Cùng Diễn đàn Doanh nghiệp điểm lại những dấu ấn của nền kinh tế Việt Nam năm qua, để giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về các mảng sáng - tối của bức tranh kinh tế 2021, hướng đến năm 2022 đầy kỳ vọng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đại hội nêu rõ, mục tiêu đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ là nước phát triển, có thu nhập cao.

Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng

Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 với tỷ lệ cao các đại biểu Quốc hội tán thành. Nghị quyết nêu rõ 5 quan điểm. Trong đó, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành nghị quyết 128, đánh dấu cột mốc chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", giúp các địa phương mở cửa, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Quan điểm và giải pháp trong nghị quyết mở ra một bước ngoặt, tạo ra những cơ hội để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phục hồi phát triển kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định qua gần 2 tháng thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ, tình hình dịch bệnh kiểm soát được trên phạm vi toàn quốc và tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc với nhiều điểm sáng.

Tăng trưởng dù ở mức thấp nhất trong thập kỷ vừa qua do đại dịch nhưng cuối cùng, GDP vẫn tăng trưởng dương. Lần đầu tiên từ khi thống kê GDP theo quý kể từ năm 2000, Việt Nam ghi nhận một quý tăng trưởng âm (quý 3, GDP giảm 6,17%). Riêng đầu tàu kinh tế TP.HCM dẫn đầu với mức giảm GDP tới 24,39%.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4 năm nay ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý 4 các năm 2011-2019. Trong khi đó, GDP cả năm 2021 ước tính tăng 2,58% (quý 1 tăng 4,72%, quý 2 tăng 6,73%, quý 3 giảm 6,02%, quý 4 tăng 5,22%).

Điểm thành công trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ là lạm phát vẫn được kiểm soát dưới 4% trong bối cảnh giá cả hàng hóa và lạm phát toàn cầu tăng và đứng ở mức cao. Tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Đây là yếu tố giúp ổn định xã hội, là cơ sở cho sự ổn định cho năm 2021 và tiền đề để phục hồi kinh tế trong năm 2022.  Tuy sức cầu yếu nhưng sự phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa rất hài hòa, Bộ Tài chính và NHNN kết hợp giúp lạm phát được kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.

Dù gặp cú sốc toàn cầu bởi đại dịch nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng để các nhà đầu tư ngoại tìm đến đầu tư. Tập đoàn LEGO đầu tư nhà máy trung hòa cacbon tại tỉnh Bình Dương, chạy bằng năng lượng mặt trời, tổng vốn 1 tỉ USD. Nhiều dự án FDI lớn khác cũng được các nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào, bên cạnh đó, vốn đầu tư gián tiếp cũng vào mạnh. Như thương vụ Sumitomo Mitsui mua 49% cổ phần FE Credit với giá 1,4 tỉ USD.

Trong năm 2021, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục phục hồi, vốn đăng ký mới và tăng thêm giữ xu hướng tăng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Trong đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-12-2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Việc Chính phủ đồng ý lộ trình mở cửa đón khách quốc tế và ngay sau đó Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đã giúp các doanh nghiệp đón khách quốc tế trở lại thí điểm từ tháng 11/2021. Hiện hàng không đang chuẩn bị tái khởi động mạng bay quốc tế, trước mắt 9 thị trường được định hướng khơi thông nối lại các chuyến bay thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore. Khôi phục du lịch và mở đường bay quốc tế thu hút quan tâm cũng là bệ đỡ giúp phục hồi kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch.

Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Việt Nam đã vươn lên vị trí top 10 các thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Với tổng điểm 5,67/10, nước ta đã tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng này. Tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch, song khả năng tăng trưởng giao thương của cả nước vẫn được đánh giá khả quan dựa trên những hiệp định thương mại được kí gần đây, bao gồm Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã có 16 lần tăng giá, 3 lần giữ nguyên và 5 lần giảm giá. Xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 7,032 đồng/lít và xăng RON 95 tăng 6,816 đồng/lít. Tại kỳ điều chỉnh chiều ngày 25/12/2021, giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 468 đồng/lít, lên mức 22,550 đồng/lít. Trong khi đó, xăng RON 95 tăng 494 đồng/lít lên mức 23,295 đồng/lít.

Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, tính chung năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336.25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88.71 tỷ USD, tăng 13.4%, chiếm 26.4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247.54 tỷ USD, tăng 21.1%, chiếm 73.6%.

Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19.94 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25.36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29.36 tỷ USD.