Sự xuất hiện của biến chủng Delta đã thay đổi mạnh mẽ cách thức thế giới đối phó với dịch Covid-19. Ngoại trừ Trung Quốc, cho đến nay, nhiều nước chuyển sang sống chung an toàn với Covid-19 bằng cách đẩy mạnh tiêm chủng đại trà và áp dụng quy định bắt buộc tiêm vaccine nhằm kiểm soát dịch bệnh, giúp kinh tế toàn cầu dần thoát khỏi suy thoái và phục hồi vào những tháng cuối năm.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho rằng thế giới có thể đạt được mục tiêu này vào nửa cuối năm 2022.  Theo ước tính của WHO, để tiêm phòng đủ liều cơ bản cho 70% dân số toàn cầu, thế giới cần ít nhất 11 tỷ liều vaccine phòng COVID-19.

Với cách tiếp cận mang tính toàn cầu và nỗ lực chung của cả thế giới, hy vọng những ngày tháng đen tối nhất của đại dịch sẽ đi qua. Virus có lẽ vẫn hiện diện nhưng nếu con người  được trang bị những công cụ phù hợp, COVID-19 sẽ không còn "thống trị" cuộc sống của chúng ta.

Nói cách khác, COVID-19 không còn là một đại dịch mà sẽ trở thành bệnh đặc hữu và con người có khả năng khống chế. Khi đó, mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia sẽ chủ động điều chỉnh để sống an toàn trong điều kiện “bình thường mới”, vừa ứng phó với virus, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, khôi phục cuộc sống thường nhật.

Ngày 20/1, ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ trong bối cảnh đối mặt với rất nhiều thách thức cấp bách như khôi phục nền kinh tế suy thoái vì đại dịch, khắc phục tình trạng chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ và lấy lại vị thế lãnh đạo toàn cầu của Washington, vốn bị suy yếu đáng kể dưới thời Donald Trump.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực giải quyết các vấn đề nội bộ thông qua một loạt các chính sách và gói tài chính để tăng cường tỷ lệ tiêm chủng, giải quyết các vấn đề xã hội, kích thích tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại.

Bên cạnh đó, chính quyền của ông Biden cũng đẩy mạnh việc khôi phục vị thế của nước Mỹ trong nhiều lĩnh vực như tăng cường nguồn viện trợ vaccine; đưa Mỹ trở lại Hiệp định Khí hậu Paris và thúc đẩy hàng loạt thỏa thuận, cam kết với đồng minh. Ông thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc, thuyết phục các đối tác cùng ứng phó ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trong năm tới, dịch bệnh hiện vẫn là thách thức lớn nhất đối với ông Biden. Lạm phát gia tăng ở Mỹ. Chương trình tài chính đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng có nguy cơ bị phá sản bởi chính dân biểu của phe Đảng Dân chủ trong Thượng viện. Vấn đề người di cư và tị nạn vẫn dai dẳng trầm trọng… sẽ là những thách thức chờ đón ông trong năm tiếp theo.

Ngày 13/11/2021, 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua “Hiệp ước khí hậu Glasgow” tại hội nghị COP26, tái khẳng định cam kết duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng dưới 1,5 độ C.

100 quốc gia trên thế giới đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng, cắt giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030. Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới đã ra Tuyên bố chung, cam kết hợp tác xây dựng chiến lược dài hạn chống biến đổi khí hậu, nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Kết quả Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đem lại hy vọng cho cộng đồng quốc tế về việc ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Ngày 15-8, lực lượng Taliban đã kiểm soát thủ đô Kabul, trở lại nắm quyền tại Afghanistan sau 20 năm. Hiện chính quyền mới của Taliban chưa được quốc tế công nhận và quốc gia Nam Á này đang đối mặt với xung đột bạo lực, chia rẽ sắc tộc, nguy cơ khủng bố và khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Mặc dù Taliban nỗ lực xây dựng hình ảnh ôn hòa hơn, nhưng vẫn áp dụng luật Hồi giáo Sharia, bị cáo buộc trả thù đối thủ cũ và không có những động thái rõ ràng trong bảo vệ quyền phụ nữ, khiến chính quyền của họ chưa được thế giới công nhận. Afghanistan rơi vào cảnh chật vật vì viện trợ bị cắt, hơn 9,5 tỷ USD tài sản ở nước ngoài bị phong tỏa. Liên Hợp Quốc cảnh báo tình thế bế tắc của Taliban có nguy cơ đẩy khoảng 14 triệu người Afghanistan vào nạn đói và quốc gia Trung Á trên bờ vực sụp đổ.

Ngày 16/9, Mỹ và Anh bất ngờ công bố thỏa thuận liên minh ba bên mang tên AUKUS, trong đó có điều khoản đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia. Đây được coi là một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm chia sẻ công nghệ tàu ngầm hiện đại với đồng minh, duy trì ưu thế trong cuộc cạnh tranh dưới lòng biển với Trung Quốc.

AUKUS dường như gây sức ép lớn với Trung Quốc, khi nước này mô tả thỏa thuận là "mối đe dọa cực kỳ vô trách nhiệm" với ổn định trong khu vực, bày tỏ hoài nghi về cam kết không phổ biến hạt nhân của Australia. Giới chuyên gia cũng lo ngại AUKUS có thể đốt nóng cuộc đua vũ trang tại châu Á, khiến Trung Quốc hành động quyết liệt hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vốn đã rất căng thẳng vì cạnh tranh siêu cường Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, sự ra đời của AUKUS và việc Liên minh châu Âu EU công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày 16/9 và Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày 14/12 ở Jakarta, phản ánh rõ nét xu hướng tập hợp lực lượng và tầm quan trọng địa chính trị của khu vực này.

