Sự phong tỏa ở Trung Quốc theo chiến lược zero covid được coi là nguyên nhân quan trọng gây đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Sự phong tỏa ở Trung Quốc theo chiến lược zero covid được coi là nguyên nhân quan trọng gây đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

>> Đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào?

Xung đột thương mại, thiên tai, mâu thuẫn địa chính trị, và COVID-19 đã gây ra sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.

Nguyên nhân đứt gãy

Hầu hết các loại chuỗi cung ứng đều có ở Trung Quốc và/hoặc một phần lớn công đoạn của các chuỗi đều được tập trung ở Trung Quốc. Sự tập trung của chuỗi như vậy cộng với chiến lược zero covid đã gây tê liệt hay đứt gãy đối với nhiều chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Sự tập trung ở Trung Quốc còn phải chịu rủi ro địa chính trị. Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung có khuynh hướng gia tăng, có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Điển hình việc Mỹ cấm công ty sản xuất chip SMIC đã gây ra sự đứt gãy cho nhiều chuỗi cung ứng khác.

Cùng với Trung Quốc, Đông Nam Á nổi lên như một trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu với Việt Nam, Thái Lan, Malaysia là những cụm tập trung công nghiệp chế biến. Khu vực này là vùng trung tậm chế tạo các sản phẩm như ô tô, máy tính, đồ điện tử, may mặc, và nhiều sản phẩm khác. Vì vậy, sự phong tỏa do dịch bệnh cũng gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

>> Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Tác động toàn cầu

Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu chắc chắn đem lại những tác động tiêu cực đến phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Thứ nhất, dứt gãy chuỗi cung ứng đã và đang làm tăng đáng kể chi phí sản xuất tăng dẫn đến tăng giá sản xuất.
Thứ hai, sự khan hiếm hàng tiêu dùng trong khi cầu tăng đột biến sau đại dịch khiến giá hàng tiêu dùng tăng.

Thứ ba, khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới bị giảm sút. IMF đã phải hạ 1% dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, mức giảm lớn nhất trong nhóm G7 chủ yếu vì giảm số ô tô sản xuất vì thiếu chip. Trung Quốc và Châu Âu cũng đang gặp vấn đề về tăng trưởng do các vấn đề chuỗi cung ứng gây ra. Trung Quốc đã công bố tăng trưởng quý III/2021 với mức gây thất vọng là 4,9% so với quý trước vì sản xuất công nghiệp sụt giảm trong tháng 9 (chỉ tăng khoảng 3,1%, thấp hơn mức dự báo 4,5%), mà lý do chính là do các vấn đề về chuỗi cung ứng gây ra.

Thứ tư, lạm phát có thể xảy ra trong khi tăng trưởng vẫn khó khăn, có thể đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào tình thế khó khăn hơn đó là lạm phát tăng nhanh trong khi tăng trưởng chậm chạp. Điều này có thể khiến kinh tế thế giới rơi vào trạng thái lạm phát đình đốn. Khi đó, các ngân hàng trung ương và chính phủ không có cách nào giải quyết vì không thể hạ lãi suất và đưa ra các biện pháp kích thích khác vì điều đó chỉ làm tình hình lạm phát thêm tồi tệ.

Kỳ II: Triển vọng và hàm ý cho Việt Nam