Hôm thứ tư, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật mới, cho phép “cấm cửa” các công ty từ chối “minh bạch kế toán” khi giao dịch trên các sàn chứng khoán nước này. Trước đó, đạo luật đã giành được sự ủng hộ nhất trí tại Thượng viện vào đầu năm nay, có nghĩa là nó chỉ thiếu chữ ký của Tổng thống Donald Trump để trở thành luật.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump.

Dự luật sẽ áp dụng cho bất kỳ công ty nước ngoài nào, nhưng rõ ràng là tập trung vào các công ty của Trung Quốc. Sở dĩ nói vậy là vì chính quyền Bắc Kinh luôn yêu cầu các công ty giao dịch ở nước ngoài phải giữ giấy tờ kiểm toán của họ ở Trung Quốc đại lục, nơi chúng không thể bị các cơ quan nước ngoài kiểm tra. 

Nhưng giờ đây, dự luật mới khiến tất cả các công ty đại chúng được niêm yết tại Hoa Kỳ bắt buộc phải chứng minh được nguồn gốc, có hay không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ nước ngoài, không loại trừ một ai.

Dự luật này được gây ra bởi vụ bê bối kế toán của Luckin Coffee. Hồi đầu năm nay, công ty của Trung Quốc này đã bị tiết lộ những “bất thường kế toán” khi được niêm yết trên sàn Nasdaq. Sau đó, chính quyền Trump tăng cường giám sát các công ty nước ngoài với mục tiêu “loại bỏ các công ty gian dối của Trung Quốc ra khỏi các sàn giao dịch của Mỹ”.

Thượng nghị sĩ John Neely Kennedy cho rằng, thật nguy hiểm khi chính sách của Hoa Kỳ đang thả lỏng các quy tắc với các công ty của Trung Quốc.

Luckin Coffee - công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Nasdaq bị phát hiện có sự gian dối về kế toán.

Luckin Coffee - công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Nasdaq bị phát hiện có sự gian dối về kế toán.

Một số công ty Trung Quốc đã và đang chuẩn bị các kế hoạch dự phòng trước sự giám sát chặt chẽ của Mỹ. Ngay từ đầu năm, công ty game NetEase và công ty thương mại điện tử JD.com, cả hai đều kinh doanh tại New York, đã tiên liệu thấy những dấu hiệu của sự căng thẳng. Họ công bố niêm yết thứ cấp trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Một số các công ty khác có thể cũng đã tính toán những bước đi cần thiết, trong đó có Alibaba và China Telecom.

Phía Bắc Kinh đã thể hiện rõ sự không hài lòng với luật pháp của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hua Chunying cho biết: "Chúng tôi kiên quyết phản đối việc chính trị hóa quy định chứng khoán. Chúng tôi hy vọng phía Hoa Kỳ có thể cung cấp một môi trường công bằng và không phân biệt đối xử cho các công ty nước ngoài đầu tư và hoạt động tại Hoa Kỳ, thay vì cố gắng thiết lập các rào cản khác nhau".

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Goldman Sachs đã chỉ ra trong một nghiên cứu đầu năm nay rằng, dự luật sẽ chỉ buộc các doanh nghiệp phải hủy niêm yết nếu họ không thể được kiểm toán trong ba năm liên tiếp. Các nhà phân tích cho biết thêm, các quy định giám sát chặt chẽ hơn có khả năng đẩy nhiều công ty về phía Hồng Kông.

Có thể nói, dự luật mới này sẽ là “đòn cuối” của Donald Trump với Trung Quốc trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng Giêng. 

Trong năm nay, Washington đã liên tục, liên tục tăng cường cuộc chiến với Bắc Kinh. Bắt đầu từ việc Donald Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh về cách xử lý đại dịch COVID-19. Sau đó là các cáo buộc lẫn nhau từ cuộc xung đột ở Hồng Kông và các vấn đề ở Tân Cương. Tiếp đó là cuộc chiến công nghệ khi chính quyền Trump nhắm vào TikTok và đẩy Huawei vào cuộc chiến sinh tồn, đồng thời cấm người Mỹ đầu tư vào một số công ty Trung Quốc.