Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA: The European Union – Vietnam Free Trade Agreement) vừa được ký kết ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Đây là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU, mở ra chân một trời mới, hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển với mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Dệt may là một trong những ngành thế mạng của doanh nghiệp Nghệ An. Vì vậy, doanh nghiệp đã

Dệt may là một trong những ngành thế mạnh của doanh nghiệp Nghệ An. Vì vậy, doanh nghiệp dệt may Nghệ An đã chủ động tìm hiểu về EVFTA để nắm bắt cơ hội vượt qua thách thức.

Sau gần 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11/1990, quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã phát triển nhanh chóng. Hai bên đã ký Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) vào năm 2012, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để mở rộng quan hệ Việt Nam - EU theo hướng đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện và lâu dài.

Dưới góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Phí Trọng Đức – Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Nghệ An cho rằng, việc ký kết thành công Hiệp định EVFTA vừa qua là một kỳ tích lớn của Việt Nam.

"Đây sẽ là cú hích cho xuất khẩu của Việt Nam và với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế thì EVFTA chắc chắn là cơ hội cho những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam, như: dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ… Đây cũng là các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Nghệ An, các doanh nghiệp cần lưu ý để chuẩn bị nội lực, tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA mang lại khi được thực thi", ông Phí Trọng Đức nhấn mạnh.

Theo ông Phan Thanh Miễn – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An, Chính phủ cần thúc đẩy cải cách thể chế quyết liệt hơn nữa nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt và ổn định cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự mình nỗ lực cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Châu Âu là một thị trường lớn, rất khó tính nên Nhà nước cần chấn chỉnh và xử phạt nghiêm minh nạn hàng giả, hàng nhái; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và khẳng định thương hiệu với những mặt hàng lợi thế có chất lượng, giá cả hợp lý để tạo thế cạnh tranh để từng bước thâm nhập và làm chủ thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.

Các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về năng lực, quy mô lại nhỏ, thiếu kinh nghiệm hội nhập quốc tế lại chưa có ý thức trong xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Tình trạng hàng Trung Quốc gắn nhãn mác Việt Nam xảy ra thời gian vừa qua đã làm mất uy tín doanh nghiệp Việt, dù không phải là tất cả nhưng vấn đề ở đây là, doanh nghiệp phải đi bằng đôi chân của mình và việc xây dựng thương hiệu mất cả một quá trình, nhưng đánh mất thương hiệu thì rất nhanh”, ông Miễn thẳng chia sẻ.

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và mới đây là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA)… hứa hẹn sẽ mang đến cho nền kinh tế Việt Nam nhiều triển vọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm mây tre, là một trong những sản phẩm truyền thống bao đời nay của người Việt Nam.

Nhận định về tương lai các sản phẩm này, ông Thái Đại Phong – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An, Giám đốc Công Ty TNHH Đức Phong, chuyên sản xuất & xuất khẩu các sản phẩm từ nguyên liệu mây tre cho biết, doanh nghiệp của ông đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường khắt khe và khó tính như: Pháp, Đức, Thụy Sỹ…

Hiệp định EVFTA sẽ mở ra một tương lai sán lạn với thuế suất hấp dẫn, hàng rào thuế quan nới lỏng nhưng đầy thách thức, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng lĩnh vực tại địa phương. “Trên thực tế, ngành sản xuất sản phẩm từ cây tre, luồng của nước ta vẫn trong tình trạng gặp rất nhiều khó khăn như: rào cản kỹ thuật, tiếp cận và mở rộng thị trường, vướng mắc trong quản trị tài chính, quản trị nhân lực, nguyên liệu phục vụ cho ngành này không ổn định về số lượng lẫn chất lượng. Bên cạnh đó, số lượng và tay nghề của công nhân ngày càng giảm sút; chất lượng hàng hóa khó kiểm soát, mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, kém linh hoạt để đáp ứng thị trường thế giới, thiếu bản quyền sản phẩm… đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của sản phẩm”, ông Phong lo ngại.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng khoảng 15,28% vào năm 2020; 33% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 – 3,25% từ năm 2019 – 2023; 4,57 – 5,3% từ năm 2024 – 2028 và 7,07 – 7,72% từ năm 2029 – 2033.

Bên cạnh việc mang lại nhiều lợi ích thiết thực từ những cam kết mang tính toàn diện, sâu sắc, bình đẳng, bao quát các lĩnh vực về kinh tế, thương mại, đầu tư… cho các doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng tại Việt Nam cũng như 28 nước thành viên Liên minh châu Âu; Hiệp định EVFTA cùng với EVIPA sẽ mở ra những cơ hội lớn nhằm khai thác tối đa tiềm năng, đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững, từ đó góp phần làm sâu sắc và đảm bảo lợi ích cân bằng, lâu dài, trong đó đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa hai bên.