Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, trong những năm qua, thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tốc độ gia tăng giá trị giao dịch công nghệ bình quân giai đoạn 2011 - 2020 là 22%. Trong đó, một số ngành tăng trưởng cao như ngành điện, điện tử máy tính 46%; ngành chế biến gỗ, giấy 29%, ngành chế biến thực phẩm 28%.

Hiện tại cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KH-CN; 69 cơ sở ươm tạo; 28 chương trình thúc đẩy kinh doanh; loại hình không gian làm việc chung có 186 khu (số liệu đến tháng 7-2020).

Năm 2020, trung bình số người thực hiện công tác quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH-CN tại các Sở là 5,21 người với độ tuổi bình quân là 41 tuổi (bao gồm cả lãnh đạo cấp sở, cấp phòng). Trong đó, nhân lực có trình độ thạc sĩ chiếm 52,52%; tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học, tiến sĩ lần lượt là 39,39% và 8,09%...

"Cần phải làm sao để các giao dịch mua bán công nghệ trên các thị trường phải sôi động, đưa lên sàn chứng khoán, mua bán ở các sàn giao dịch công nghệ… tác động mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp thì lúc đó mới có giá trị", Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho rằng, cần phải đưa dịch vụ công nghệ lên sàn chứng khoán, mua bán ở các sàn giao dịch công nghệ.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho rằng, cần phải đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán, mua bán ở các sàn giao dịch công nghệ.

Ngoài ra, những quy định về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH-CN cũng được ban hành với các quy định cho phép sử dụng quỹ phát KH-CN tại doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; ưu đãi về thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ quốc gia…

Cùng với Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) năm 2013, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ 2017 được Quốc hội thông qua đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về phát triển thị trường KH-CN, đặc biệt các cơ chế, biện pháp về ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn cung - nguồn cầu công nghệ, giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hỗ trợ và phát triển tổ chức trung gian; chính sách khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo...

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng đã trực tiếp trao đổi và ghi nhận những kiến nghị của các đại biểu xung quanh những rào cản, vướng mắc từ cơ chế chính sách để phát triển thị trường KH-CN.

TS. Đỗ Thị Hải Ninh - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, khoa học và công nghệ hiện nay được xem là công cụ tối ưu để gia tăng sức cạnh tranh và chất lượng của mọi loại sản phẩm và dịch vụ.

Trong đó, chuyển giao tri thức về thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ là một trong những tiền đề nhằm thúc đẩy nền kinh tế tri thức và thúc đẩy sự phát triển của khoa học nước nhà. Tuy vậy, hoạt động này vẫn còn khá mới trên thị trường Việt nam.

Để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ cần xây dựng và hoàn thiện các trung tâm, tổ chức trung gian về khoa học và công nghệ trong các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu.

"Các tổ chức này cần am hiểu và có khả năng đánh giá tiềm năng, triển vọng, khả năng định giá và khả năng định hướng, khả năng marketing và bán sản phẩm khoa học và công nghệ. Đồng thời sẽ chịu trách nhiệm thực hiện đào tạo chuyển giao tri thức và kỹ năng về thương mại hóa cho các trường, viện. Thực hiện đồng bộ hóa được các giải pháp nêu trên hoàn toàn có thể thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam phát triển nhanh và mạnh", TS. Đỗ Thị Hải Ninh khẳng định.

Còn theo các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, trên thực tế thị trường KH-CN trong nước chưa phát triển đúng với tiềm năng. Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo, để phát triển thị trường KH-CN, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH-CN; phát triển các tổ chức trung gian, thúc đẩy phát triển nguồn cầu, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp thị trường KH-CN.