Có lẽ mọi sự bắt đầu từ những vụ lùm xùm trên mạng xã hội, liên quan đến người tự xưng “thần y”, mọi thứ chợt rẽ sang giới nghệ sĩ người Việt và dây dưa đến cả một danh hài tiếng tăm về số tiền từ thiện quyên góp để ủng hộ đồng bào miền Trung trong đợt thiên tai bão lũ cuối năm 2020.

Cận cảnh đợt bão lũ lịch sử tại miền Trung năm 2020.

Cận cảnh đợt bão lũ lịch sử tại miền Trung năm 2020.

Thế mới thấy từ thiện ở xứ ta còn nhiều tiếng thở dài ngao ngán!

Nếu xét ở góc độ tâm lý, “từ thiện” là hành động làm cho người ta có cảm giác tâm lý dễ chịu, khi vật chất tiền bạc của mình cho đi, giúp đỡ đồng bào bớt đi được khó khăn, đó là một cảm giác “gieo nhân lành để gặt quả phúc”.  

Thế nên, thật dễ hiểu cho sự tức giận của người quyên góp từ thiện mà đồng tiền của họ “không đến được nơi cần đến”. Đó không chỉ là nỗi tức giận của việc bị ăn chặn kiểu “của đau con xót” mà còn là sự giận dữ khi tấm khăn lòng trao gửi mà không phủ tới sự khó khăn và nỗi bất hạnh.

Truyền thống người Việt ta từ xưa muôn đời vẫn thế, “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái thắm đượm nghĩa tình như trong câu ca dao:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Nhưng tiền nhân cũng dạy “của cho không bằng cách cho”, suy cho cùng, việc từ thiện cũng cần có văn hóa, văn minh.

Ở các nước kinh tế phát triển, việc từ thiện của họ rất chuyên nghiệp, các tỷ phú, người ta làm từ thiện khi đã trở nên giàu có. Việc thiện nguyện được tổ chức bởi các quỹ có tổ chức chặt chẽ, việc thu chi, mục đích sử dụng được công khai minh bạch, người làm trong tổ chức được hưởng lương, thưởng và các chế độ như làm việc tại doanh nghiệp.

Đơn cử như quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng Bill Gate, có số tiền tới 46,8 tỷ USD, hoạt động với mục đích nâng cao chăm sóc y tế và giảm nghèo đói toàn cầu, giúp tăng cơ hội học tập và tiếp cận công nghệ thông tin tiên tiến.

Quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng Bill Gate.

Quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng Bill Gate.

Hay như quỹ từ thiện Stichting INGKA Foundation, được thành lập bởi nhà tỷ phú người Thụy Điển, ông Ingvar Kamprad, nhà sáng lập nên chuỗi cửa hàng bán lẻ nội thất nổi tiếng trên toàn thế giới IKEA với ngân quỹ khoảng 36 tỷ USD. Quỹ từ thiện này được thành lập với mục đích hỗ trợ những nhà kiến trúc sư và những người làm trong lĩnh vực thiết kế nội thất và liên quan.

Hay như quỹ từ thiện Ford Foundaton, với ngân quỹ khoảng 11 tỷ USD, quỹ được thành lập bởi các nhà sáng lập hãng xe Ford. Tuy nhiên, sau này, quỹ này đã bán toàn bộ cổ phiếu của Ford và đã trở thành một quỹ từ thiện độc lập có nhiều hoạt động vì cộng động nổi tiếng trên khắp thế giới.

Hoặc như tỷ phú Phạm Nhật Vượng âm thầm chuyển hơn 2.300 tỷ đồng làm từ thiện trong năm 2020. Theo Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng với quỹ từ thiện "Thiện Tâm" của Vingroup đã quyên góp 77 triệu USD trong năm 2020 cho các hoạt động cứu trợ COVID-19. 

Có thể thấy, hầu hết trên thế giới, người góp tiền vào công tác từ thiện trước hết là người có khả năng tài chính, kinh tế, cái họ hướng đến là những mục đích nhân văn, cao cả. Họ không mưu cầu sự báo đáp, nổi tiếng hay đánh bóng tên tuổi cá nhân. Niềm vui và hạnh phúc của họ là “cho đi không mong nhận lại”. Họ vui với nụ cười trở lại trên môi của trẻ bị hở hàm ếch hay vui cùng niềm vui của người nông dân châu Phi nâng trên tay mình sản vật có được từ loại giống mới trong viện nghiên cứu, bông lúa, củ mì  sẽ giúp họ thoát đói giảm nghèo.

Quay trở lại nước ta, chỉ cần xem lại đợt bão lũ lịch sử năm ngoái tại khúc ruột miền trung để thấy tấm lòng của những người Việt trong khi đồng bào gặp khó khăn. “Chưa khi nào tôi thấy là “TÌNH NGƯỜI” lại ấm áp đến vậy. Những ngày này, dọc ngang những con đường hối hả từng đoàn xe chở đầy mì gói, nước lọc, nhu yếu phẩm đến với người dân vùng lũ. Những vật phẩm có thể nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Song, sau tất cả đó phần NGƯỜI đã động lay khi đồng bào mình gặp hoạn nạn”. - Một đồng nghiệp của tôi đã viết trong những ngày đi từ thiện tại miền Trung. 

Thời điểm đó, mạng xã hội cũng ngập tràn sắc màu yêu thương, hàng loạt hình ảnh giàu cảm xúc khó nói thành lời. Sắc áo xanh, màu áo vàng cùng hòa quyện vào nhau, không quản ngại khó khăn gian khổ, hiểm nguy cốt chỉ để xích lại gần nhau hơn.

Nụ cười của người dân, niềm vui của chúng tôi.

Nụ cười của người dân, niềm vui của người đi làm từ thiện

Vậy mà, vẫn có những “niềm tin bị đánh tráo” đang hiện diện trong cộng đồng chúng ta. Những niềm tin mà chúng ta gửi đi bị lợi dụng, bị bong tróc bởi lòng tham của một số người đang khiến dư luận xã hội lên án, niềm tin bị xói mòn, tình cảm bị phản bội.

Nếu làm từ thiện mà “trống dong cờ mở”, rồi livestream, rồi chụp ảnh để đánh bóng tên tuổi, để tìm kiếm sự nổi tiếng, để mưu cầu lợi ích thì có lẽ nó chẳng còn mang bản chất vẹn nguyên của sự thiện nguyện cao cả.

Có người nói, “hãy trồng hoa cho đời bớt cỏ”, thiện nguyện trước tiên phải là thứ xuất phát từ trong tâm mỗi người. Thế mới thấy, công tác từ thiện ở nước ta còn nhiều thứ cần bàn!