Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, trong 6 tháng đầu năm 2018 riêng lượng khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2017. 

Cần phát triển liên kết vùng trong phát triển du lịch

Với kết quả đạt được, ngành du lịch Khánh Hòa đã và đang mở ra hướng đi thành công cho chặng đường phấn đấu đến 2020 ngành du lịch tỉnh đạt mục tiêu đón 8,5 triệu khách du lịch có lưu trú với 3,5 triệu khách quốc tế, đưa du lịch trở thành ngành kinh  tế mũi nhọn của tỉnh… Tuy nhiên để du khách đến Khánh Hòa có kỳ nghỉ dài hơn, không chỉ dừng ở ăn, tắm, phơi nắng…thì Khánh Hòa cần phải đầu tư hơn nữa về sản phẩm và dịch vụ.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Trường Sơn – Thành viên HĐQT, Giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn Crystal Bay: Chúng ta phải xây dựng cho được chiến lược phát triển các vùng du lịch theo mô hình "Một kỳ nghỉ, hai vùng di sản". Vùng đất Khánh Hòa có thể kết nối hai vùng di sản thiên nhiên của vùng Đông Bắc với khu vực miền Trung, kết nối vịnh Hạ Long với khu thánh địa Mỹ Sơn và cả vùng văn hóa Chăm của Nha Trang, Ninh Thuận.

Bởi theo lý giải của ông Nguyễn Trường Sơn, nét khác biệt về di sản giữa hai vùng du lịch, khi kết hợp lại một cách bài bản chính là lợi thế đem đến trải nghiệm đa dạng, làm phong phú hơn hành trình của khách du lịch, đặc biệt là đối tượng khách quốc tế. Từ đó, tạo điểm nhấn riêng biệt và khiến khách du lịch quay trở lại nhiều lần, sẵn sàng chi trả cho những trải nghiệm riêng có của từng điểm đến trong hành hình. Về mặt vĩ mô, giải pháp này còn hỗ trợ cho việc khai thác tối đa nguồn lực du lịch của mỗi địa phương, tạo điểm nhấn khác biệt trong chiến lược cạnh tranh, qua đó thúc đẩy giá trị gia tăng cho ngành kinh tế mũi nhọn này.

khánh Hòa có nhiều lợi thế du lịchp/biển đảo

Khánh Hòa thu hút du khách, nhờ có nhiều lợi thế biển đảo

Cũng theo chia sẻ của các chuyên gia trong ngành: Một hệ sinh thái điểm đến, ít nhất sẽ bao gồm các lĩnh vực sau liên kết với nhau: dịch vụ lữ hành, vận chuyển, lưu trú, giải trí, mua sắm, hậu cần, các sản phẩm du lịch chiến lược và phụ trợ.

Đồng thuận với quan điểm này, ông Nicolas Urvois, Tập đoàn tư vấn du lịch THR cho rằng: Để “chuyển hóa” từ hoạt động du lịch đơn thuần sang cấp độ khiến du khách nhớ và thực sự cảm nhận được những trải nghiệm, mỗi điểm đến cần tìm ra các hoạt động nổi bật tác động đến cảm xúc, trí nhớ của người du ngoạn. Có được trải nghiệm đa dạng, là cơ sở then chốt thu hút du khách dành nhiều ngày hơn và nhiều điểm đến hơn cho một kỳ nghỉ. Ông Nicolas cũng nhấn mạnh: Để tạo nên định vị thương hiệu riêng của một địa danh, trước hết phải quảng bá thương hiệu Quốc gia trước khi quảng bá thương hiệu của một địa phương. Ông Nicolas Urvois cho biết:  70% đất nước trên thế giới đều có biển. Vấn đề mỗi Quốc gia, mỗi địa phương xây dựng sản phẩm du lịch của riêng mình như thế nào để thích hợp cho du khách. Hay thậm chí chúng ta cần xây dựng sản phẩm phải cho từng độ tuổi, cho từng quốc gia, châu lục,…

Cần xúc tác từ nhiều phía

Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation – (Tập đoàn Truyền thông Lê) - Giám đốc Khu vực châu Á/ TBD Worldwide Partner cho rằng: Trong thời đại Công nghiệp 4.0 phát triển dịch vụ du lịch chính là xu hướng marketing hiện đại vào du lịch. Bởi ngày nay, marketing trong du lịch không chỉ đơn giản là quảng bá điểm đến, mà là tiến trình sử dụng nội dung kết hợp nền tảng công nghệ để tương tác với du khách tiềm năng, theo chu trình: nhận biết, tương tác, mua hàng, trung thành, vận động. Thu hút họ đến du lịch chỉ là bước đầu, bí quyết để điểm đến lưu lại trong tâm trí du khách là làm sao khiến họ tìm thấy sự kết nối với cảnh vật, con người địa phương, từ đó tạo sự kết nối giữa họ cùng người bạn đồng hành, gia đình và sâu xa hơn là với chính bản thân họ.

 

Đồng quan điểm này, Giám đốc Sáng tạo Michael Hart đến từ tập đoàn truyền thông The Union – Scotland, Anh Quốc đã mang đến câu chuyện thực tế về hành trình đưa một đất nước nhỏ bé như Scotland lên tầm thế giới. Biến chính người dân Scotland thành những sứ giả thấu hiểu, truyền cảm hứng khám phá lịch sử, văn hóa địa phương đến khách du lịch chính là điểm độc đáo trong chiến lược truyền thông và phương pháp “marketing điểm đến" tạo nên sự cộng hưởng khác biệt cho du lịch Scotland. 

Cũng theo chia sẻ của ông Trần Việt Trung – Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa: Để du lịch Khánh Hòa nằm trong chiến lược phát triển điểm đến Quốc gia cần có chủ trương về một số cơ chế, chính sách cũng như giải pháp khả thi nhằm tái cơ cấu hoạt động du lịch, định vị thương hiệu cho du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trên bản đồ du lịch quốc tế. Đồng thời, cần có chiến lược thu hút du khách quốc tế, các đối tượng có khả năng chi trả cao, mang lại nguồn thu lớn cho kinh tế tỉnh nhà… thì không chỉ riêng những đơn vị làm dịch vụ du lịch, mà cần hợp lực từ nhiều phía…mới có thể đưa du lịch Khánh Hòa trở thành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.