Đây là nhấn mạnh của Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang và cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Trên facebook cá nhân, đã có những bác sĩ kêu gọi các nhà hảo tâm, nếu quyên góp hãy quyên góp vật tư y tế chứ đừng quyên góp tiền, bởi nếu chuyển tiền vào tài khoản bệnh viện thì ngay lập tức bệnh viện cũng không thể mua được, mà người bệnh thì không thể chờ được lâu.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang và cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang và cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

-Nguyên nhân nào khiến bệnh viện không dám mua thiết bị cho bệnh nhân dù tình hình đang rất cấp bách?

Đương nhiên mỗi bệnh viện có thể có những lý do cụ thể riêng nhưng theo hiểu biết của tôi các bệnh viện hay cơ sở dịch vụ công thường có một đặc điểm chung. Đó chính là các quy trình và thủ tục hành chính buộc phải tuân thủ. Điều này dễ hiểu và khác với bệnh viện thuộc sở hữu tư nhân, nơi quyền quyết định thuộc về các cá nhân nhất định hay có sự phân cấp về quyền và trách nhiệm hết sức rõ ràng theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính.

Trong tình huống bệnh viện công, ngay cả khi có nhu cầu cấp bách về vật tư, trang thiết bị y tế, theo tôi vẫn phải có hai loại quy trình phê chuẩn cần tuân thủ. Nó bao gồm quy trình nội bộ, theo đó có thể bắt đầu từ từng đơn vị chuyên môn như khoa, phòng đến giám đốc bệnh viện, và quy trình bên ngoài giữa bệnh viện với các cơ quan quản lý cấp trên. Và tuỳ thuộc loại hình đơn vị và quy mô, chủng loại của hàng hoá cần mua, các cơ quan liên quan và có thẩm quyền phê chuẩn đó có thể là Phòng hay Sở Y tế, rồi thậm chí UBND tỉnh hay Bộ Y tế nữa.

Tóm lại, toàn bộ những vấn đề đó được gọi theo thuật ngữ pháp lý – hành chính là “mua sắm công”. Và chúng ta có cả một hệ thống hay khung pháp luật riêng cho hoạt động này, bắt đầu từ Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công và kết thúc bằng Luật Đấu thầu.  

-Nhiều quan điểm cho rằng, mấu chốt của vấn đề này nằm ở cơ chế đấu thầu và chỉ định thầu, thưa ông?

Tôi không nghĩ như vậy, Luật Đấu thầu luôn luôn cần thiết. Quy trình và thủ tục đấu thầu trong mua sắm công thường phức tạp và kéo dài, tuy nhiên Luật Đấu thầu đã có quy định rõ về dự phòng cho các tình huống cần thiết và khẩn cấp. Khi đó, bên mua sắm, được gọi là chủ đầu tư, không cần tổ chức việc đấu thầu đầy đủ mà có thể thực hiện chỉ định thầu, thậm chí là chỉ định thầu rút gọn mà thời gian có thể tính bằng tuần thay cho hàng tháng hay cả năm. Vấn đề ở chỗ dù có chỉ định thầu thì vẫn phải có người ra quyết định và chịu trách nhiệm. Thế thì ai sẽ có thẩm quyền, năng lực chịu để ra quyết định và ai sẽ dám chịu trách nhiệm về pháp lý khi việc mua sắm đó không đạt hiệu quả?

Hai câu hỏi đó đặt ra thì dễ nhưng trả lời nhiều khi khá khó khăn. Tại sao? Bởi có quá nhiều yếu tố để xác định, ngay cả khi đối với các gói mua sắm nhỏ, ví dụ định nghĩa như thế nào là nhỏ? Giá tiền ít nhưng chủng loại hàng hoá lại phức tạp và ý nghĩa, tác dụng lại lớn chẳng hạn. Thẩm quyền quyết định của cơ sở dịch vụ hay bệnh viện công phải là tập thể, nhưng để quyết định như mua ở đâu, mua giá nào và tiêu chuẩn chất lượng ra sao thì tập thể lại cần ý kiến thẩm định chuyên môn, hoặc từ phòng ban chức năng nội bộ hoặc của nhà tư vấn bên ngoài. Nhưng đã thuê tư vấn bên ngoài thì lại cần quy trình lựa chọn tương tự. Rồi sau đó, phải có cá nhân được phân công ký hợp đồng và rất có thể không ai muốn hay sẵn sàng đảm nhận việc này vì như tôi biết, chữ ký luôn đi kèm trách nhiệm và nhiều khi nó rất nặng nề.

