Để thúc đẩy tín dụng xanh tăng tốc nhanh hơn trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng cần có một cú hích từ chính sách.

BAC A BANK nhận giải thưởng Ngân hàng tiêu biểu về Tín dụng xanh 2019 trong khuôn khổ Giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu (VOBA)

BAC A BANK nhận giải thưởng Ngân hàng tiêu biểu về Tín dụng xanh 2019 trong khuôn khổ Giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu (VOBA)

Xu hướng khó cưỡng lại

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới với biến đổi khí hậu và nước biển ngày càng dâng cao. Chính vì vậy, chống biến đối khí hậu và phát triển bền vững luôn là mục tiêu hàng đầu mà Chính phủ đặt ra và để hiện thực hóa mục tiêu này, vai trò của ngân hàng là vô cùng quan trọng. Bởi ngân hàng chính là van điều tiết để phân bổ nguồn lực tài chính vào những lĩnh vực xanh, qua đó thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Nhận thức rõ điều đó, ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng đã ngay lập tức vào cuộc, xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ, đồng thời lồng ghép hoạt động tín dụng xanh trong chiến lược phát triển của mình.

Theo đó, đến nay đã có 19 TCTD xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường xã hội, 13 TCTD tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường xã hội vào quy trình hoạt động “tín dụng xanh”, 10 TCTD đã xây dựng được sản phẩm tín dụng cho “tín dụng xanh”… Thậm chí, nhiều ngân hàng còn chủ động tham gia các dự án có tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế về bảo vệ môi trường và cấp tín dụng xanh.

Nhờ sự triển khai tích cực đó, tín dụng xanh đã có nhiều cải thiện rõ rệt. Trong đó nổi bật nhất là Bac A Bank – một trong 3 ngân hàng được vinh danh ở hạng mục Ngân hàng tiêu biểu về Tín dụng xanh năm 2019. Theo đó, đến cuối tháng 6 năm 2019, tổng dư nợ tín dụng xanh của ngân hàng này đạt gần 21.000 tỷ đồng. VietinBank cũng là một ngân hàng đi tiên phong trong đầu tư vốn cho các dự án xanh. Đại diện VietinBank cho biết, tính đến hết quý 3/2019, VietinBank đã ký kết trên 600 nghìn hợp đồng cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ hơn 16 nghìn tỷ đồng trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tập trung tài trợ cho năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và quản lý nước sạch. 

Tín dụng xanh là những khoản cho vay đối với những dự án có liên quan đến yếu tố môi trường, như thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng...

Cần "cú hích" chính sách 

Tuy nhiên, “tại anh tại ả, tại cả đôi bên” khiến cho tín dụng xanh phát triển chưa đúng với tiềm năng. Về phía doanh nghiệp, không thể phủ nhận một  thực tế là hiện vẫn có rất ít doanh nghiệp quan tâm đến tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững. Nguyên nhân một phần cũng bởi việc đầu tư cho tăng trưởng xanh khá tốn kém và khiến chi phí sản xuất bị đội lên. 

Ở chiều ngược lại, theo phản ánh của không ít doanh nghiệp, việc tiếp cận nguồn vốn này không hề dễ dàng. Thừa nhận điều này, lãnh đạo một ngân  hàng chia sẻ, dù đẩy mạnh tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, song không phải dự án xanh nào cũng được cấp tín dụng, mà cần phải đáp ứng được các điều kiện mà ngân hàng đặt ra như phải chứng minh được tính hiệu quả, minh bạch thông tin, đặc biệt là không có nợ xấu tại ngân hàng…

Trong khi cho vay đối với các dự án xanh, ngân hàng còn gặp một số khó khăn như yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, tài chính của các dự án xanh rất phức tạp đòi hỏi cao về năng lực thẩm định kỹ thuật và thẩm định tài chính; lợi nhuận có thể không được hấp dẫn so với chi phí bỏ ra. Chưa kể rủi ro trong cho vay đối với các dự án xanh cũng không hề nhỏ. 

