Sáng nay (28/5), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình.

Chỉ đầu tư PPP ở lĩnh vực trọng điểm

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; đồng thời rà soát lĩnh vực đầu tư PPP trên nguyên tắc bảo đảm ưu tiên thu hút đầu tư tư nhân theo pháp luật về đầu tư.

Theo đó, có 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn và thể hiện tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật là: Những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi); cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường); bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục - đào tạo); phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin); thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

“Kinh nghiệm triển khai đầu tư PPP của các quốc gia khác cũng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định các dự án phát sinh ngoài lĩnh vực quy định tại dự thảo Luật nhưng cần phải thực hiện đầu tư theo phương thức PPP để bảo đảm xử lý một số tình huống phát sinh trên thực tế.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ: “Khoản 1 Điều 4 đã quy định 5 nhóm lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện dự án PPP nhằm tránh mở rộng các dự án PPP, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro về cân đối vốn đầu tư công, rủi ro ở cấp độ quốc gia về nợ công, nợ nước ngoài và gây khó khăn cho công tác quản lý ngân sách nhà nước. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật”.

Kiểm toán dự án PPP như thế nào?

Nhà đầu tư dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết, nhưng không cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính.

Ngược lại, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết. Các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết, nhưng không cao hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính.

Điều này có nghĩa là nếu mức doanh thu chỉ đạt 75% thì nhà đầu tư phải chấp nhận, nếu thấp xuống đến 70% thì Nhà nước sẽ chia sẻ một nửa của mức hụt 5%, tương đương 2,5% mức giảm doanh thu.

Tương tự, nếu doanh thu thực tế cao hơn, nhưng chưa quá 125% mức doanh thu trong phương án tài chính thì nhà đầu tư được hưởng trọn vẹn. Phần cao hơn mức này được chia 50:50 giữa Nhà nước với nhà đầu tư.

Một vấn đề khác cũng thu hút sự quan tâm của các nhà lập pháp và doanh nghiệp là hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP, không kiểm toán vốn đầu tư tư nhân tham gia dự án. Một số ý kiến khác lại cho rằng dự án PPP bản chất là đầu tư công, nên Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán toàn bộ dự án PPP, kể cả phần đầu tư từ nguồn vốn tư nhân. Có ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ thời điểm nào, giai đoạn nào thực hiện kiểm toán dự án PPP, tránh gây khó khăn trong hoạt động của dự án…

Hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP cũng đã được đề cập khá cụ thể tại dự thảo Luật.