Dù quy mô tổ chức của bạn là tập đoàn lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ hay khởi nghiệp, nếu đã từng tin rằng “con người là tài sản lớn nhất” thì cần trực tiếp đầu tư vào yếu tố con người để xây dựng và tối ưu hóa “tài sản” đặc biệt này.

Đi tìm nhân tài thế hệ mới

Là người đứng đầu tổ chức, các nhà lãnh đạo đều hiểu rõ vòng đời của một nhân sự trong tổ chức trọn vẹn trong 5 bước “Tuyển dụng – Đào tạo – Trọng dụng – Giữ chân - Chia tay”. Tuy nhiên, không phải tổ chức nào cũng tự tin rằng mình đã đầu tư hợp lý để giữ chân nhân tài và phát huy hết thế mạnh của họ vào sự phát triển của tổ chức.

Trong bối cảnh hiện nay, một tổ chức muốn tồn tại và phát triển trước những thách thức và khó khăn thì không chỉ đơn thuần dựa vào nguồn lực tài chính mà yếu tố sống còn của doanh nghiệp lại chính là nguồn lực phi tài chính mang tên “nhân tài”. Để giữ và có chính sách giữ chân nhân tài hiệu quả thời 4.0, người lãnh đạo cần hiểu rõ “nhân tài thế hệ mới họ là ai?”, “họ cần gì?” “làm thế nào để giữ họ?” chứ không phải cho họ cái mình đang có bởi giữ chân nhân tài là một chiến lược, không phải là biện pháp đối phó nhất thời.

Trong những năm gần đây, theo các báo cáo khảo sát nhân sự thì bùng nổ về nhân lực trẻ càng trở nên mạnh mẽ, lực lượng lao động thuộc thế hệ X và Y chiếm tới hơn 60% nhân sự tại các doanh nghiệp.
Không chỉ chênh lệch về tuổi tác mà những người ở các thế hệ khác nhau luôn có những sự khác biệt nhất định về cách nghĩ, nhận thức và quan niệm nên chiến lược giữ chân nhân tài thế hệ mới cũng mang đậm tính thời đại, với những đặc trưng hết sức tiêu biểu.

Vậy thì bằng cách nào để người làm lãnh đạo nắm bắt được tâm lý “khó hiểu” của những thế hệ X* hay Y*1 và có hướng điều chỉnh phù hợp, linh hoạt khi xây dựng chiến lược giữ chân nhân tài?

Họ là ai?

Thế hệ X là thế hệ làm việc chăm chỉ để có được sự ghi nhận, có thể cân bằng công việc & cuộc sống khá tốt và có khả năng dung hòa tốt các mối quan hệ trong tổ chức. Còn nếu nhân tài bạn cần giữ thuộc thế hệ Y thì hãy lưu ý rằng họ luôn cần được kịp thời ghi nhận cho những đóng góp cá nhân cho tổ chức, và có yêu cầu xây dựng lộ trình công danh rõ ràng. Thế hệ Z lại là nhóm có khả năng tiếp cận và sử dụng mạng xã hội rất tốt cũng như kỹ năng sử dụng công nghệ cao ở mức vô cùng thành thạo.

Thế hệ Z luôn muốn làm việc trong môi trường cởi mở, được phát huy sở trưởng sử dụng công nghệ cao. (Ngày hội việc làm IT TECH EXPO tại TP HCM thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia tìm kiếm cơ hội. Ảnh: B.D

Thế hệ Z luôn muốn làm việc trong môi trường cởi mở, được phát huy sở trưởng sử dụng công nghệ cao. (Ngày hội việc làm IT TECH EXPO tại TP HCM thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia tìm kiếm cơ hội. Ảnh: B.D

Họ cần gì?

Thế hệ X là thế hệ bắt đầu quan tâm đến giá trị tài chính và kế hoạch nghỉ hưu.

Thế hệ Y là thế hệ đòi hỏi tổ chức cân đối lịch làm việc linh hoạt và thoải mái, khá quan tâm đến giá trị
tài chính.

Với thế hệ Z thì khá đặc biệt bởi nhóm này luôn muốn làm việc trong môi trường cởi mở, nơi họ được phát huy sở trường là sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, họ muốn được ghi nhận cũng như luôn đề cao cơ hội làm việc với người quản lý có tầm để học hỏi.

Và chỉ khi bạn có đáp án cho câu hỏi “Nhân tài thế hệ mới là ai?”, “Họ cần gì?” thì bạn mới giải đáp được bài toán “Làm thế nào để giữ họ?” gắn bó với tổ chức của mình.

Khai vấn cá nhân

Trong một vài năm gần đây, ngoài việc tạo môi trường làm việc thú vị, phù hợp với đặc thù từng thế hệ, thực hiện các cam kết với người lao động thì một số tổ chức đã bắt đầu thực hành kỹ năng Khai vấn ứng dụng để tăng tính gắn kết của nhân viên với tổ chức. Đồng thời thực hiện chiến lược giữ chân nhân tài thông qua khai vấn cá nhân để “lắng nghe” tâm tư và kỳ vọng của nhân tài.

Mỗi đồng nghiệp chúng ta gặp ở cơ quan đều có câu chuyện cá nhân và khó khăn riêng, họ không phải là những con số trên báo cáo, họ cũng không phải máy móc hay tiến độ dự án; vì vậy việc xây dựng môi trường làm việc cởi mở, tôn trọng sự khác biệt sẽ là bí kíp thành công trong chiến lược giữ chân nhân tài.

Người làm lãnh đạo có tư duy khai vấn sẽ xác định rõ nhân tài trong tổ chức của mình là ai, biết quan tâm hỗ trợ nhân viên cân bằng công việc và cuộc sống, thấu hiểu kỳ vọng và từ đó có chiến lược phù hợp với từng người. Khai vấn là công cụ giúp người lãnh đạo gần gũi nhân viên ở góc độ con người và là biện pháp hữu hiệu giúp giữ chân nhân tài thời hiện đại và giúp tổ chức phát triển nhanh hơn trong thời đại 4.0 bằng cách giữ người tài và hút nhân tài.

Người lãnh đạo biết “lắng nghe” nhu cầu của nhân tài không phải để “đáp ứng” “yêu sách” bằng mọi giá mà là lắng nghe để hiểu họ đang cần gì ở tổ chức, họ muốn phát triển bản thân như thế nào và tạo điều kiện để họ phát triển trong tổ chức thay vì phải đi tìm ở nơi khác.

Một tổ chức được điều hành bởi lãnh đạo có tư duy khai vấn sẽ luôn biết cách cân bằng giữa “Nice & Pro” – Thân thiện và Chuyên nghiệp để giữ người tài và thu hút nhân tài về cho tổ chức.

Ở góc độ người lao động thì việc tổ chức xây dựng được một môi trường làm việc cởi mở sẽ đảm bảo cho nhân viên luôn vui vẻ mỗi khi tới nơi làm việc, có ý thức trách nhiệm hơn và nâng cao hiệu suất làm việc bởi tinh thần làm việc của nhân viên trong một tổ chức có liên quan trực tiếp tới khả năng tạo ra lợi nhuận. “Stop managing, Start coaching” - “Đừng quản lý, hãy khai vấn” để nhân viên đủ khả năng ra đi nhưng luôn chọn ở lại!

(*)- Những người sinh từ 1965 đến 1979
(*1)- Những người sinh từ 1980 đến 1994