TPBank là một trong những ngân hàng tích cực đẩy mạnh tín dụng xanh.

TPBank là một trong những ngân hàng tích cực đẩy mạnh tín dụng xanh.

Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, các dự án xanh thường làm phát sinh chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế, nhiều ngành nghề liên quan đến tăng trưởng xanh là các ngành nghề mới ở Việt Nam như điện mặt trời, điện gió, điện rác…

Trong khi cơ chế hiện nay cũng không khuyến khích các ngân hàng dồn vốn vào tín dụng xanh. Bởi vậy, theo các chuyên gia ngân hàng, để thúc đẩy tín dụng xanh phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, bên cạnh nỗ lực của ngân hàng và doanh nghiệp, rất cần một “cú hích” từ chính sách. Theo đó, đối với doanh nghiệp, cần có các cơ chế ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp xanh hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Còn với ngân hàng, nên có những  hỗ trợ cần thiết như giảm dự trữ bắt buộc, tăng hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ cao như đối với hoạt động cho vay tam nông hiện nay. Bên cạnh đó, do nguồn vốn đầu tư cho các dự án xanh đều là dài hạn, trong khi sắp tới các ngân hàng chỉ còn được sử dụng có 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn. Vì vậy NHNN cần loại trừ dư nợ tín dụng xanh khi tính tỷ lệ này. Đặc biệt cần có cơ chế cấp bù lãi suất để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các dự án xanh như đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Cần cơ chế đặc thù cho tín dụng xanh

 

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐTV BIDV

Ông Võ Tấn Hoàng Văn,
Tổng Giám đốc Ngân hàng
TMCP Sài Gòn (SCB)

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), hiện nhiều TCTD cũng chủ động tham gia các dự án có vốn tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế về bảo vệ môi trường và cấp tín dụng xanh.

Trong quá trình cấp tín dụng cho các dự án trên, BIDV đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí bảo vệ môi trường, đánh giá tác động của dự án môi trường- xã hội. Đến thời điểm này, BIDV đã cho vay các dự án điện gió, năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, việc tài trợ cho vay của các ngân hàng đối với các dự án xanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc như cơ chế ưu đãi chưa rõ, chi phí đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài trong khi nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn và trung hạn.

Ngoài ra, hướng dẫn về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh chưa có các tiêu chí cụ thể cũng là trở ngại đối với các TCTD trong việc thẩm định và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Để khuyến khích các ngân hàng, cũng như các chủ đầu tư tích cực tham gia các dự án xanh, NHNN không nên không tính nguồn vốn cho vay dự án xanh, sạch vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn, ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu. Ngoài ra, NHNN xem xét có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay dự án tín dụng xanh.

Quy định tỷ lệ tối đa tăng trưởng tín dụng xanh

 

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank

Ông Nguyễn Hưng,
Tổng Giám đốc TPBank

Trên thực tế, các ngân hàng Việt Nam, trong đó có TPBank, đã đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đối với TPBank, tỷ lệ phần trăm nguồn vốn cho tín dụng xanh trên tổng danh mục tín dụng dự kiến lên tới vài nghìn tỷ đồng. 

Trong thời gian tới, TPBank sẽ ưu tiên hơn nữa cho lĩnh vực xanh, tỷ lệ trên tổng danh mục tín dụng sẽ tiếp tục tăng lên và không chỉ dừng lại ở mức vài nghìn tỷ đồng. 

Để đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên có một cơ chế khuyến khích, chẳng hạn như nếu cho vay các dự án xanh sẽ không bị tính vào room tăng trưởng tín dụng, vì con số này không nhiều nhưng cũng cho thấy một sự ủng hộ của NHNN, bởi khi tài trợ tín dụng xanh, các ngân hàng đã chấp nhận hy sinh một phần lợi ích rồi. 

