>>> Hành trình đáng tự hào

Dựa vào các cơ sở đã phân tích cũng như khảo sát thực tế, có thể thấy các yếu tố ảnh hưởng đến tính hấp dẫn và đáng sống của các dự án nhà ở được chia thành 2 nhóm: Nhóm các yếu tố vật chất (yếu tố “hữu hình”) và Nhóm các yếu tố phi vật chất (yếu tố “vô hình”).

p/Chương trình Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản trao Chứng nhận cho

Chương trình Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản và trao Chứng nhận "Dự án đáng sống 2022".

Yếu tố vật chất

Các yếu tố vật chất góp phần xây dựng tính hấp dẫn và đáng sống của các dự án nhà ở thông qua:

Thứ nhất, vị trí của các dự án nhà ở luôn được xem là một trong những yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến tính hấp dẫn, thúc đẩy sự lựa chọn của cư dân. Một số vị trí được đánh giá là “thuận lợi” khi các dự án gần trung tâm thành phố; gần các dịch vụ tiện ích phi thương mại (giáo dục, văn hóa, thể thao...) và thương mại của thành phố. Các dự án nhà ở hiện nay luôn hướng đến sự đồng bộ giữa 3 yếu tố: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở, trong đó nếu xem nhà ở là điều kiện cần thì 2 yếu tố còn lại sẽ là các điều kiện đủ để kiến tạo môi trường cư trú hoàn chỉnh tại các dự án.

Thứ hai, các không gian công cộng, cộng đồng của các dự án luôn được xem là một kiểu loại không gian quan trọng vì các không gian này là dành cho tất cả mọi người, tăng cường sự tương tác, giao lưu, gặp gỡ và các hoạt động cộng đồng. Đó có thể là các không gian mở, các công trình công cộng cũng là nơi cư dân thường xuyên lui tới để thực hiện các hoạt động sống bên ngoài ngôi nhà của mình.

Thứ ba, các không gian giao thông là một loại không gian tương đối đặc biệt trong các dự án, vừa đóng vai trò là các không gian mở, không gian công cộng nhưng đồng thời đảm trách việc tiếp cận, di chuyển, đi lại nội khu lẫn kết nối với hệ thống giao thông chung của đô thị. Vì vậy, đây là không gian mà tất cả cư dân đều sử dụng và chất lượng của không gian ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận, cảm giác của họ.

Thứ tư, nhà ở luôn luôn là vấn đề trung tâm và chất lượng nhà ở liên quan trực tiếp đến cuộc sống cư dân các dự án cũng như cảm nhận của cư dân về môi trường cư trú của mình. Bên cạnh các môi trường outdoor (không gian mở, khôg gian công cộng, không gian giao thông...), người dân trải qua phần lớn thời gian trong môi trường indoor của nhà ở. Nhà ở còn là biểu tượng của cuộc sống thành đạt, bền vững và sung túc nên người dân Việt Nam nói chung và người dân các dự án nói riêng luôn có xu hướng đầu tư nhiều vào nhà ở để nâng cao tiện nghị và vị thế cư trú.

Thứ năm, các hạ tầng kỹ thuật như cấp nước sạch, thoát nước, tiêu úng ngập, cấp điện, thông tin liên lạc... là những nhu cầu thiết yếu phục vụ trực tiếp đời sống sinh hoạt của người dân. Việc duy trì và chủ động được các hạ tầng kỹ thuật trong dự án sẽ ảnh hưởng đến đến chất lượng sống của cư dân.

Thứ sáu, các điều kiện môi trường như các mặt nước, dòng chảy, các không gian xanh, không khí trong lành, thu gom rác... sẽ làm tăng thêm chất lượng cảnh quan, hỗ trợ cho thẩm mỹ kiến trúc, điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường.

Như vậy, các yếu tố vật chất được xem là các điều kiện cần thiết của một dự án nhà ở hấp dẫn và đáng sống.
Yếu tố phi vật chất

p/Hội đồng thẩm định “Dự án đáng sống” thảo luận các tiêu chí bình chọn. Ảnh: Diệu Hoa

Hội đồng thẩm định “Dự án đáng sống” thảo luận các tiêu chí bình chọn. Ảnh: Diệu Hoa

Bên cạnh đó, các yếu tố phi vật chất sẽ là các điều kiện đủ nhằm hoàn thiện và duy trì tính hấp dẫn và đáng sống này, được thể hiện qua:

Thứ nhất, tính an ninh hay là “cảm thấy được bảo vệ” trong một môi trường sống trong sạch và lành mạnh để từ đó các thành viên trong cộng đồng yên tâm phát triển, đóng góp cho xã hội lẫn cải thiện cuộc sống bản thân. Một ngôi nhà hay một khu dân cư an ninh cũng giúp cho người dân có tâm lý thoải mái, tích cực hơn trong cuộc sống. Do đó, người Việt Nam luôn chọn cư trú bền vững, lâu dài ở những khu dân cư.

