>>Cần cơ chế mới để ngành dầu khí phát triển đột phá

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), ngày 15/6.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị).

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị).

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân vào lĩnh vực dầu khí. Đó là việc làm cần thiết, đúng đắn và phù hợp với chính sách của Nhà nước về dầu khí.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng đánh giá, thực tế chúng ta đã có các quan hệ hợp tác với nước ngoài, thu hút đầu tư khu vực tư nhân, hoạt động dầu khí, kể cả đầu tư ra ngoài nước trong lĩnh vực dầu khí, liên doanh, liên kết khai thác, sản xuất, chế biến dầu khí.

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện rõ nét được quan điểm, chủ trương, chính sách này. Mặc dù một số nội dung có đề cập rải rác trong dự thảo Luật nhưng còn rất đơn giản, chưa thể hiện được các quan hệ hợp tác quốc tế cũng như xã hội hóa đầu tư, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực dầu khí.

Trước những lý do trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cần thiết kế dành riêng một chương về việc thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế về lĩnh vực dầu khí theo hướng quy định đầy đủ về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết, hợp tác quốc tế về lĩnh vực dầu khí.

Phát biểu về tại phiên thảo luận, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) bày tỏ thống nhất cao với Chính phủ về mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong bối cảnh hoạt động dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp và nhất là những khu vực nước sâu xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh trên Biển Đông.

“Do đó, góp ý tập trung vào việc làm sao có được chính sách thu hút đầu tư, đảm bảo tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế nhưng trên cơ sở hài hòa giữa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư”, đại biểu Phan Đức Hiếu nói.

Vẫn theo đại biểu Phan Đức Hiếu, dự thảo Luật Dầu khí lần này bổ sung rất nhiều quy định để nhằm thúc đẩy hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Đồng thời nêu rất rõ mục tiêu Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

>>Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tạo lợi thế cạnh tranh từ chính sách ưu đãi

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Thái Bình).

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Thái Bình).

Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích. Thậm chí khi đối chiếu với Chương VI về các chính sách ưu đãi đầu tư, thì chính sách ưu đãi đầu tư này chỉ áp dụng cho hoạt động dầu khí, trong khi hoạt động dầu khí lại không bao gồm hoạt động điều tra cơ bản.

Từ đó, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét có nên áp dụng các biện pháp khuyến khích ưu đãi đầu tư tại Chương VI đối với hoạt động điều tra cơ bản hay không.

“Trong trường hợp không áp dụng thì lên thiết kế ngay trong Luật này những cơ chế, chính sách để áp dụng đối với hoạt động điều tra cơ bản”, đại biểu Phan Đức Hiếu đề xuất.

Ngoài ra, đại biểu Phan Đức Hiếu cũng lưu ý khi thiết kế chính sách cần đặc biệt lưu ý đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Vì các chính sách ưu đãi đối với hoạt động dầu khí trong dự thảo Luật hiện nay chỉ dừng lại ở thiết kế mức ưu đãi hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất thuế xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, thực tế còn nhiều những chính sách ưu đãi khác có thể nghiên cứu để xem xét nhằm đa dạng hóa các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài, như cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, hay giảm trừ thuế dựa trên chi phí…

“Những chính sách này vừa tạo ra ưu đãi cho nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào một số những hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn”, đại biểu Phan Đức Hiếu bày tỏ.