hihihi

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Tôi tán thành với phương án của Chính phủ về việc đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp lần này với những lý do chính sau đây, ngoài những lý do rất thuyết phục, mà Chính phủ đã giải trình: 

Trước hết, hộ kinh doanh cá thể là một sản phẩm của lịch sử, một loại hình kinh doanh ra đời trong điều kiện nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, để hợp thức hoá hoạt động của khu vực tư nhân kinh doanh nhỏ lẻ, khi chúng ta không công nhận và chưa cho phép sự hoạt động của các loại hình doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Hộ kinh doanh đã  trở thành cứu tinh của những người kinh doanh nhỏ và là một chủ thể kinh doanh quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho người dân. Khu vực hộ kinh doanh là chiếc nôi của làn sóng khởi nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, góp phần đưa đất nước này thoát khỏi đói nghèo.

Nhưng với chính sách đổi mới của Đảng, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp từ năm 1990, các loại hình doanh nghiệp tư nhân đã được khuyến khích phát triển và được chính danh trong Luật Doanh nghiệp. Trong điều kiện đó, hộ kinh doanh thuộc mọi quy mô có điều kiện trở lại với đúng bản chất kinh tế và pháp lý của mình là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tư nhân trong nền kinh tế.

Trước năm 2015, tư cách chủ thể của hộ kinh doanh đã từng được quy định trong pháp luật, nhưng Bộ luật dân sự 2015 do Quốc hội ban hành đã bỏ tư cách chủ thể của hộ kinh doanh. Đó là một quyết định hoàn toàn chính xác vì chủ thể trong quan hệ dân sự chỉ có thể là pháp nhân hoặc cá nhân, không thể là lưỡng tính, “nửa nọ nửa kia”. Chiểu theo Bộ luật dân sự, các thành viên hộ gia đình chỉ còn có tư cách cá nhân và thông qua quan hệ đại diện để kinh doanh. Do vậy, xét cả trên cả khía cạnh pháp lý, kinh tế và yêu cầu phát triển, thì việc tiếp tục duy trì tư cách chủ thể của các hộ kinh doanh nguyên trạng như hiện nay là không còn phù hợp.

Trên phạm vi thế giới, thông lệ pháp luật đều quy định: kinh doanh là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi. Chủ thể của hoạt động kinh doanh được coi là doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể là cá nhân hoặc pháp nhân là công ty hay doanh nghiệp một chủ, không có loại hình nào “chung chiêng ở giữa”.

Ở các nền kinh tế trên thế giới, các cá nhân kinh doanh hoặc các thành viên trong gia đình kinh doanh nhỏ lẻ, như mở cửa hàng tạp hoá, cơ sở dịch vụ, các cửa hàng ăn uống nhỏ… thường chọn hình thức doanh nghiệp một chủ để khởi nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp một chủ chiếm tới trên 60% trong tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế thế giới. Ngay như ở Mỹ, thì các doanh nghiệp một chủ cũng chiếm tới 73% trên tổng số doanh nghiệp có đăng ký. Tại Việt Nam thì tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký dưới loại hình doanh nghiệp một chủ (doanh nghiệp tư nhân) chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ chỉ khoảng 7-8%. Đây là một nghịch lý. Nghịch lý này có thể lý giải bởi vì chúng ta còn có hình thức pháp lý hộ kinh doanh (mà trừ Việt Nam và Trung Quốc, trên thế giới này không nước nào có cả). Nếu cộng cả 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký vào số doanh nghiệp tư nhân thì tổng số doanh nghiệp một chủ ở Việt Nam chiếm 77 - 78% tổng số doanh nghiệp, tỷ lệ này tương đồng với tỷ lệ doanh nghiệp một chủ tại các quốc gia khác trên thế giới.

Bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp, nên tôi đề nghị phương án đột pháLuật Doanh nghiệp quy định luôn hộ kinh doanh là loại hình doanh nghiệp một chủ không có tư cách pháp nhân (được đăng ký bởi cá nhân chủ hộ hoặc người đại diện) tương tự như doanh nghiệp tư nhân trong Luật Doanh nghiệp hiện hành, nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi là “hộ kinh doanh” và chủ hộ kinh doanh không phải sau một đêm bừng tỉnh bỗng trở thành giám đốc. Hộ kinh doanh được áp dụng các quy định đặc thù, về cơ bản giữ nguyên ở mức sơ khai như hiện nay về quản lý nhà nước, về quản trị, về kê khai, nộp thuế … để không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính phiền hà mà vẫn tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của hộ.

Còn nếu thận trọng hơn, thì tôi đồng ý với phương án của Chính phủ, quy định về hộ kinh doanh như một loại hình kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, với các thiết kế như Chính phủ trình. Đây là giải pháp quá độ và an toàn để tiến tới Bộ Luật doanh nghiệp coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp một chủ theo chuẩn mực quốc tế cùng với quá trình hội nhập của nền kinh tế nước ta.