Thứ hai, tính an toàn, an tâm thể hiện qua các thiết kế riêng dành cho các đối tượng đặc thù, các biện pháp hạn chế tai nạn giao thông, các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng các không gian, các cơ chế thông tin cảnh báo, phản hồi trong trường hợp nguy cấp... đem lại sự an tâm cho người dân khi sử dụng các không gian trong môi trường cư trú của mình cũng như tạo hình ảnh tốt cho khách bên ngoài.

Thứ ba, tính kết nối, tương tác xã hội nhằm lôi kéo người dân đến sử dụng thường xuyên. Các không gian dự án phải luôn cho thấy sự hấp dẫn, được đổi mới thường xuyên để tránh sự nhàm chán, đồng thời tạo ra các diện mạo, sắc thái mới cho không gian giúp người dân có cảm xúc nhiều hơn, tránh sự nhàm chán lặp lại theo thời gian.

Thứ tư, tác động tâm lý đến người sử dụng thông qua việc tạo dựng hình ảnh các dự án nhà ở theo một số xu hướng như dự án “kiểu mẫu”, “sinh thái”, “cao cấp”, “khép kín”... để người dân có thể có nhiều lựa chọn, đồng thời cũng hình thành phong cách sống theo hoàn cảnh, cá tính của mình.

Thứ năm, sự quản lý, quản trị khu dân cư thông qua các quy chế, thỏa ước trong quản lý, quản trị dựa trên sự đồng thuận của các bên tạo nên sự đồng quản lý, quản trị, tôn trọng tiếng nói cộng đồng. Nói cách khác, người dân cần được hỏi ý kiến, có thể đề xuất, có thể tham gia vào những quyết định của dự án, đặc biệt là những quyết định ảnh hưởng đến cộng đồng hay số đông cư dân, giúp họ ý thức được trách nhiệm và tích cực hơn trong tiếng nói của mình trong quá trình vận hành dự án.

>>> Những "Dự án đáng sống” 2022

Thứ sáu, các cơ hội, tiềm năng để phát triển vì người Việt Nam vốn quan niệm nhà ở không chỉ để ở mà còn là nơi để phát triển thông qua các cơ hội, các lợi thế do chính nhà ở mang lại. Đó có thể là các cơ hội về kinh tế và việc làm tại chỗ, các cơ hội an cư và hưởng thụ cuộc sống, các cơ hội phát triển và ngày càng hoàn thiện con người cho chính bản thân họ cũng như các cơ hội cho thế hệ con cháu trong tương lai.

Hình mẫu cho phát triển

Về mặt lý thuyết, khi một nơi chốn nói chung hay một dự án nhà ở nói riêng được cảm nhận tốt thì sẽ tạo ra một tinh thần tích cực cho con người, và nếu tinh thần tích cực này đạt đến một mức độ hay một tỷ lệ nhất định thì nơi chốn hay dự án nhà ở đó sẽ trở nên hấp dẫn và đáng sống.

Tuy nhiên trên thực tế, sự hấp dẫn và đáng sống của nơi chốn là một khái niệm vô hình và phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ quan là cảm giác hay cảm nhận của mỗi người, do đó mỗi nơi chốn, mỗi dự án nhà ở sẽ đem đến một sự hấp dẫn rất khác nhau với những người khác nhau, những tác nhân khác nhau liên quan đến quá trình hình thành - khai triển - vận hành khác nhau của mỗi dự án nhà ở.

Việc lượng hóa được tính hấp dẫn của nơi chốn của các dự án nhà ở tuy sẽ rất khó khăn nhưng lại rất cần thiết để đoán định được cảm giác con người trong việc kiến tạo nơi chốn, thiết kế các khu dân cư và đô thị.

Thông qua những cách thức định lượng tính hấp dẫn và đáng sống của một dự án nhà ở, các chủ dự án, các nhà thiết kế, các nhà quản lý sẽ chuyển hóa vào trong cách thức kiến tạo, tổ chức không gian theo nhiều cấp độ khác nhau: từ cấp độ thấp nhất là một căn nhà hay một căn hộ với không gian sân vườn, hàng xóm xung quanh, đến cấp độ trung gian là những khu vực hay toàn bộ nhóm nhà ở, khu dân cư cùng các không gian sử dụng đất đai thành phần tạo cơ hội đồng thời cho sự phát triển các mối quan hệ xã hội nội khu và liên khu, và cuối cùng là cấp độ thành phố trong việc mềm hóa cách thức quy hoạch bằng những chỉ số xã hội cho các không gian, khu vực đô thị thay vì chỉ là những chỉ số kỹ thuật chuyên môn thuần túy.

Tiếp cận xã hội từ kiến tạo nơi chốn cư trú là một cách làm đang được xem là phù hợp cho sự phát triển nhân loại hiện nay, đặc biệt là tại các không gian đô thị, ngày càng trở nên to lớn, vượt quá tỉ lệ con người cả trên quy mô diện tích lẫn quy mô dân cư.

Mỗi dự án nhà ở an cư hấp dẫn và đáng sống sẽ là một trải nghiệm tốt và trở thành mẫu hình cho những phát triển tiếp theo, giúp thành phố trở thành một nơi chốn hấp dẫn và đáng sống hơn.

(*) Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội