Bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc GreenID kiêm Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), chỉ rõ: Trong dự thảo về cơ cấu nguồn điện thì tăng nhiệt điện than, giảm năng lượng tái tạo (NLTT) so với bản thảo tại Tờ trình 1682.

Bất cập cơ cấu năng lượng

Như đã nói ở những bài trước, điều này trái ngược với mục tiêu, quan điểm và giải trình của dự thảo và không phản ánh được tinh thần của Nghị quyết 55-NQ/TW; các cam kết quốc tế, phát ngôn của lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, xu hướng chung trên thế giới chuyển dịch năng lượng bền vững từ “nâu” sang “năng lượng xanh, sạch” và thực tiễn tiềm năng to lớn của các nguồn NLTT cần được đầu tư, khai thác.

Theo bà Khanh, xuyên suốt trong Tờ trình và dự thảo đều nhấn mạnh quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển nguồn điện “giảm điện than, ưu tiên, đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện”; “phát triển nguồn điện phân tán”; “ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nổi”. Tuy nhiên, phần cơ cấu và dự kiến phát triển các nguồn điện không phản ánh điều đó.

So với Dự thảo trước tại tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26/03/2021, tổng tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống giảm 7688 MW vào năm 2030 và 15046 MW vào năm 2045.

Ngoài ra, dự thảo lần này đã tăng công suất thủy điện (Năm 2030: 612 MW, năm 2045: 3305 MW) để bù cho phần giảm của điện gió, mặt trời, và sinh khối. Nhờ vậy tăng tính phù hợp với chỉ tiêu của Nghị quyết 55-NQ/TW; tuy vậy, chỉ có chỉ tiêu năm 2030 đạt, việc giảm mạnh công suất NLTT vào năm 2045 khiến tổng NLTT toàn ngành năng lượng trong kịch bản cơ sở chỉ đạt 71,2 TOE, thấp hơn so với chỉ tiêu cận dưới của Nghị quyết 55-NQ/TW (76 TOE).

Trong cơ cấu công suất nguồn điện năm 2030 và 2045, khác với những quy hoạch trước quy hoạch lần này đưa ra tỷ lệ các nguồn theo một khoảng gồm cận dưới và cận trên thay vì một con số tỷ lệ cụ thể. Ví dụ, năm 2030, điện than chiếm 28,3 – 31,2%, NLTT chiếm 24,3 – 25,7%. Tuy nhiên, bảng công suất chi tiết các loại nguồn cho thấy với điện than cận trên được lựa chọn (31,2%), trong khi với NLTT lại sử dụng cận dưới (24,3%).

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình.

Trong 10 năm chính của Quy hoạch điện VIII (2021-2030), công suất NLTT được phát triển chủ yếu là phần kế thừa của công suất đã phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, gần như không phê duyệt thêm mới trong 10 năm tới. Và, mục tiêu phát triển NLTT của Dự thảo Quy hoạch điện VIII giảm đi so với công suất đã được phê duyệt bổ sung vào QHĐ VII điều chỉnh, bà Khanh nói.

Còn PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển đổi Khí hậu (Đại học Cần Thơ) lo ngại: “Việc phát triển điện than cần nhìn nhận ở khía cạnh rộng; không nên nhìn dưới góc độ kỹ thuật hay kinh tế năng lượng. Bởi, vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã biểu quyết, ủng hộ ý tưởng áp thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là bước đi đầu tiên trong việc tạo lập một tiêu chuẩn kỹ thuật mới mà các nước xuất khẩu hàng hoá vào Châu Âu, trong đó có Việt Nam phải quan tâm. Nếu hàng hoá của chúng ta bị đối tác định giá lượng khí thải quá cao từ việc sử dụng nguồn năng lượng không thân thiện với môi trường sẽ bị áp trần nhất định khi đưa hàng hoá đó qua biên giới vào Châu Âu”.

Điện than không mang tính bền vững về lâu dài

Về điện than, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cho rằng, ai cũng nhìn thấy rõ nguồn năng lượng này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Thực tế, hầu hết các địa phương đều phản đối điện than. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định FTA, cam kết về môi trường, đảm bảo về giảm tải hiệu ứng nhà kính,…

Trong khi đó, Việt Nam ngày nay đang thể hiện vai trò trên chính trường quốc tế. Tuy nhiên, nếu những cam kết trên không thực hiện, hoặc thực hiện theo cách chống đối thì chúng ta sẽ mất uy tín. Vì vậy, Việt Nam không thể chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt mà đánh mất uy tín đã phải mất nhiều công sức, thời gian mới xây dựng được.

Bên cạnh đó, về kinh tế của một đất nước muốn phát triển thì phải dựa vào xu hướng để nhìn về lâu dài cho tương lai. "Thủ tướng cũng đã yêu cầu doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn là 10 năm. Khi đó, tầm Quốc gia sẽ là 20, 30 năm, chứ không thể nhìn ngắn hạn. Ví dụ, điện than chúng ta nhập khẩu và giá cả thị trường có thể thay đổi. Nếu giá tăng thì làm cho những ưu thế điện than hiện nay không còn rẻ nữa; hoặc sự ổn định sẽ trở thành bất ổn khi nhập khẩu không thông suốt hoặc ngưng trệ vì một lí do gì đó bất khả kháng như: chiến tranh, dịch bệnh… Các nhà máy điện than sẽ phải ngừng thì làm sao đảm bảo an ninh năng lượng. Đó chính là bất cập" - ông Huân nói.

Ông Huân cho rằng, không chỉ Việt Nam mà quốc tế cũng không khuyến khích ngành than. Đồng nghĩa với điện than khó phát triển vì sẽ không được tài trợ về vốn. Những nước như Nhật, Hàn, EU, Mỹ,…tuyên bố sẽ không viện trợ, như vậy sẽ không có vốn để thực hiện. Trong khi, tổng ngân sách nhà nước đưa ra trước Quốc hội đã duyệt chi cho đầu tư công, nếu chúng ta dồn hết cho điện than thì các ngành khác không phát triển được.

Theo ông Huân, hiện nay điện than có 3 lợi thế so với NLTT, nhưng đó là những lợi thế ngắn hạn và không mang tính bền vững về lâu dài. Tuy nhiên, những bất lợi về mặt lâu dài sẽ xảy ra và những câu hỏi ở tương lai thì nhiều người nghi ngờ rằng chưa xảy ra nên chưa biết. Những người làm kinh tế vĩ mô, xây dựng kinh tế ngành thì phải nhìn hướng về tương lai và phải thấy được điều đó. 

Theo Reuters, ngày 21/9/2021, trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc về các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu hôm thứ Ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Ba tuyên bố Trung Quốc sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài.

Tuyên bố của ông Tập Cận Bình tiếp nối các động thái tương tự của Hàn Quốc và Nhật Bản vào đầu năm nay. Trung Quốc là một trong ba quốc gia đầu tư cho điện than lớn nhất tại Việt Nam, cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản. Động thái này của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến các dự án điện than đang được quy hoạch trong bản dự thảo Quy hoạch điện VIII, khi nhiều dự án sẽ khó có thể thu hút được vốn đầu tư khi các cường quốc đầu tư cho than ở châu Á đều đã tuyên bố rút đầu tư cho điện than.