Với 26 sản phẩm của 19/50 doanh nghiệp được Hội đồng xét chọn công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2020, tiếp tục góp phần khẳng định uy tín sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước… 

 Sản xuất thiết bị điện tại Cổ phần kỹ thuật Công nghiệp Á Châu.

Sản xuất thiết bị điện tại Cổ phần kỹ thuật Công nghiệp Á Châu.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, năm 2020 là năm thứ ba TP. Hà Nội triển khai chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) Thành phố theo đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025…

Nâng cao giá trị thương hiệu

Bên lề Lễ tôn vinh và trao danh hiệu SPCNCL thành phố Hà Nội năm 2020 diễn ra (11/12), ông Đàm Tiến Thắng, Phó GĐ Sở Công Thương TP. Hà nội cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, năm 2020 có 50 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia chương trình xét chọn SPCNCL. Kết quả có 26 sản phẩm của 19 doanh nghiệp đủ điều kiện được Hội đồng xét chọn đề nghị Sở Công Thương trình UBND Thành phố công nhận đạt danh hiệu SPCNCL Thành phố năm 2020, 10 sản phẩm của 6 doanh nghiệp được công nhận TOP 10 SPCNCL Thành phố năm 2020.

Nhìn lại kết quả sau 3 năm (2018 -2020) xét chọn, ông Thắng đánh giá, thành phố đã công nhận 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp đạt danh hiệu SPCNCL Thành phố (bằng 146,25% so với mục tiêu đề ra. Doanh thu của 77 doanh nghiệp sản xuất SPCNCL thành phố năm 2020 ước đạt gần 200 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 1 tỷ USD.

Trong số 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp được công nhận SPCNCL TP. Hà Nội giai đoạn 2018-2020, có 22 doanh nghiệp có doanh thu năm 2019 đạt trên 1.000 tỷ đồng (trong đó 01 doanh nghiệp có doanh thu trên 40.000 tỷ, 07 doanh nghiệp có doanh thu trên 5.000 tỷ), 15 doanh nghiệp thuộc nhóm sản phẩm công nghệ cao, 10 doanh nghiệp FDI, trong đó có những thương hiệu toàn cầu như TOTO, CANON, PANASONIC...
Các doanh nghiệp tham gia chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực đã nỗ lực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao mức độ tự động hóa.

“Những sản phẩm được công nhận đạt danh hiệu sản phẩm chủ lực Hà Nội đảm bảo tính cạnh tranh cao, phát huy được giá trị truyền thống, định hướng cho các sản phẩm cùng loại, góp phần khẳng định uy tín sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước” ông Thắng khẳng định.

“Nút thắt” cần gỡ

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố đã chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp ngày càng cao vào mức tăng trưởng chung GRDP Thành phố. Cụ thể, năm 2019 đóng góp 1,42 điểm % vào mức tăng 7,63% của GRDP (chiếm 18,64%); dự kiến 05 năm 2016-2020 đạt 8,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%) và duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 8,4%.

Công nghiệp công nghệ cao dần phát triển ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học… Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, một số ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo... đã có những bước phát triển mạnh mẽ; Hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn…

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển các SPCNCL sau khi được công nhận còn nhiều hạn chế, chủ yếu mới là lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch khác. Thành phố chưa có một chương trình, kế hoạch hỗ trợ xứng tầm dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Thành phố. Việc hỗ trợ liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất với nhau chưa thực sự chặt chẽ.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hơn nữa, ông Sơn yêu cầu, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành của Thành phố nghiên cứu, xem xét tham mưu Thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách, các chương trình, kế hoạch hỗ trợ cụ thể, xứng tầm dành riêng cho các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là SPCNCL Thành phố. Mặt khác, đẩy mạnh cải cách TTHC, đơn giản hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực thành phố trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tham mưu Thành phố quyết định thành lập Hội doanh nghiệp sản xuất SPCNCL nhằm tạo ra một diễn đàn để các doanh nghiệp trao đổi, kinh nghiệm, liên doanh liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh.
“Đây sẽ là một kênh thông tin quan trọng để Thành phố lắng nghe, tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp đối với sự phát triển công nghiệp Thủ đô nói riêng và phát triển kinh tế xã hội Thành phố nói chung” ông Sơn nhấn mạnh.