Các ngân hàng hiện đang chịu áp lực rất lớn vì room tín dụng khá hạn chế, nên phải phân bổ danh mục tín dụng sao cho hiệu quả. Điều này khiến ngân hàng luôn bị “giằng xé” mục tiêu giữa một bên làm sao để biên lợi nhuận cao đáp ứng kỳ vọng của cổ đông, một bên đảm bảo các yếu

tố môi trường, xã hội nhưng lợi ích thấp hơn. Bởi vậy, NHNN có thể quy định tỷ lệ tối đa đối với tăng trưởng tín dụng xanh để tránh trường hợp lách qua tín dụng xanh nhưng không thực chất.

Tín dụng xanh sẽ lan tỏa trong nhiều lĩnh vực

 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB

Ông Nguyễn Đình Tùng,
Tổng giám đốc OCB

Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), chúng tôi không nói về câu chuyện ngân hàng xanh nhưng thực tế hàng năm vẫn được nhận khoản tài trợ tín dụng từ IFC (khoảng 100 triệu USD) và từ ADB (khoảng 50 triệu USD). Ngoài những tiêu chí đánh giá tín dụng, thì một trong những tiêu chí đánh giá tài trợ tín dụng của IFC và ADB là xét về hiệu quả/ tác động bảo vệ môi trường. Sau một thời gian triển khai, thấy tiêu chí nói trên có ý nghĩa quan trọng đối với đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp bao gồm tác động môi trường, tác động đến đóng góp cho nền kinh tế xanh. Do đó, chúng tôi cũng đưa hẳn tiêu chí này vào bộ tiêu chí xét đánh giá tín dụng chung của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong 2 năm vừa qua, OCB đã tài trợ hàng chục dựán điện mặt trời ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Trước

30/6/2019, OCB đã hoàn tất tài trợ khoảng hơn 10  dự án như vậy và tỷ lệ tài trợ tín dụng trung và dài hạn dành cho điện mặt trời hiện đang chiếm khá cao, khoảng 20% - cao hơn các ngành khác rất nhiều. 

Nhìn chung, xu hướng kinh tế xanh đã và đang được các quốc gia trên toàn cầu quan tâm, theo đuổi, đã có nhiều chính sách ưu tiên bảo vệ môi trường. Ngành tài chính Việt Nam hiện cũng đã và đang chuyển động với xu hướng này. Do đó, tín dụng xanh có thể nói sẽ còn lan tỏa trong nhiều lĩnh vực.

Nên có chương trình quốc gia về tài chính xanh 

 

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)

Ông Võ Tấn Hoàng Văn,
Tổng Giám đốc Ngân hàng
TMCP Sài Gòn (SCB)

Ngay từ tháng 8/2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh thông qua việc triển khai sản phẩm “Cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng”, với tổng hạn mức của chương trình hỗ trợ đầu tư xanh (Chương trình GIF) là 110 tỷ đồng (bao gồm cả BIDV, Techcombank và SCB).

Trong quá trình phát triển tín dụng xanh, các ngân hàng đang đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức, như thiếu cơ chế chính sách quản lý rủi ro môi trường và xã hội, việc áp dụng các thông lệ quốc tế như Bộ tiêu chuẩn hoạt động của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), các sáng kiến tài chính của chương trình môi trường Liên hợp quốc… Do đó, cần ban hành chương trình quốc gia về tài chính xanh và các hướng dẫn liên quan đến quy trình thẩm định, cho vay... nhằm giúp các ngân hàng có căn cứ  để mở rộng tín dụng xanh. 

Về phía doanh nghiệp, cần xây dựng tiêu chí cụ thể cho các mô hình sản xuất công nghệ cao trong nông nghiệp; có cơ chế khuyến khích tư nhân và doanh nghiệp đầu tư, đồng thời quy hoạch nhà máy sản xuất, chế biến; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu… Đặc biệt, chính quyền địa phương cần ổn định quy hoạch vùng nông nghiệp, hỗ trợ người dân trong các thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất xanh như cấp đổi giấy chứng nhận, chuyển mục đích quyền sử dụng đất...