Theo NHNN, trong hơn 2 năm qua, cơ quan này đã mua thêm 32 tỷ USD để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối.

Ngoại hối sẽ tiếp tục gia tăng

Từ đầu năm 2018, NHNN bắt đầu triển khai nghiệp vụ mua ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng để điều tiết linh hoạt hơn. Theo đó, lượng tiền đồng đưa ra được kéo giãn, gối đầu khi các hợp đồng đáo hạn, thay vì dồn cục mang tính thời điểm như trước. Và từ khi triển khai nghiệp vụ trên, ước tính có khoảng 40% lượng ngoại tệ mà NHNN mua vào được thực hiện qua mua kỳ hạn.

Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng, kết quả trên cho thấy nghiệp vụ và sản phẩm mới mà NHNN đưa ra đã được các thành viên thị trường đón nhận tích cực. Cùng với nghiệp vụ giãn áp lực đưa tiền đồng ra mua ngoại tệ như trên, tại các thời điểm mua vào, NHNN vẫn chủ động sử dụng công cụ hút bớt tiền về, điều tiết vốn trong hệ thống để cân đối các yếu tố liên quan như lãi suất, tỷ giá và giảm thiểu áp lực đối với lạm phát.

Trong hơn 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm 32 tỷ USD để bổ sung vào quỹ dự trữ ngoại hối.

Ngoài việc ngoại hối đến từ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và những nguồn khác, TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,26 tỷ USD cũng làm cho nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng trong thời gian qua. Những con số này nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng lên khi các thương vụ mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chưa có dấu hiệu dừng lại. Mới đây, Techcombank đã bán 164 triệu cổ phần, tương đương 14,1% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư nước ngoài với giá 128.000 đồng/cp. Theo đó, ngân hàng này dự kiến thu về 922 triệu USD trong lần chào bán này.

Trong khi đó, các đợt chào bán lớn khác của ngành ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đang được lên kế hoạch gối đầu, dự kiến từ quý II/2018. Tại ĐHCĐ thường niên vừa qua, BIDV đã trình thông qua kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài hơn 603,3 triệu cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, giả sử với thị giá như hiện nay, thương vụ này cũng hứa hẹn quy mô tỷ USD.

 Đảm bảo an toàn tài chính và tính thanh khoản

Tác động rõ nhất của việc tăng dự trữ ngoại hối là bảo đảm an toàn tài chính và tính thanh khoản của quốc gia xét về nhiều mặt. Thứ nhất, Chính phủ chủ động bảo đảm trả nợ nước ngoài khi quy mô nợ nước ngoài của Việt Nam hiện đã chiếm tỷ lệ không nhỏ trong GDP (khoảng hơn 45%) và tỷ lệ trả nợ trong tổng thu ngân sách nhà nước khá lớn, hiện khoảng hơn 20%.

Thứ hai, dự trữ ngoại hối có tác dụng bảo đảm ngưỡng an toàn khi so sánh với quy mô nhập khẩu tính theo tuần nhập khẩu. Nếu theo giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2017 là 211,1 tỷ USD, thì quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến nay tương đương khoảng 15 tuần nhập khẩu, do đó được xem là đủ an toàn trong thời điểm hiện nay.

Thứ ba, dự trữ ngoại tệ tăng sẽ tạo điều kiện cho NHNN chủ động can thiệp vào thị trường ngoại hối khi có những biến động bất thường trong điều kiện kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.

Thứ tư, dự trữ ngoại hối tăng mạnh sẽ góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là cơ sở để các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế xem xét nâng bậc đối với thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam, tạo điều kiện cho Việt Nam trong việc phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế.

Thứ năm, dự trữ ngoại tệ sẽ giúp nâng cao vị thế VND, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, giảm thiểu tình trạng vàng hóa và đô la hóa.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, quy mô dự trữ ngoại hối là một trong những chỉ số quan trọng đối với các nền kinh tế, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Nếu một nước có lượng dự trữ ngoại hối thấp sẽ gây tác động tiêu cực tới khả năng thanh toán quốc tế cũng như an ninh tài chính tiền tệ của nước đó. Ngược lại, nếu nguồn dự trữ quá lớn thì sẽ làm phát sinh chi phí cho việc nắm giữ dự trữ ngoại hối, do lợi nhuận thu được từ đầu tư dự trữ ngoại hối thường thấp hơn chi phí đi vay vốn nước ngoài.