Trong khi làn sóng "phẫn nộ" của cộng đồng mạng Việt Nam chưa dừng lại, thì mới đây, nhiều người tiêu dùng lại tiếp tục phát hiện website phiên bản tiếng Trung của Zara và Uniqlo, cũng sử dụng bản đồ online có đường lưỡi bò.

Có một điểm chung là website của các thương hiệu này đều sử dụng bản đồ Baidu Maps cho thị trường Trung Quốc. 

"Đường lưỡi bò" phi pháp trên bản đồ của Gucci tại trang web tiếng Trung. Ảnh: Chụp màn hình.

Baidu Maps là gì?

Baidu là một công cụ tra cứu do Công ty hữu hạn kỹ thuật mạng trực tuyến Bách Độ (Baidu, Inc) thiết kế và ra mắt vào năm 2014. Baidu là website đầu tiên tại Trung Quốc cung cấp giao thức không dây (WAP) và hỗ trợ tìm kiếm trên thiết bị số kỹ thuật với các công cụ hỗ trợ người dùng tra cứu và tìm kiếm tại hơn 700 triệu trang web, 80 triệu hình ảnh và khoảng 10 triệu tập tin đa truyền thông như nhạc, phim,…

Tính đến thời điểm này, Baidu được biết đến là “Google của Trung Quốc”, là công cụ tìm kiếm lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau gã khổng lồ tìm kiếm Google, tuy nhiên thị trường chính của Baidu đa phần đều diễn ra ở trong nước chứ chưa “bành trướng” sang thị trường thế giới.[1]

Cần tỉnh táo nhìn nhận

Bày tỏ quan điểm của mình về vụ việc này, ThS. Hoàng Việt - giảng viên ĐH Luật TPHCM, nhà nghiên cứu chuyên về biển Đông cho biết, Trung Quốc không chấp nhận các phần mềm, các nền tảng công nghệ của phương Tây, bao gồm cả Google. Do đó, bất cứ công ty quốc tế nào có hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc đều phải sử dụng các sản phẩm công nghệ của nước này, trong đó có cả phần mềm về bản đồ, mạng xã hội... 

"Đường lưỡi bò" phi pháp trên bản đồ của Louis Vuitton tại trang web tiếng Trung. Ảnh: Chụp màn hình.

Các phần mềm của Trung Quốc đã thể hiện những nội dung tuân theo các quan điểm chính trị của Trung Quốc và do đó, nếu sử dụng các phần mềm này thì đồng nghĩa với việc là chấp thuận các nội dung mà họ quy ước, ví dụ như bản đồ có thể hiện "đường lưỡi bò" phi pháp.

“Việc Trung Quốc kiểm soát các phần mềm thuộc bản quyền của họ như vậy dẫn đến việc bản đồ H&M đưa lên trang web của Baidu thì phải sử dụng bản đồ Trung Quốc vẽ. Trong trường hợp này, không chỉ H&M mà gần như tất cả các công ty hoạt động tại Trung Quốc chỉ cần chấp thuận việc sử dụng Baidu thì đều sử dụng bản đồ như vậy”. - ThS. Hoàng Việt nói.

Theo giải thích của vị chuyên gia này, trên các trang web ở nước khác của H&M thì không thể hiện đường lưỡi bò phi pháp mà chỉ trên trang web ở Trung Quốc trên nền tảng Baidu mới thể hiện điều này. “Do đó khi H&M chưa có bình luận gì về thông tin này, cá nhân tôi cho rằng chúng ta cũng cần có một cái nhìn khách quan và minh bạch hơn trong tình huống này”. - ThS. Hoàng Việt bày tỏ quan điểm.[2]

Chiêu thức thâm hiểu của Trung Quốc

Như phân tích ở trên, H&M và một số thương hiệu lớn đều có một điểm chung đó là thể hiện “đường lưỡi bò” phi pháp bởi sử dụng bản đồ Baidu Maps do Trung Quốc sản xuất; Các website sử dụng ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp và sử dụng Google maps không xảy ra tình trạng trên.

Nguyên nhân sự việc trên có liên quan đến việc Trung Quốc cấm toàn bộ các dịch vụ tìm kiếm và mạng xã hội quốc tế như Google, Youtube, Facebook, … Thay vào đó, nước này tự tạo nên các sân chơi riêng dành cho nội địa. Ví dụ: Quốc tế có hệ sinh thái Google được Trung Quốc có hệ sinh thái riêng là Baidu gần giống với Google; Baidu Maps thay Google maps...

Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ nước này đều bị kiểm soát và phải sử dụng các ứng dụng, mạng xã hội nước này sản xuất trong đó có Baidu maps in hình đường lưỡi bò.

Tấm bản đồ xuất hiện ngay trên website phiên bản tiếng Trung của các hãng. Chỉ cần thu quy mô của bản đồ ra khu vực châu Á, người xem dễ dàng nhìn thấy hình ảnh "đường lưỡi bò" sắc nét, “nuốt” hết Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

“Đường lưỡi bò” được xem là một dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thực tế việc Trung Quốc sử dụng sức ép kinh tế đã từng xảy ra trong quá khứ. Ví dụ năm 2008, Trung Quốc đã gây sức ép với ExxonMobil hay các công ty dầu khí nước ngoài rằng không được liên doanh với Việt Nam để khai thác dầu khí trên vùng biển của Việt Nam thì mới được hoạt động trên thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc có truyền thống sử dụng "chiêu" này. Việc Trung Quốc đang sử dụng sức ép kinh tế với các công ty nước ngoài mà các nhà nghiên cứu Mỹ gọi là phương pháp "kinh tế cưỡng bức", trong đó có nhiều cách khác nhau để đe dọa các công ty hay quốc gia khác phải chấp nhận các tiêu chuẩn mà Trung Quốc đặt ra.

Nhưng trong trường hợp như thế, một công ty quốc tế chắc chắn phải cũng phải xem xét trên nhiều mặt để lựa chọn đầu tư. Khi công ty nào đó đưa thị trường Việt Nam và Trung Quốc lên so sánh, họ sẽ có cân nhắc trước một thị trường lớn với 1,3 tỷ dân và mức thu nhập bình quân cao hơn nhưng lại dễ có khả năng áp đặt các phương pháp kinh tế cưỡng bức.[4]

Bình luận về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu, Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: "Các thương hiệu quốc tế đang đứng ở lựa chọn khó khăn nhưng họ cần được biết thị trường Việt đang là thị trường tiêu thụ khá lớn cùng với ASEAN, chúng ta lại được nhiều nước khác ủng hộ".

TS. Thành cho rằng, Việt Nam cần lên tiếng mạnh mẽ để các tập đoàn quốc tế hiểu rõ vấn đề, việc lợi dụng sản phẩm toàn cầu để cài cắm những yêu sách phi pháp là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo nguyên Viện trưởng Viện CIEM, là doanh nghiệp, việc trăn trở với bài toán lợi nhuận là điều dễ hiểu, nhưng đây là lựa chọn không dễ dàng với họ. "Ngay về mặt xúc cảm, nhiều nước đang ủng hộ Việt Nam. Bản thân người tiêu dùng ở nước khác họ cũng phản ứng khá tiêu cực đối với nhãn hiệu đấy. Đứng về mặt chính trị, các lãnh đạo châu Âu, Mỹ cũng rất nhạy cảm đối với vấn đề đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ phi pháp của Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta cần tận dụng điều này để đưa ra đối sách", ông Thành nói.[5]

“Đường lưỡi bò” được xem là một dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 5/2009, Trung Quốc tiếp tục lộ rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông với việc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò).

Theo đó, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện tích đất trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Và Trung Quốc đã cố gắng tìm cách hợp thức hóa “đường lưỡi bò” đó bằng các văn bản chính thức, gửi lên các cơ quan tổ chức Liên Hợp Quốc.

Mặt khác, họ tìm cách tiến hành trên thực địa các hoạt động nhằm dành lấy sự công nhận yêu sách phi lý đó. Họ xúc tiến ngày càng mạnh mẽ, đây cũng là một bằng chứng hết sức rõ ràng Trung Quốc đang có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

THAM KHẢO:

[1] https://tiengtrung.com/phan-mem/baidu-la-gi.html?

[2][4] https://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/tay-chay-hampm-canh-giac-voi-kinh-te-cuong-buc-3430182/

[3] https://www.baogiaothong.vn/ly-do-gucci-louis-vuitton-chanel-su-dung-ban-do-duong-luoi-bo-d501486.html

[5] https://dantri.com.vn/kinh-doanh/duong-luoi-bo-trung-quoc-nup-hang-hieu-chieu-thuc-cu-nhung-tham-hiem-20210405183932976.htm