>>EVFTA - tiền đề để Việt Nam "tăng tốc"

TS.Hoàng Xuân Trung, Viện Nghiên cứu Châu Âu nhấn mạnh về những tác động của hiệp định EVFTA đến thương mại và đầu tư ở Việt Nam.

Các tiêu chuẩn về khí thải theo Euro3, Euro4, Euro5 chính là cơ sở, tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất công nghiệp, cần thiết cho sự phát triển dài hạn. Ảnh minh hoạ: Internet

Các tiêu chuẩn về khí thải theo Euro3, Euro4, Euro5 chính là cơ sở, tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất công nghiệp, cần thiết cho sự phát triển dài hạn. Ảnh minh hoạ: Internet

TS.Hoàng Xuân Trung đánh giá, đối với các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất ô tô, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của EU từ EVFTA cũng tương đương với những tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc.

Tiền đề từ tiêu chuẩn khí khải

“Các tiêu chuẩn về khí thải theo Euro3, Euro4, Euro5 chính là cơ sở, tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất công nghiệp, cần thiết cho sự phát triển dài hạn”, TS.Hoàng Xuân Trung nói.

Thực tế, tính đến tháng 11/2021, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã sửa đổi, ban hành 8 văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với EVFTA.

Thêm vào đó, các bộ, ban, ngành có liên quan cũng rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật để có thể đưa ra những điều chỉnh kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo thực hiện các cam kết của EVFTA.

Trước đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/05/2020 về ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, góp phần đảm bảo việc tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, trong đó có EVFTA.

Luật Đầu tư mới, được Quốc hội thông qua vào tháng 6 năm 2020, có hiệu lực thực thi vào ngày 1/1/2021, với mục tiêu nới lỏng các quy định về kinh doanh ở Việt Nam nhằm tạo điều kiện thu hút FDI và cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Luật này được ban hành đúng vào thời điểm triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do có sự tham gia của Việt Nam như RCEP, CPTPP và EVFTA, trong đó hiệp định thương mại tiên tiến và hiện đại nhất là EVFTA.

Luật Đầu tư 2020 sửa đổi những quy định chồng chéo liên quan đến đầu tư, làm rõ các điều kiện và nguyên tắc để lựa chọn các nhà đầu tư cho các dự án sử dụng đất đai, bao gồm đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thông qua các nhà đầu tư và các thủ tục đầu tư.

Với EVFTA, Luật Đầu tư 2020 cho phép tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới của các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Trước những thách thức về kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19, Việt Nam có thể tận dụng các thị trường EU làm động lực để phục hồi kinh tế, hưởng những lợi ích từ chuyển giao công nghệ và tiếp nhận công nghệ hiện đại từ EU.

Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại và công nghệ quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và đa dạng hóa nguồn FDI, trong đó EU có thể được coi là bên trung gian.

Chính sách thu hút FDI mới của Việt Nam có xu hướng tập trung có chọn lọc vào các dự án có chất lượng, loại bỏ các dự án đầu tư có quy mô nhỏ và ít giá trị gia tăng.

Tỷ lệ FDI đầu tư vào các lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm cao và sử dụng công nghệ lạc hậu như dệt nhuộm có xu hướng giảm dần, thay vào đó là sự gia tăng các dự án chất lượng cao với xu hướng xanh hóa, sử dụng nguyên liệu tái tạo.

“EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư từ EU, tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận với thị trường của Việt Nam, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp sử dụng công nghệ cao của Việt Nam, như điện tử, ô tô, công nghiệp chế biến và chế tạo, công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác như nông sản thực phẩm chế biến, dịch vụ, tài chính”, TS.Hoàng Xuân Trung nói.

>>EVFTA - tiền đề để Việt Nam "tăng tốc"

Vượt qua thách thức SPS

Bên cạnh những thuận lợi từ EVFTA mang lại, theo TS.Hoàng Xuân Trung các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu các cam kết và các quy định của EVFTA.

các tiêu chuẩn SPS và quy định về an toàn thực phẩm của EU được đặt ra cao hơn so với nhiều quốc gia và khu vực khác. Ảnh minh hoạ: Internet

Các tiêu chuẩn SPS và quy định về an toàn thực phẩm của EU được đặt ra cao hơn so với nhiều quốc gia và khu vực khác. Ảnh minh hoạ: Internet

Trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, làm giảm uy tín của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa vào thị trường quốc tế.

Sau khi EVFTA có hiệu lực, vẫn có nhiều vụ việc vi phạm quy định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật (SPS). Cụ thể, vào tháng 8/2021, mì Hảo Hảo của Việt Nam bị thu hồi tại EU vì dư lượng chất ethylene oxide. Tháng 10/2021, EU đã thu hồi và cảnh báo đối với sản phẩm đùi ếch đông lạnh và bưởi của Việt Nam có chứa các chất nitrofurans (furazonidone) và chất propargite, fenobucarb vượt dư lượng cho phép.

Tiếp đó, cũng trong tháng 10/2021, Văn phòng SPS của Bộ Công Thương nhận được hai công văn về việc nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có chứa dư lượng hóa chất vượt quá mức quy định, trong đó có 1 lô gạo thơm ST25 hiệu Nữ hoàng của Vinamex Group xuất khẩu vào thị trường Bỉ có mức dư lượng BVTV tricyclazole lên tới 0,017 mg/kg, vượt quá mức tối đa cho phép theo tiêu chuẩn của EU là 0,01 mg/kg.

Lô hàng mướp đắng của công ty TNHH Saka Saka xuất khẩu vào thị trường Hà Lan có chứa hóa chất chlorpyrifos ethyl; lô hàng động vật giáp xác và hải sản của Công ty TNHH chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Minh Châu xuất khẩu vào thị trường Tây Ban Nha có chứa chất cấm profenofos ngoài chất chlorpyrifos ethyl của công ty TNHH Saka Saka.

Có thể thấy, các tiêu chuẩn SPS và quy định về an toàn thực phẩm của EU được đặt ra cao hơn so với nhiều quốc gia và khu vực khác. Bên cạnh đó, ngoài các biện pháp SPS được EU ban hành thì các doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng của EU cũng có những yêu cầu khắt khe hơn.

Với EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải điều chỉnh và nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng cả những tiêu chuẩn của Chính phủ cũng như người tiêu dùng EU, đây cũng là một trong những thách thức lớn của doanh nghiệp Việt khi tiếp cận thị trường EU.

Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước EU cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là sự cạnh tranh của các quốc gia trong khối ASEAN. Thời gian qua, EU đã ký FTA với Việt Nam và Singapore, đồng thời đang đàm phán FTA với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Phillipines.

Các nước này cũng có lợi thế về xuất khẩu nông sản, hàng dệt may, linh kiện và thiết bị điện tử, do đó có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam khi tiếp cận thị trường EU.

Nhìn chung, EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại từ các quốc gia EU. Việc tăng cường nhập khẩu thiết bị, máy móc và công nghệ hiện đại góp phần giúp cho hàng hóa sản xuất trong nước đạt được tiêu chuẩn cao hơn, giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, để tận dụng được điều đó, TS.Hoàng Xuân Trung kiến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực để có thể tiếp nhận công nghệ tiên tiến, cải thiện chất lượng sản phẩm, tránh để mất lợi thế ở ngay cả các lĩnh vực có tính cạnh tranh của Việt Nam.