>> Luật Đấu thầu (sửa đổi): “Gỡ” triệt để vướng mắc trong đấu thầu

Trả lời Công văn số 324/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị tham gia thẩm định Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, so với phiên bản Dự thảo lấy ý kiến rộng rãi, phiên tại Dự thảo thẩm định đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn, cụ thể là sự rõ ràng, thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan. Điều này cho thấy tinh thần cầu thị và minh bạch từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo.

Tuy nhiên, để hoàn thiện Dự thảo này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về tính thống nhất của các quy định trong Dự thảo.

Hoàn thiện Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần đảm bảo tính thống nhất của các quy định - Ảnh minh họa

Hoàn thiện Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần đảm bảo tính thống nhất của các quy định - Ảnh minh họa

Cụ thể, về các gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển có sử dụng vốn của doanh nghiệp có vốn Nhà nước, điểm c khoản 1 Điều 1 Dự thảo quy định Luật Đấu thầu sẽ điều chỉnh đối với gói thầu thuộc “Dự án đầu tư phát triển… có sử dụng vốn của doanh nghiệp có vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án”.

Theo VCCI, quy trình lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu khá chặt chẽ, tuân theo nhiều bước khác nhau, có sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này nhằm đảm bảo kiểm soát việc sử dụng vốn nhà nước hiệu quả khi lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực. Tuy nhiên, nếu phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu quá rộng có thể tạo ra sự khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp – là chủ thể phải thực hiện theo thủ tục đấu thầu, khi không được linh hoạt trong các hoạt động kinh doanh của mình.

Quy định trên yêu cầu các gói thầu có “vốn của doanh nghiệp có vốn của Nhà nước” dường như chưa thật hợp lý, có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động khi phải chịu ràng buộc của Luật Đầu thấu trong một số hoạt động đầu tư kinh doanh. Bởi theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, “Vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”.

“Như vậy, vốn của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên không được xem là vốn Nhà nước, do đó yêu cầu các dự án phát triển có sử dụng vốn này phải thực hiện Luật Đấu thầu là… quá rộng, có thể gây khó khăn, kém linh loạt cho các doanh nghiệp này hoạt động”, VCCI góp ý.

Từ những lập luận đã nêu, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định nêu trên.

>> Còn chồng chéo giữa Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng

Cùng việc đảm bảo tính thống nhất trong các quy định của Dự thảo, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét cân nhắc

Cùng việc đảm bảo tính thống nhất trong các quy định của Dự thảo, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét cân nhắc một số quy định chưa đủ rõ ràng, có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, về hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, theo quy định tại Điều 1 Dự thảo thì lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư phải tổ chức đấu thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Hiện tại, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được soạn thảo cũng có quy định các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Theo giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo quy định này sẽ được sửa đồng thời cả ở Dự thảo Luật Đấu thầu và Dự thảo Luật Đất đai để đảm bảo tính thống nhất. VCCI cho rằng, điều này là hợp lý, tuy nhiên, có một số điểm cần cân nhắc như:

Thời điểm áp dụng quy định này, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội thì Dự thảo Luật Đất đai sẽ được xem xét, thảo luận và thông qua trong 03 kỳ họp, tức là kỳ họp tháng 10/2023 sẽ được thông qua. Còn Luật Đấu thầu sẽ được thông qua trong kỳ họp tháng 5/2023. Theo đó, Luật Đấu thầu sẽ được thông qua trước và nhiều khả năng sẽ phát sinh hiệu lực trước Luật Đất đai.

“Như vậy, quy định về lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu nếu được thiết kế theo hướng dẫn chiếu sang quy định của pháp luật về đất đai dường như chưa phù hợp và khó áp dụng tại thời điểm Luật Đấu thầu phát sinh hiệu lực. Vấn đề này cần được giải trình rõ hơn tại Tờ trình để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và thuận lợi khi áp dụng”, VCCI góp ý.

Ngoài ra, so sánh trong mối tương quan với Luật Đầu tư 2020, theo VCCI, việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu được dẫn chiếu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong khi đó, hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai đang quy định cho cả hai phương thức lựa chọn nhà đầu tư, đó là các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Hướng quy định này dường như chưa thật phù hợp với Luật Đầu tư 2020.

Do đó, VCCI đề nghị cân nhắc quy định các trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư tại Dự thảo Luật Đấu thầu thay vì Dự thảo Luật Đất đai. Và hai Dự thảo này cần xem xét để thống nhất trong quy định về các phương thức lựa chọn nhà đầu tư.

Về hợp đồng với nhà thầu, Mục 1 Chương VI Dự thảo quy định về hợp đồng với nhà thầu, trong đó rất nhiều quy định có tính chất trùng lặp với các quy định về hợp đồng xây dựng quy định tại Luật Xây dựng.

“Đề nghị xem xét về các quy định hợp đồng trong Dự thảo để đảm bảo thống nhất với quy định của pháp luật về xây dựng, tránh tình trạng hai văn bản cùng quy định về hợp đồng có tính chất tương tự nhau, gây khó khăn khi áp dụng”, VCCI góp ý.

Bên cạnh những nội dung đã nêu, cũng tại văn bản góp ý Dự thảo, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số quy định về Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu (Điều 12); Điều kiện đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu (Điều 14); Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư (Điều 5); Hủy thầu và trách nhiệm hủy thầu (Điều 15); Đấu thầu trước (Điều 39); Quy trình giải quyết kiến nghị (Điều 90); Giám sát hoạt động đấu thầu (Điều 85).