>>> Năng lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở mức báo động

>>> Bộ Xây dựng đề nghị theo dõi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Mới đây, hãng xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ xếp hạng của Evergrande xuống mức “vỡ nợ giới hạn - restricted default” do không thể trả lãi kịp 2 lô trái phiếu phát hành bằng đồng đô la mỹ (USD) đáo hạn ngày 6-11 và ân hạn đến 6-12.

Động thái này của Fitch đến sau khi Tập đoàn BĐS lớn thứ 2 Trung Quốc không phản hồi yêu cầu xác nhận về các khoản trả lãi trên từ hãng. Do đó, Fitch đã kết luận rằng các khoản lãi này vẫn chưa được thanh toán.

Hôm 9/12, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng của China Evergrande xuống

Hôm 9/12, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng của China Evergrande xuống "vỡ nợ giới hạn". Ảnh: Reuters.

NGUY CƠ NÀO CHO DOANH NGHIỆP VIỆT?

Ngay sau khi Evergrande thừa nhận có thể mất khả năng thanh toán nợ, chính quyền Quảng Châu (Trung Quốc) - nơi tập đoàn này đặt trụ sở đã triệu tập chủ tịch Xu Jiayin của Evergrande và thông báo sẽ cử nhóm làm việc đến hãng. Các chuyên gia phân tích cho rằng đây là tín hiệu cho thấy Evergrande chính thức bắt đầu công tác tái cấu trúc nợ. Sự kiện vỡ nợ ngày 9-12 có thể sẽ đẩy nhanh tiến trình này.

Bình luận về động thái của Fitch trên trang tin Bloomberg, ông Brock Silvers - Giám đốc đầu tư tại Kaiyuan Capital cho rằng việc hạ xếp hạng của China Evergrande có thể không gây tác động rõ ràng và ngay lập tức mà sẽ tạo áp lực để tập đoàn và các cơ quan quản lý Trung Quốc sớm tiết lộ về quá trình tái cơ cấu.

Sau khi thông tin Fitch hạ xếp hạng của Evergrande xuống mức “vỡ nợ giới hạn”, rất nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu do các doanh nghiệp BĐS trong nước phát hành đang rất lo lắng về việc liệu tình trạng tượng tự có xảy ra tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, việc “vỡ nợ” của Evergrande mà Fitch xếp hạng là đối với các trái phiếu phát hành bằng đồng USD, trong khi đó các doanh nghiệp BĐS trong nước hiện tỷ lệ phát hành quốc tế bằng đồng USD là chưa cao nên nguy cơ trên không đáng quan ngại.

Dưới góc độ chuyên gia tài chính, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng Việt Nam không cần quá lo lắng về việc xảy ra những trường hợp tương tự như Trung Quốc do các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam chưa có khoản nợ quốc tế bằng USD đáng kể.

Cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2021 chỉ ghi nhận có ba doanh nghiệp đã niêm yết trái phiếu ở thị trường quốc tế với tổng quy mô vốn 1 tỷ USD gồm Vingroup (500 triệu USD), BIM Land (200 triệu USD) và Novaland (300 triệu USD).

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Trong khi những lo ngại về nguy cơ “vỡ nợ” của các doanh nghiệp BĐS trong nước với các trái phiếu phát hành bằng đồng USD là chưa quá đáng ngại thì các chuyên gia trong nước lại rất lưu ý đối với các trái phiếu phát hành trong nước.

Trái phiếu doanh nghiệp do các doanh nghiệp bất động sản phát hành đang chiếm phân nửa tỷ lệ TPDN phát hành trong 9 tháng đầu năm 2021

Trái phiếu doanh nghiệp do các doanh nghiệp bất động sản phát hành đang chiếm phân nửa tỷ lệ TPDN phát hành trong 9 tháng đầu năm 2021

Theo báo cáo do SSI Research công bố mới đây trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng phát hành TPDN của các doanh nghiệp bất động sản hiện chiếm phân nửa ở mức 45,6% (201,9/331 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên, trong bức tranh phát hành TPDN của các doanh nghiệp BĐS thời gian qua, các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về một số rủi ro tiềm ẩn. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital có những TPDN “ba không”, tức doanh nghiệp phát hành không có xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản đảm bảo (chiếm 26% khối lượng phát hành) và không có bảo lãnh thanh toán,… cũng đồng nghĩa những trái phiếu này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ khi có không ít lô trái phiếu do các doanh nghiệp BĐS được thu xếp phát hành và mua lại phần lớn bởi các công ty chứng khoán. Đặc biệt, các công ty này vốn là “sân sau” của các ngân hàng có liên quan đến doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu.

Việc các ngân hàng và công ty chứng khoán đang lần lượt là những pháp nhân nắm giữ nhiều nhất trái phiếu doanh nghiệp (với phần lớn trái phiếu BĐS), theo các chuyên gia đang đặt ra một số nguy cơ liên quan đến việc đảo nợ, “mông má” báo cáo tài chính cũng như việc sở hữu chéo.

Theo TS. Võ Trí Thành, thị trường TPDN Việt Nam còn thiếu nhiều yếu tố quan trọng như nền tảng hệ thống thanh toán, khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực kế toán kiểm toán, đặc biệt là thiếu đơn vị xếp hạng tín nhiệm và quỹ tài chính. Do vậy, gần như cuộc chơi trên thị trường này thuộc về các ngân hàng thương mại.

