy toát mồ hôi, có cảm thấy mình có lỗi với nhân dân, với cả người bị vướng vòng lao lý?

Và biết đâu được, nếu nhận bừa chiếc ghế ở Công ty xây dựng có ngày ông Hải trở thành tội đồ, vì thiếu chuyên môn, và những người “xếp ghế” có chột bụng hay không?

Tài mọn tham vọng lớn, cảm thấy mình “ba đầu sáu tay” là nguồn cơn cơ sự ngày hôm nay mà công cuộc phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy phải đau lòng giải quyết.

Mơ thay, có thêm nhiều ông Hải, cả ông Hải trên đường phố và ông Hải trong lá đơn xin từ chức!