Tương lai của AI trong lĩnh vực nhân sự tại Việt Nam sẽ ra sao? Việt Nam mặc dù vẫn nằm ngoài bản đồ những nước áp dụng Trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ trên thế giới, nhưng theo một Báo cáo về triển vọng nghề nghiệp và Xu hướng kỹ năng dự báo từ năm 2018 – 2022 thì các yếu tố về khoa học công nghệ như “robot hóa và tự động hóa” sẽ thay đổi cục diện của toàn cảnh thị trường tuyển dụng và lao động tại Việt Nam.

AI đe Dọa?

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao chất lượng cuộc sống và trong công việc đã trở thành một xu hướng trong những năm gần đây trên toàn cầu. Xét về khía cạnh việc làm và nguồn nhân lực, bên cạnh việc Trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần làm xuất hiện những nhóm nghề mới, những công cụ tiện ích hơn cho người lao động, thì bên cạnh đó cũng là những thách thức về việc những công việc sẽ bị thay thế dần bởi Trí tuệ nhân tạo.

Theo báo cáo mới nhất của VietnamWorks, khi được hỏi về các nhân tố khoa học – công nghệ nào sẽ thay đổi thị trường lao động trong 5 năm tới, thì “robot hóa và tự động hóa” được dự đoán sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến thị trường với 59% ý kiến đồng ý của các chuyên gia nhân sự. 89% ý kiến cũng cho rằng “nhóm ngành máy tính và công nghệ” sẽ phát triển mạnh. Bên cạnh đó, những công việc mang tính chất quy trình lặp đi lặp lại, hoặc có thể lập trình bởi máy móc sẽ bị thay thế, như Hành chính/Thư ký; Kế toán.

Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa chỉ riêng các công việc như Công nghệ thông tin hoặc liên quan đến Công nghệ cao mới chịu sự tác động bởi Trí tuệ nhân tạo. Theo một báo cáo của McKinsey, top 10 những lĩnh vực được ứng dụng AI nhiều nhất trên toàn cầu lần lượt là: Công nghệ cao và Viễn Thông; Sản xuất; Dịch vụ tài chính; Tài nguyên và Tiện ích; Truyền thông và Giải trí; Đóng gói hàng tiêu dùng; vận chuyển và hậu cần; bán lẻ; Giáo dục; Dịch vụ chuyên nghiệp.

Tại Việt Nam, những ứng viên trong ngành Công nghệ cũng đã và đang bắt đầu nhận thấy tiềm năng phát triển của AI. Theo một báo cáo của Navigos Group, khi được hỏi về những lợi ích mà Trí tuệ nhân tạo sẽ ứng dụng rõ nhất tại Việt Nam trong 5 – 10 năm tới, phần đông ứng viên ngành Công nghệ cho biết quan điểm lần lượt là: Ứng dụng AI vào kho dữ liệu lớn (Big data) nhằm phân tích số liệu và đưa ra giải pháp tốt hơn cho con người; AI tạo ra các cỗ máy thông minh giúp nền công nghiệp chuyển sang mô hình tự động hóa hoàn toàn; AI tạo ra những robot thông minh, giúp con người giảm thiếu các công việc nguy hiểmt trong tương lai. Bên cạnh đó, ứng dụng AI để phục vụ cho các lĩnh vực liên quan đến giải trí và tiện ích hay sinh vật cơ khí hóa cũng được họ nhìn nhận về tiềm năng phát triển.

Hay tạo động lực mới?

Trước lợi ích rất lớn mà Trí tuệ nhân tạo đem lại cho đa ngành nghề, các doanh nghiệp đều không muốn bỏ qua tiềm năng của Công nghệ này cho hoạt động của công ty. Cũng theo báo cáo trên của Navigos Group, khi được hỏi về kế hoạch ứng dụng các công nghệ mới như AI, có đến 1/4 người tham gia khảo sát cho biết doanh nghiệp của họ có kế hoạch ứng dụng trong tương từ 1 đến 3 năm trở lại.

Việc ứng dụng AI trong các doanh nghiệp được xem là giải pháp tối ưu trong cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác nó tác động trực tiếp tới việc làm của con người. AI sẽ thay thế hàng triệu việc làm...

Trong bối cảnh các công nghệ mới sẽ ảnh hưởng đến đa ngành nghề, các nhà tuyển dụng cũng nêu lên quan điểm họ sẽ ưu tiên tuyển dụng các ứng viên có kiến thức về “phát triển tự động hóa” hoặc tuyển nhân sự có “kỹ năng đáp ứng được công nghệ”, đây là hai quan điểm có cùng 87% ý kiến lựa chọn của các nhà tuyển dụng. Song song đó là sự xuất hiện của những nhóm kỹ năng mới được nhà tuyển dụng ưu tiên, có thể kể đến như “Độ nhạy bén với vấn đề” là năng lực thiết yếu để phát triển trong tương lai; “Học hỏi tích cực” trở thành kỹ năng cơ bản cần thiết nhất của người lao động; “Hợp tác với người khác” là kỹ năng phức tạp quan trọng nhất. (Theo báo cáo Triển vọng nghề nghiệp và xu hướng kỹ năng 2018 – 2022 của VietnamWorks)

Kỷ nguyên đa trí tuệ

Như vậy, hiện nay Trí tuệ nhận tạo có bản chất như một công cụ được tạo ra để tăng cường chất lượng cuộc sống và công việc của con người. Trí tuệ này có khả năng “tự học lại” những gì con người đã khám phá, và có năng lực tự logic nhưng do được lập trình sẵn bởi con người.

Theo một nghiên cứu của Tony Buzan, một nhà tâm lý học người Anh rất nổi tiếng, thì con người có đến 10 loại trí tuệ khác nhau. Trong đó, có những loại trí tuệ mà theo quan sát của tôi hiện nay chúng ta đang vận dụng rất nhiều nhưng máy móc vẫn chưa thể nào thay thế được, đáng kể đến như: trí tuệ sáng tạo, trí tuệ cảm xúc, trí tuệ xã hội, trí tuệ tâm thức,…

Chính vì vậy, theo quan điểm của riêng tôi, nguồn nhân lực sẽ không bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo một khi người lao động nhanh nhạy nắm bắt được xu hướng và tác động của công nghệ, chủ động học hỏi để biết cách vận dụng công nghệ thay vì để công nghệ thay thế. Bên cạnh đó là việc phát huy những loại trí tuệ thiên về sáng tạo, tư duy, cảm quan... để đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới của công việc trong tương lai.