Cách đây 25 năm, có dịp đến Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo ta mới hiểu thế nào là vẻ đẹp của “Đà Lạt mộng mơ”; “Sapa thị trấn trong mây”; “Tam Đảo mù sương”… Nhưng đó là chuyện của hàng chục năm trước.

Vài năm trở lại đây, tại Sapa, Tam Đảo, mọc lên dày đặc những dãy khách sạn và một số công trình cao tầng. Du khách đứng ngay trên khu nghỉ dưỡng nhưng chẳng thế nào ngắm được khung cảnh như xưa.

Mặc dù các địa phương đã có Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng thể nhưng tình trạng xây dựng tràn lan, không phép, sai phép vẫn diễn ra rầm rộ, ảnh hưởng đến cảnh quan, quy hoạch nơi đây.

Đến Tam Đảo vào dịp cuối tuần hay các dịp nghỉ lễ, điều ấn tượng với du khách trước tiên có lẽ không phải bởi cảnh quan mà là những đoạn đường tắc hàng tiếng đồng hồ không thể di chuyển và những "khối bê tông" khổng lồ bên chân đỉnh núi.

Hàng trăm công trình, dự án, khách sạn, homestay xây dựng không phép, sai phép tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc

Tại Đà Lạt, ngoài các khu du lịch như hồ Than Thở, thác Cam Ly, thung lũng Tình Yêu, các danh thắng như ga xe lửa Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm, dinh Bảo Đại cũng đang bị xâm hại. Thậm chí, hai biểu tượng của Đà Lạt là rạp hát Hòa Bình và tòa Dinh Tỉnh trưởng, nơi thì tiến tới đập bỏ, nơi thì "di dời" để nhường khuôn viên cho cao ốc thương mại.

"Bức tường cao ốc" ngăn thành phố với biển tại Đà Nẵng

Cho đến vùng biển, trường hợp dễ thấy nhất có thể kể đến đó là Đà Nẵng, Nha Trang với các đồ án quy hoạch chung cho phép xây dựng cao ốc 50 - 60 tầng dọc bờ biển, biến nơi đây thành một "bức tường cao ốc" ngăn thành phố với biển. 

Trên thực tế, việc xẻ núi làm khách sạn hay xây cao ốc “chắn” biển đã để lại nhiều hệ lụy. Tại Phú Quốc đó là việc Phú Quốc hứng chịu mưa lũ bởi các hệ thống nước tự nhiên bị chắn lại. Câu chuyện mất nước ở Sa Pa là một minh chứng cụ thể của bài toán phát triển cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Đà Lạt từng nổi tiếng với khí hậu đồi núi mát mẻ, rừng thông cổ thụ tĩnh mịch và những di sản kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, sự phát triển manh mún, tự phát thiếu đồng bộ, thiếu kiểm soát trong một thời gian dài đã dần xoá đi những gì vốn là đặc trưng riêng, khiến Đà Lạt cũng trở nên xô bồ, ồn ào. Thay vì không gian sương mù phủ lấp thì Đà Lạt lại bị “đô thị hóa” với những con đường bụi bặm và rác thải.

Bản quy hoạch khu Trung tâm Hòa Bình (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) gây nhiều ý kiến trái chiều với đề xuất bê tông hoá

Bản quy hoạch khu Trung tâm Hòa Bình (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) gây nhiều ý kiến trái chiều với đề xuất bê tông hoá

Theo thống kê, trước đây, Đà Lạt sở hữu 1.500 biệt thự cổ nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 400 căn. Một nửa diện tích khu vực hồ Tuyền Lâm sẽ được khai thác thành các khu vui chơi, nghỉ dưỡng, resort, khách sạn, nửa còn lại phát triển du lịch sinh thái. Quá trình biến đổi này sẽ chặt bỏ hơn 98.000 cây thông, vốn là một đặc trưng của thành phố này. Bức tranh về một khu du lịch náo nhiệt bị bê tông hoá chắp ghép và lộn xộn đang dần thay thế hình ảnh của thành phố mộng mơ, thiên đường nghỉ dưỡng một thời.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, khách du lịch tìm đến Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt không phải để ngắm những khối bê tông hiện đại, mà họ tìm về những nơi ấy bởi các thị trấn cổ, các di tích, thắng cảnh được hình thành trong lịch sử, những văn hóa, bản sắc địa phương và cả không khí trong lành, thiên nhiên hùng vĩ.

Ông Tùng cho biết, như tại Tam Đảo, người Pháp đã phát hiện và xây dựng khu nghỉ dưỡng tại nơi đây và khai thác như một đô thị với 145 tòa biệt thự lộng lẫy. Thế nhưng, điều họ làm được còn là việc lưu ý tới vấn đề bảo vệ, bảo tồn di sản thiên nhiên. Người Pháp đặc biệt hạn chế xâm phạm những khu thung lũng, ngược lại những khách sạn được treo trên sườn núi theo một bố cục kiến trúc rất rõ ràng, độc đáo, tạo điểm nhấn cho Tam Đảo.  

Việc phát triển du lịch tại Tam Đảo không thể chạy theo làm kinh doanh dịch vụ, để bê tông lấn át núi đồi. Việc để nhà đầu tư “dẫn dắt cho hoạt động xẻ núi, san nền, bê tông hóa” là những biến tướng rất nguy hiểm. Không ai dám đảm bảo khi có những biến đổi địa tầng, sẽ không xảy ra một thảm họa như ở tỉnh Quảng Nam vừa qua. 

KTS Tùng nhận định, cách làm du lịch kiểu tư duy "nhiệm kỳ", tầm nhìn ngắn hạn như ở Sapa, Đà Lạt, Tam Đảo nói riêng cũng như của ngành du lịch nói chung hiện nay không mang lại nhiều ích lợi cho cả xã hội cũng như kinh tế. “Muốn phát triển du lịch bền vững, cần phải có tư duy tầm nhìn chiến lược trong quản lý quy hoạch, lấy ý kiến từ nhiều bên. Xây dựng tràn lan thì dễ, nhưng để "sửa sai", “dọn dẹp” những khối bê tông này là rất khó và tốn kém" - vị KTS bày tỏ quan điểm.

Ông Tùng lo ngại, nếu cứ mãi phát triển du lịch theo tư duy nhiệm kỳ, thế hệ mai sau sẽ chẳng có thể nhìn ngắm thiên nhiên hay các di tích mà chỉ còn những khối bê tông trơ trọi.