Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, bắt kịp thực tiễn hoạt động tín dụng hiện nay, vừa qua, Bộ Tài chính đã xây dựng, lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh những mặt tích cực về thể chế, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số quy định trong Dự thảo, chưa bảo đảm các cam kết quốc tế về thương mại.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước, chưa bảo đảm các cam kết quốc tế về thương mại - Ảnh minh họa

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước, còn một số quy định chưa bảo đảm các cam kết quốc tế về thương mại - Ảnh minh họa

Cụ thể, về quy định cấp tín dụng đầu tư cho các dự án sản xuất hàng hoá xuất khẩu, theo VCCI, các cam kết quốc tế của Việt Nam trong WTO và một số hiệp định thương mại tự do FTAs, các biện pháp trợ cấp của quốc gia thành viên đối với hàng hoá xuất khẩu có thể bị quốc gia nhập khẩu áp dụng biện pháp chống trợ cấp. Biện pháp cấp tín dụng đầu tư lãi suất thấp của Nhà nước đối với dự án sản xuất hàng xuất khẩu rất dễ bị coi là biện pháp trợ cấp bị cấm.

“Do đó, để bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về thương mại, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc hạn chế hoặc bổ sung thêm điều kiện đối với trường hợp cấp tín dụng cho các dự án sản xuất hàng hoá xuất khẩu”, VCCI góp ý.

Bên cạnh đó, về chế độ công khai thông tin, theo VCCI, hiện nay, Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) đã thực hiện việc công bố một số thông tin trên trang thông tin điện tử, gồm báo cáo thường niên và một số văn bản nội bộ khác, tuy nhiên, nội dung báo cáo thường niên vẫn còn khá sơ sài và cũng chưa được kiểm toán.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước, cần bổ sung quy định về việc công khai thông tin về hoạt động tín dụng đầu tư của VDB - Ảnh minh họa

“Tham khảo website của một số ngân hàng phát triển của nhiều quốc gia và tổ chức khác trên thế giới thì các ngân hàng này đều công bố thông tin về hoạt động cấp tín dụng đầu tư tương đối bài bản, ví dụ, Ngân hàng phát triển Trung Quốc (China Development Bank – CDB) công bố rất nhiều nội dung theo Tiêu chuẩn Báo cáo Tài chính Thế giới (IFRSs) và được kiểm toán độc lập bởi Ernst&Young (EY), CDB còn được đánh giá và xếp hạng tín nhiệm bởi Standard&Poor và Moody, website của CDB cũng thường xuyên đăng tải thông tin về các hợp đồng tín dụng được ký kết, cùng với thông tin của dự án được tài trợ. Các ngân hàng phát triển khu vực như ADB, AFBD thậm chí còn công khai thông tin về kết quả đánh giá từng dự án được tài trợ về hiệu quả, tác động môi trường – xã hội và tiến độ giải ngân”, VCCI dẫn giải.

Theo VCCI, thông lệ quốc tế coi việc công bố thông tin của các ngân hàng phát triển là bắt buộc, các ngân hàng này được ngân sách Nhà nước (tức là tiền thuế của người dân) cấp vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý, nên đều phải công khai thông tin để người dân giám sát. Trong trường hợp của VDB, tính đến hết năm 2018, ngân sách nhà nước đã phải cấp bù gần 13,5 nghìn tỷ, đây là khoản chi rất lớn của ngân sách và cần được công bố thông tin.

Cũng theo VCCI, thực tiễn tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, VDB xuất hiện nhiều khoản cấp tín dụng chuyển thành nợ xấu. Theo báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, tính đến 31/12/2018, nợ xấu của VDB là 46 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,2% dư nợ, thậm chí đã có một số vụ việc bị khởi tố hình sự do những vi phạm từ hoạt động cấp tín dụng đầu tư này. Một phần nguyên nhân của thực trạng này là do thiếu vắng các quy định về công khai, minh bạch thông tin, việc bắt buộc phải công khai thông tin về hoạt động cấp tín dụng như thông lệ quốc tế sẽ làm tăng trách nhiệm giải trình của người ra quyết định cấp tín dụng và sẽ giúp các quyết định này được đưa ra cẩn trọng hơn.

“Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc công khai thông tin về hoạt động tín dụng đầu tư của VDB, ngoài ra, cần có quy định lộ trình yêu cầu VDB đáp ứng các tiêu chuẩn về công khai thông tin và quản lý rủi ro mạnh mẽ hơn theo thông lệ quốc tế như: phải công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập, tuân thủ các khuyến nghị của Basel về quản lý rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường”, VCCI góp ý.