Nhằm xây dựng hành lang thống nhất trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Thông tư quy định điều kiện, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Dự thảo) đề nghị xin ý kiến góp ý.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh những mặt tích cực về chủ trương, Dự thảo còn một số quy định thiếu minh bạch, thống nhất.

Dự thảo Thông tư liên quan đến ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa vừa được Bộ Công Thương xây dựng còn một số quy định chưa minh bạch, thống nhất

Dự thảo Thông tư liên quan đến ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa vừa được Bộ Công Thương xây dựng còn một số quy định thiếu minh bạch, thống nhất - Ảnh minh họa

Cụ thể, về đối tượng áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 2 Dự thảo thì đối tượng áp dụng của Thông tư này là “Các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O”.

Theo VCCI, Điều 2 Dự thảo đã xác định đích danh các đối tượng được ủy quyền là Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, tuy nhiên, quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP thì VCCI cũng là đối tượng được xác định nhận ủy quyền cấp C/O từ Bộ Công Thương.

“Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi khoản 1 Điều 2 Dự thảo theo hướng “Các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O”, VCCI góp ý.

Cũng theo VCCI, bên cạnh những góp ý đã nêu, đơn vị cũng đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi tiêu đề của Dự thảo theo hai hướng:

Nêu tên cụ thể “Thông tư quy định điều kiện, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa”;

Hoặc viết gọn thành “Thông tư quy định điều kiện, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa”.

Theo VCCI, đơn vị soạn thảo nên xem xét đổi tiêu đề Dự thảo cho phù hợp - Ảnh minh họa

Theo VCCI, đơn vị soạn thảo nên xem xét đổi tiêu đề Dự thảo cho phù hợp - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, về điều kiện đối với các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O quy định tại Điều 3 Dự thảo, cụ thể như:

Điều kiện về nhân sự: Đội ngũ cán bộ, nhân viên tham gia các đợt tập huấn kiến thức chung về xuất xứ hàng hóa và quy tắc xuất xứ hàng hóa phù hợp với loại mẫu C/O đề nghị ủy quyền do Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương tổ chức hoặc chỉ định các tổ chức, đơn vị khác tổ chức.

Theo VCCI, quy định này là chưa rõ ở điểm các cán bộ, nhân viên sau khi tham gia đợt tập huấn kiến thức có hình thức nào xác nhận là họ đã tham dự buổi tập huấn không? Vì đây là căn cứ để xác nhận việc tổ chức được ủy quyền có đáp ứng đủ điều kiện hay không, do đó đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.

Điều kiện về cơ sở vật chất: “có hệ thống máy tính và đường truyền Internet hoạt động tốt”, “có cơ sở vật chất, điều kiện lưu trữ tốt hồ sơ”.

Quy định về điều kiện đã nêu, theo VCCI, “tốt” là khái niệm chưa thực sự rõ ràng và có thể đưa đến nhiều cách diễn giải khác nhau. “Để đảm bảo thuận lợi khi áp dụng trên thực tế, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng “Có hệ thống máy tính và đường truyền Internet hoạt động, kết nối được với Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương …”; “có cơ sở vật chất lưu trữ hồ sơ, chứng từ cấp C/O dưới dạng văn bản hoặc dạng điện tử”, VCCI góp ý.