Thiếu vốn để tái cơ cấu

Ngày 18/6/2010, Chính phủ có quyết định 926 về việc tái cơ cấu Vinashin. Đây có lẽ là giải pháp cấp bách để cứu vãn “đứa con cưng” khi ấy được kỳ vọng sẽ phát triển thành 1 Tập đoàn kinh tế hàng đầu cả nước.

Quá trình tái cơ cấu giai đoạn II năm 2013 theo Quyết định số 1224 của Thủ tướng Chính phủ, Vinashin đã có bước tiến dài với việc ra đời của “người thừa kế” SBIC. Cùng với đóng tàu Nam Triệu, Phà Rừng, công ty đóng tàu Bạch Đằng trực thuộc Tổng công ty mẹ với 100% vốn Nhà nước.

Đóng tàu Bạch Đằng từng được coi là

Đóng tàu Bạch Đằng từng được coi là "anh cả" của ngành đóng tàu cả nước

So với hai người anh em là Đóng tàu Nam Triệu và Phà Rừng thì Bạch Đằng được đánh giá cao hơn bởi vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị được đầu tư đồng bộ. Ngay tại khu vực trung tâm thành phố, Bạch Đằng được “ưu ái” khu đất rộng hơn 26ha. Vậy mà một “đế chế” hùng mạnh của ngành đóng tàu năm nào giờ lại trong tình trạng “chết lâm sàng” chờ tái cơ cấu.

Trong tình trạng “cha chung” đang hấp hối, những công ty con của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) đang tự vùng vẫy tìm hướng cứu mình. Đóng tàu Phà Rừng quay lại với nghề thế mạnh là sửa chữa, nhờ vậy mà doanh thu của đơn vị này tăng cao. Đóng tàu Nam Triệu liên tục hạ thủy nhiều con tàu lớn nhỏ. Trong khi đó, Bạch Đằng vẫn đang loay hoay “mắc cạn”.

Từ đầu năm 2019 đến nay, công ty hầu như không có hoạt động sản xuất kinh doanh nào, khiến đời sống của người lao động rơi vào khó khăn cùng cực. Đề án tái cơ cấu công ty hiện đang chờ Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy phê duyệt. Theo Tổng giám đốc công ty, ông Trương Hoàng Cao, “Đề án tái cơ cấu, kế hoạch sản xuất kinh doanh đều có cả, chỉ thiếu mỗi… vốn để thực hiện!”.

Im lìm chờ tái cơ cấu

Theo quy hoạch, đến năm 2020 dừng toàn bộ hoạt động của nhà máy tại khu vực nội thành và lập phương án di dời sang công ty đóng tàu Nam Triệu. Trao đổi với lãnh đạo công ty, hiện nay, một số phương tiện không thể di dời sau khi cầu Hoàng Văn Thụ hợp long là tàu hàng 17.500DWT, cần cẩu nổi, ụ nổi. Việc di dời này cần nguồn kinh phí khoảng 3,7 tỷ đồng để thực hiện nạo vét cứu cạn tàu 17.500T và các chi phí khác để đưa 3 phương tiện trên đến đỗ tại công ty đóng tàu Phà Rừng. Thế nhưng chi phí cho việc di dời công ty cũng không đủ khả năng chi trả.

Tàu biển cũ đang được hoàn thiện tại Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng (Hải Phòng) - Ảnh: KL

Tàu biển cũ đang được hoàn thiện tại Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng (Hải Phòng) - Ảnh: KL

Thậm chí, Bộ GTVT đã từng nhận định, tình hình tài chính của Công ty đóng tàu Bạch Đằng đang hết sức khó khăn, mất cân đối về tài chính. Việc tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu như hiện nay sẽ rất khó khăn, lỗ lũy kế cao và tình trạng tiếp tục tăng lên, âm vốn chủ sở hữu. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị đề nghị UBND thành phố Hải Phòng xem xét hỗ trợ kinh phí cho công ty thực hiện di chuyển các phương tiện thiết bị, trước mắt ứng kinh phí di dời 3 thiết bị cấp thiết.

Ông Trương Hoàng Cao, Tổng giám đốc công ty Bạch Đằng chia sẻ, doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị lên thành phố nhiều lần nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Niềm mong mỏi của Công ty hiện nay là được UBND thành phố Hải Phòng hỗ trợ kinh phí để xử lý tác động thiệt hại khi xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ và một dự án bất động sản. Đồng thời, thành phố có cơ chế hỗ trợ di dời đến địa điểm mới. “Khi ổn định về mặt bằng và nhân sự thực hiện những dự án mới, thu nhập của công nhân sẽ dần ổn định. Công ty cũng sẽ giải quyết nhanh chóng BHXH và các chế độ hiện còn vướng mắc cho người lao động” - ông Cao chia sẻ.