Hiện nay, các ngân hàng và công ty chứng khoán đóng vai trò thu xếp cho các đợt phát hành và quản lý tài sản đảm bảo. Theo dữ liệu từ Fiin Group, hơn 70% TPDN do ngân hàng nắm giữ. Bên cạnh đó, vừa qua các công ty chứng khoán cũng bắt đầu tham gia với vai trò trái chủ của nhiều khoản nợ lớn như: 4.800 tỷ đồng của Bông Sen Corp; 2.000 tỷ đồng của Vạn Trường Phát; 950 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG); 900 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư Big Gain;…

Nhận định về nguy cơ của các trái phiếu do các doanh nghiệp BĐS trong nước phát hành, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiin Group cho rằng do Việt Nam chưa có quy định bắt buộc nên các NĐT sẽ phải nhìn nhận chất lượng và rủi ro trước mắt của các trái phiếu, nếu lãi suất 12-15% hoặc hơn thì phải chấp nhận rủi ro phá sản của doanh nghiệp và có thể bị mất vốn.

Tuy nhiên, theo ông Thuân, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn khá mới và Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng đã kìm lại và các doanh nghiệp lớn đầu ngành thì điểm rơi trả nợ lại vào 2024 và 2025 nên chưa thể có nguy cơ như với BĐS Trung Quốc và Evergrander.

Bên cạnh đó, theo phân tích của một số đơn vị nghiên cứu hiện nay, tỷ lệ lợi nhuận của các doanh nghiệp BĐS Việt Nam hiện ở mức từ 50-70% khả quan hơn so với con số của Trung Quốc là 30% tại thời điểm tốt nhất. Cụ thể, theo Công ty Chứng khoán Nhất Việt thì tổng nợ trên tổng tài sản của các doanh nghiệp BĐS hiện ở mức 0.6 nhỏ hơn 1 và nằm trong mức kiểm soát và cũng ngang với mức bình quân trong 5 năm giai đoạn 2016-2020 do đó tình hình nợ của ngành BĐS vẫn nằm trong kiểm soát.

BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

Theo các chuyên gia có một thực tế trong thời gian qua, các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán; một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng do vậy không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này.

Về vấn đề này, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên tài Tài chính ngân hàng hiện nay Việt Nam đã có hai công ty được Bộ Tài chính cấp phép là Sài Gòn Phát Thịnh Rating (năm 2017) và FiinGroup (tháng 3/2020). Được cấp phép cách đây 3 năm nhưng Sài Gòn Phát Thịnh Rating chủ yếu xếp hạng tín nhiệm cho những công ty có vốn nước ngoài FDI, chưa xếp hạng cho những công ty làm chứng khoán ở trong nước.

“Tôi đồng tình với quan điểm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong một báo cáo mới đây khi cho rằng Việt Nam đang thiếu những công ty xếp hạng tín nhiệm và cái này rất cần thiết cho thị trường trái phiếu. Bởi vì, trong số những nhà đầu tư, có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ không có khả năng phân tích tín dụng ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính. Họ cần một sự đánh giá độc lập của công ty xếp hạng tín nhiệm. Không chỉ nhà đầu tư riêng lẻ, đầu tư cá nhân, ngay cả tổ chức lớn khi mua chứng khoán đều cần sự đánh giá của các công ty đánh giá tín nhiệm độc lập”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Còn theo TS. Vũ Đình Ánh thị trường TPDN cần được hoàn thiện cả phía cung lẫn phía cầu, cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, cả người bán và người mua, cả cơ quan quản lý giám sát thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro.

Bên cạnh câu chuyện xếp hạng tín nhiệm các tổ chức phát hành thì các chuyên gia cũng khuyến cáo một số vấn đề để lành mạnh hóa thị trường TPDN, nhất là TPDN bất động sản thời gian tới như hiện tượng thâu tóm quỹ đất, giá BĐS tăng cao,…

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia hiện nay có những tập đoàn đầu cơ dự án, có trong tay từ hàng chục đến nửa trăm dự án hàng thập kỷ chưa bán ra khiến cho nhiều quỹ đất hoang hóa không triển khai. Nếu việc một doanh nghiệp BĐS liên tục phát hành trái phiếu để thâu tóm quỹ đất, tức không triển khai dự án để đưa sản phẩm ra thị trường thì dòng tiền sẽ không có và rõ ràng nguy cơ tiềm ẩn cho các loại TPDN này là rất cao, TS. Nghĩa nhận định.

Ngoài câu chuyện thâu tóm quỹ đất để “găm”, các chuyên gia cũng chỉ ra, một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ với các loại trái phiếu do các doanh nghiệp BĐS phát hành là việc mặt bằng giá nhà đất liên tục tăng cao quá nhanh.

Giá nhà đất thời gian qua liên tục thiết lập mặt bằng giá mới

Giá nhà đất thời gian qua liên tục thiết lập mặt bằng giá mới

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhầu Xây dựng Việt Nam cho rằng, khi mặt bằng giá tăng cao quá cao, sự hấp thụ của thị trường sẽ suy giảm tương ứng, trong khi các đối tượng có nhu cầu ở thực và cần đất để sản xuất kinh doanh khó tiếp cận được thì sân chơi dường như lại dành cho giới đầu tư, đầu cơ. Tình trạng, về lâu dài sẽ khiến cung cầu bị lệch pha, méo mó thị trường và nguy cơ bong bóng tài sản có thể xảy ra.

"Nếu như các doanh nghiệp BĐS chạy theo cơn sốt ồ ạt huy động vốn trái phiếu để phát triển các dự án không gắn với nhu cầu thực chất của thị trường thì có thể gặp khó về dòng tiền và thanh khoản khi những “cơn sốt” giảm nhiệt, ông Hiệp phân tích.