Phương án trình của Chính phủ có ưu điểm là có thể chấp nhận thực tế hiện nay là pháp luật trong nhiều lĩnh vực vẫn có quy định áp dụng riêng giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp như pháp luật thuế, pháp luật về điều kiện kinh doanh, pháp luật về thanh tra kiểm tra, và hộ kinh doanh không phải áp dụng các quy định quản lý chặt chẽ như đối với doanh nghiệp. Chúng ta sẽ không phải điều chỉnh nhiều về hệ thống pháp luật như trong phương án đột phá nếu được triển khai.

Dù là theo phương án nào, thì cần phải nhấn mạnh rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, không phải là Quốc hội hay Chính phủ ép buộc các hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp, cũng không phải là để áp đặt các nghĩa vụ quản trị và thủ tục hành chính nặng nề lên các hộ kinh doanh, càng không phải là để tăng số lượng doanh nghiệp cho đẹp sổ sách, báo cáo.

đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp chính là bước đệm để hộ kinh doanh được pháp luật bảo vệ một cách chính danh như các doanh nghiệp, được thụ hưởng các quyền lợi như các doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng vẫn được ưu tiên về mặt nghĩa vụ thuế, kế toán, quản trị phù hợp với quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Rất cần lưu ý rằng, các ngân hàng hiện nay không coi hộ kinh doanh là chủ thể có thể tiếp cận tín dụng, cơ quan thuế cũng thực hiện thu thuế thông qua cá nhân chủ hộ kinh doanh, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không quy định hộ kinh doanh là đối tượng thụ hưởng. Hộ kinh doanh cũng đang bị thiệt thòi trong tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Vì vậy, đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp sẽ chỉ mang lại lợi ích cho các hộ kinh doanh chứ không gây bất kỳ tác động bất lợi nào. Vì vậy, tôi nhất trí với thiết kế và giải trình của Chính phủ để bảo đảm thực hiện mục tiêu này.

Mặc dù vậy, để bảo đảm thi hành Luật Doanh nghiệp thuận lợi, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, các loại hình doanh nghiệp theo quy định của Hiến pháp, đồng thời vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ, tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ có kế hoạch sửa đổi ngay các quy định pháp luật trong lĩnh vực kế toán, thuế, quản trị, điều kiện kinh doanh, thanh kiểm tra và các lĩnh vực có liên quan khác… sao cho việc phân loại đối tượng quản lý của Nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc chỉ dựa trên quy mô kinh doanh, chứ không dựa trên loại hình doanh nghiệp, để bảo đảm các hộ kinh doanh có quy mô lớn tương đương với doanh nghiệp thì sẽ phải được quản lý như doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, siêu nhỏ tương đương với hộ kinh doanh thì sẽ được quản lý như hàng triệu hộ kinh doanh, để khắc phục cho được tình trạng có không ít hộ kinh doanh có quy mô kinh doanh lớn đến hàng trăm tỷ, nhưng lại chỉ thực hiện chế độ thuế khoán như một hộ kinh doanh siêu nhỏ, còn các doanh nghiệp siêu nhỏ lại phải thực hiện các gánh nặng tuân thủ như một doanh nghiệp quy mô lớn, các tập đoàn.

Nếu chúng ta bắt đầu ngay một hành trình như vậy, thì tôi hy vọng là đến lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần sau, thì chúng ta có thể trả lại tên cho hộ kinh doanh, đưa hộ kinh doanh về đúng bản chất của mình là doanh nghiệp một chủ - một hình thức doanh nghiệp phổ biến cho những người kinh doanh nhỏ như thực tiễn pháp luật của cả thế giới hiện đại.

Về ý kiến cho rằng cần xây dựng một Bộ luật riêng về hộ kinh doanh, thì tôi cho rằng rất không nên. Vì như tôi đã báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nếu thực hiện phương án này thì Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới này có Luật riêng về hộ kinh doanh. Khác với thông lệ thế giới sẽ khó cho hộ kinh doanh hoạt động, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập.

Vả lại Bộ luật dân sự 2015 đã xoá bỏ tư cách chủ thể của hộ kinh doanh lưỡng tính giữa cá nhân và pháp nhân, nên nếu không đưa hộ kinh doanh vào ngay Luật Doanh nghiệp lần này để làm cơ sở cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện thì 1,6 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động sẽ không có căn cứ pháp luật nào điều chỉnh các hộ kinh doanh mới sẽ không thể đăng ký hoạt động. Vì nếu không đưa vào Luật Doanh nghiệp, Nghị định của Chính phủ cũng không thể quy định gì về hộ kinh doanh bởi lẽ sẽ trái Bộ luật dân sự.

Còn nếu chờ hộ kinh doanh được xác lập tư cách pháp lý trong một Luật riêng, thì với chương trình xây dựng pháp luật dày đặc như hiện nay, thì nhanh nhất cũng sẽ phải chờ mất 2 – 3 năm nữa mới có thể xây dựng và thông qua Luật này. Và trong thời gian đó thì hàng triệu hộ kinh doanh không có căn cứ pháp luật điều chỉnh sẽ biết trông cậy vào đâu (vì tôi xin nhắc lại Bộ luật dân sự đã bỏ mất tư cách chủ thể của hộ kinh doanh rồi). Khoảng trống pháp lý và yêu cầu thực tiễn này rất cần phải được Quốc hội quan tâm.