Nước Đức đã chính thức bước vào kỷ nguyên Hậu Merkel  khi ông Olaf Schozl chính được Hạ viện Đức phê chuẩn vào cương vị Thủ tướng Đức ngày 8/12. Trong 16 năm cầm quyền, bà Merkel đã dẫn dắt nước Đức và Liên minh châu Âu (EU) vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng lớn như khủng hoảng tài chính năm 2008, khủng hoảng di cư năm 2015, khủng hoảng nợ công năm 2010, tiến trình Brexit… đưa nước Đức thực sự trở thành một “đầu tàu châu Âu” đồng thời thúc đẩy nhanh tiến trình “nhất thể hoá” châu Âu.

Việc bà Merkel rút khỏi chính trường làm dấy lên lo ngại về một khoảng trống để lại cho nước Đức và EU, nhưng cũng nhen nhóm hy vọng về một làn gió thay đổi diễn ra khi ông Olaf Scholz trở thành người kế nhiệm bà Merkel trong 5 năm tới. Các chuyên gia dự đoán, Tân Thủ tướng Đức Scholz có thể phải từ bỏ chính sách vừa gắn bó về chính trị với Mỹ, vừa gần gũi về kinh tế với Trung Quốc đã được duy trì trong 16 năm nhiệm kỳ của bà Merkel.

 

Vào tháng 3, tàu Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới với tổng trọng tải hơn 200.000 tấn mắc cạn ở kênh đào Suez và bịt kín tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, khiến mọi hoạt động di chuyển qua kênh đào bị đình trệ trong gần một tuần. Đây là lần đầu tiên một con tàu làm tê liệt hoàn toàn kênh đào Suez suốt 6 ngày kể từ khi nó được đưa vào sử dụng năm 1869.

Ngay lập tức, 13% hoạt động thương mại và 10% hoạt động vận chuyển dầu đường biển trên toàn cầu đi qua kênh Suez, cửa ngõ cho dòng chảy hàng hóa giữa châu Âu và châu Á. Thương mại toàn cầu được ước tính thiệt hại khoảng 6-10 tỷ USD trong một tuần Ever Given mắc kẹt, còn Ai Cập thất thu khoảng 12-14 triệu USD mỗi ngày.

Sự cố này đã phơi bày điểm yếu của hệ thống đường thủy quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu và hàng hóa nhập khẩu khi chỉ một linh kiện bị giao hàng chậm cũng có thể khiến toàn bộ quy trình sản xuất của doanh nghiệp gặp rủi ro. Bên cạnh đó, câu chuyện này cũng đặt ra những câu hỏi liên quan đến kích thước phù hợp của tàu chở hàng và làm thế nào để những con tàu khổng lồ này có thể thích ứng cơ sở hạ tầng đường thủy nhân tạo.

Ngày 1/2, quân đội Myanmar bất ngờ tiến hành đảo chính, lật đổ chính phủ dân cử, bắt cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, thành lập chính quyền quân sự. Động thái của quân đội Myanmar châm ngòi cho làn sóng biểu tình quy mô lớn trong nước, khiến hơn 1.100 người thiệt mạng khi binh sĩ dùng vũ lực trấn áp.

Quân đội Myanmar cho biết họ tiến hành bắt giam Cố vấn Nhà nước Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao chính phủ nhằm đối phó "gian lận bầu cử". Kênh truyền hình quân đội Myanmar cũng phát một video thông báo quyền lực tại nước này đã chuyển giao cho Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Hỗn loạn đẩy Myanmar lún sâu vào khủng hoảng kinh tế và làm trầm trọng thêm tình hình Covid-19 trong nước. Tuy vậy, chính quyền quân sự Myanmar chưa có dấu hiệu nhượng bộ trước sức ép và lệnh trừng phạt từ phương Tây, cũng như nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy đối thoại tại quốc gia này.

Trong năm vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách quan trọng để thắt chặt quản lý trong các lĩnh vực công nghệ, bất động sản, giáo dục, trò chơi điện tử… Những quy định này khiến các công ty tư nhân tại Trung Quốc đối mặt với áp lực lớn.

Bên cạnh đó việc nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản sau khi Chính phủ ban hành các quy định hạn chế cho vay bất động sản mới để kiểm soát tình trạng giá nhà tăng vọt và vay nợ quá mức. Các dự luật kiểm soát chặt chẽ hơn về công nghệ kỹ thuật số của Trung Quốc cũng khiến các tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ như Alibaba, ByteDance, Weibo hay Tencent cũng gặp khó khăn trong hoạt động.

Ngày 13/10, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tán thành một thỏa thuận toàn cầu nhằm cải thiện hệ thống thuế doanh nghiệp, trên cơ sở thỏa thuận lịch sử mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đạt được trước đó.

Kể từ năm 2023, mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ được áp dụng đối với các công ty có thu nhập từ 870 triệu USD trở lên. Ước tính, mức thuế này sẽ giúp các chính phủ bổ sung khoảng 150 tỷ USD/năm vào nguồn thu thuế. Tiếp theo, thỏa thuận mới sẽ giúp đưa doanh thu thuế về nơi các công ty bán hàng, thay vì nơi doanh nghiệp đặt trụ sở như trước đây.

Các lãnh đạo G20 được kỳ vọng sẽ chính thức khẳng định cam kết của họ cho tới năm 2023. Đây là biện pháp nhằm ngăn các công ty đa quốc gia giấu lợi nhuận của mình ở những “thiên đường thuế”, tức các quốc gia cho phép doanh nghiệp đóng ít hoặc không cần đóng thuế. Giới quan sát nhận định các nước giàu sẽ là bên hưởng lợi chính của thỏa thuận mới.