>> 19/05: Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”

>> Mở đường cho trái phiếu doanh nghiệp

Được sự chỉ đạo của VCCI, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tổ chức Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” hôm nay ngày 19/05, tại Hà Nội.

Theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tổng lượng trái phiếu phát hành trong quý 1 năm nay đạt gần 70.000 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần là do cùng kỳ năm ngoái mức nền tương đối thấp, vì các doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ phù hợp với Luật chứng khoán và các Nghị định mới có hiệu lực từ đầu năm 2021. Nhưng nếu so theo quý, thì lượng phát hành trong quý 1 đã giảm tới 72% so với quý 4/2021, cho thấy hoạt động trên thị trường sơ cấp đã kém sôi động hơn rõ rệt.

Nhu cầu vốn vay qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự kiến ở mức cao, nhưng để đáp ứng được kỳ vọng và hiệu quả thì còn nhiều việc phải làm

Nhu cầu vốn vay qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự kiến ở mức cao, nhưng để đáp ứng được kỳ vọng và hiệu quả thì còn nhiều việc phải làm

Đánh giá về hiện tượng này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, trong năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng 56% so với năm 2020. Ngay trong 3 tháng đầu năm 2022 thì tốc độ tăng trưởng của thị trường cũng rất cao, nhưng đến tháng 4, tốc độ đã sụt giảm mạnh, đặc biệt trong đó trái phiếu doanh nghiệp bất động sản gần như vắng bóng.

Tuy nhiên, sự chững lại này chỉ mang tính chất tạm thời vì những xáo trộn trên thị trường làm cho các nhà đầu tư cũng như nhà phát hành ngừng lại, để nhìn nhận, kiểm tra tình hình, điều kiện, từ đó có sự tham gia bền vững hơn, đầy đủ hơn. Đồng thời, phía cơ quan quản lý nhà nước cũng có những động thái chỉnh đốn thị trường, nhằm gạt bỏ những nhà phát hành không thỏa đáng và chọn lọc được các nhà đầu tư, trái chủ theo đúng nghĩa chuyên nghiệp, gắn bó với thị trường.

Theo vị PGS, đối với lỗ hổng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, chúng ta phải nhìn thấy rõ nét hai vấn đề về cơ chế pháp lý, cũng như cơ chế quản lý. Về pháp lý, các quy định của Nghị định 153, kế thừa các quy định trước đây đã có những đổi mới, nhưng chưa phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam, với thói quen của thị trường mới hình thành.

Về công tác quản lý, theo dõi, đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, có rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia, trình độ, nhận thức, hiểu biết của họ về thị trường còn chưa đầy đủ. Trong khi đó lại có những bộ phận doanh nghiệp, hoặc những “đội lái” lách luật, dẫn dắt thị trường, tìm cách để cho phép các nhà đầu tư không chuyên nghiệp cũng có thể tham gia mua bán trái phiếu doanh nghiệp như nhà đầu tư chuyên nghiệp, làm cho thị trường này tăng trưởng nóng, bộc lộ nhiều nguy hiểm.

“Chúng tôi cho rằng, việc chấn chỉnh cả về luật pháp và cơ chế thực hiện thanh kiểm tra, giám sát là điều rất cần thiết để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành một kênh huy động vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế. Kênh trái phiếu doanh nghiệp phải được định hướng là kênh dẫn vốn quan trọng theo đúng định hướng của Chính phủ và giảm áp lực cung ứng vốn cho hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn vay qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự kiến ở mức cao, nhưng để đáp ứng được kỳ vọng và hiệu quả thì còn nhiều việc phải làm”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

>> Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Sẽ giảm lượng, tăng chất

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Khuyến nghị về giải pháp cũng như sửa đổi hành lang pháp lý phù hợp, vị chuyên gia chia sẻ, Nghị định 153 đến lần sửa thứ năm vừa qua vẫn còn có nhiều vấn đề. Ví dụ như quy định công ty mẹ không được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để sau đó tài trợ cho công ty con trong hoạt động. Điều này không hợp lý và cần phải xem xét, vì nhiều công ty con mới thành lập, khả năng tài chính yếu, tín nhiệm thấp trên thị trường, thì công ty mẹ phát hành và chuyển vốn cho công ty con là hợp lý, nên có những quy định rộng rãi hơn để các tập đoàn lớn có thể làm việc này một cách đơn giản.

Hay về mục đích phát hành, cũng như yêu cầu giám sát là một trong những vấn đề cần có cơ chế hợp lý. Thực tế trên thị trường quốc tế, với thị trường OTC, việc các doanh nghiệp tự phát hành, tự bán trên thị trường là điều bình thường, thậm chí không cần thông qua sở giao dịch chứng khoán. Vì thế, họ cũng không cần phải có thông báo về kết quả kinh doanh cũng như tình hình tài chính doanh nghiệp,... Nhưng trên thị trường này, những người mua trái phiếu là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ biết khi tham gia vào thị trường có rủi ro và cũng có bù đắp lợi nhuận thích đáng.

Còn đối với Việt Nam, vì rất nhiều nhà đầu tư có nhận thức chưa đầy đủ và thiếu hiểu biết về thị trường, nên cần thiết phải có một bên thứ ba đứng ra, giúp các nhà đầu tư phân tích được tình hình tài chính doanh nghiệp, phân tích được rủi ro và lợi nhuận. Chính cơ quan xếp hạng tín nhiệm làm việc này là tốt nhất, bởi vì xếp hạng tín nhiệm hoàn toàn khác với kiểm toán, kiểm toán là chỉ kiểm trong một thời điểm nhất định, còn xếp hạng tín nhiệm sẽ phải làm liên tục trong cả một quá trình. Cho nên, so sánh, đối chiếu và khuyến nghị mà cơ quan xếp hạng đưa ra sẽ tương đối sát với tình hình thực tế của doanh nghiệp, giúp các nhà đầu tư có được cái nhìn tổng thể về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, lịch sử tài chính,... hỗ trợ việc đầu tư chuẩn xác hơn.

Hiện nay các doanh nghiệp xếp hạng thì nghiệp ở Việt Nam còn rất ít, khả năng đáp ứng chậm, mà muốn xếp hạng được tốt thì phải có quá trình theo dõi. Đặc biệt, khi một doanh nghiệp chuẩn bị đưa ra phát hành trái phiếu, thì lập tức vài ngày sau, phải có xếp hạng, như vậy sẽ rất khó khăn nếu chỉ có hai doanh nghiệp thực hiện hoạt động này.