Đã có nhiều vụ án quy trách nhiệm hình sự cho cái gọi là tội phạm chức vụ ở khu vực doanh nghiệp, cơ quan hay cơ sở y tế nhà nước mà trong đó, không chỉ tập thể tham gia quyết định mà cả người được uỷ quyền ký cũng bị coi là phạm tội. Cái tội hình sự ở đây được gọi là lạm dụng chức vụ hay thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, đối với tình huống mua sắm ở các bệnh viện, vấn đề còn phụ thuộc lĩnh vực và năng lực chuyên môn và đặc tính nghề nghiệp của các bác sỹ. Họ cần và có thể giỏi về chữa bệnh nhưng đâu có thể hay buộc phải am hiểu về quy định pháp luật, thủ tục hành chính và các điều kiện thị trường để thực hiện việc mua sắm. 

Cho nên, vấn đề tưởng chừng đơn giản như có tiền, có hàng chỉ việc mua nhưng thực tế lại không phải như vậy. Và chúng ta gọi cái khó khăn, trở ngại chung đó là cơ chế. 

-Vậy, cách nào giải quyết vấn đề này? Thưa ông?

Tôi cho rằng, chúng ta hãy chỉ cần tư duy và hành động theo một nguyên lý đơn giản, đó là thuận theo tự nhiên, là đủ. Vậy, thế nào là “thuận theo tự nhiên” trong tình huống này? Theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp, nếu xét thấy đại dịch Covid-19 là nguy hiểm, Thủ tướng Chính phủ có thể kích hoạt thủ tục tuyên bố đại dịch này là tình trạng khẩn cấp.

Khi đó, mọi hành động có tính nhà nước để phòng, chống dịch sẽ có thể được thực hiện theo một quy trình và điều kiện riêng, có nghĩa rằng bảo đảm cho việc ứng phó nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Tình trạng khẩn cấp này có thể giới hạn cục bộ vào lĩnh vực và địa phương. Chẳng hạn như hiện nay, câu hỏi là những gì xảy ra ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có phải là tình trạng khẩn cấp hay không?

Tôi nghĩ đó chính là dùng cơ chế để giải quyết vấn đề cơ chế mà không cần xé rào gì cả. Và chính nó là con đường pháp lý để giải bài toán tâm lý sợ chịu trách nhiệm pháp luật về cả hành chính và hình sự mà dường như ai cũng sợ.  

Cập nhật quy trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Cập nhật quy trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19. 

-Nhìn xa hơn, trong tương lai với các tình huống như thế này, theo ông, đâu sẽ là giải pháp giúp giải quyết hài hoà vấn đề, và làm thế nào để những tình huống tương tự như thế này không xảy ra trong tương lai nữa, thưa luật sư?

Thực tình tôi có nghe một câu chuyện đang diễn ra. Đó là có bệnh viện ở vùng dịch đang kêu gọi các nhà tài trợ, bên làm từ thiện thay vì ủng hộ tiền thì hãy mua giúp trang thiết bị và vật tư y tế.

Có lẽ bởi họ, tức các bác sỹ e ngại cái chúng ta đã bàn là quy trình và thủ tục mua sắm công theo quy định, trong khi phải thực hiện nhiệm vụ vất vả, cấp bách là điều trị bệnh nhân và chống dịch. Nhưng nếu thế thì nó cũng gây khó cho cả bên hỗ trợ và cho tiền. Có lẽ tất cả những gì xảy ra trên thực tế đều thuận với tự nhiên cả vì đó là nhu cầu từ cuộc sống. Vấn đề là chúng ta có nhận thức và hình dung trước khi mọi điều xảy ra không để có sẵn các giải pháp cho tình huống như vậy. Cái mà tiêu chuẩn quản trị chuyên nghiệp gọi chung là kế hoạch.

Xin thưa, nếu cần làm thêm gì đó từ góc độ này thì tôi chỉ xin nêu rằng mặc dù Việt Nam đã lập được một kỳ tích lớn về phòng, chống dịch Covid-19 và rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu, cho tầm nhìn căn bản và dài hạn, chúng ta vẫn còn những thiếu hụt trong thể chể và pháp luật cho quản trị tình huống khẩn cấp. Không chỉ là câu chuyện ban hành pháp luật mà đó còn là các thiết chế về tổ chức, năng lực chuyên môn được đào tạo và biện pháp bài bản từ trung ương đến địa phương, cơ sở.

Đặc biệt, điều tôi xin đề xuất là sự đề cao vai trò tham gia của các tổ chức xã hội và sự hỗ trợ mang tính thiện nguyện của người dân trên cơ sở có hành lang pháp lý rõ ràng và phụ hợp. Quản trị khẩn cấp như một lĩnh vực đặc thù của quản trị công rất cần thiết bởi tôi e rằng sẽ còn nhiều tình huống về thiên tai, địch hoạ mà đất nước ta sẽ phải trải qua và ứng phó.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện Nghị quyết 84/NG-CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