Facebook không chỉ là một doanh nghiệp!

Facebook không chỉ là một doanh nghiệp!

Các nhà lập pháp Mỹ đang bày tỏ sự lo ngại đối với mạng xã hội Facebook khi nền tảng này phát triển bất chấp quy luật kinh tế trong vòng một thập kỷ trở lại đây.

Vấn đề ở chỗ Facebook không còn đơn thuần là mạng xã hội - công cụ kết nối, kinh doanh, giải trí, chia sẻ thông tin. Mark và đội ngũ của anh ta ngày càng cho thấy sự xuất hiện của một ông trùm truyền thông, dư sức gây ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Trump là một trong những nạn nhân. Các đề nghị điều tra phe dân chủ gian lận bầu cử đã bị Tweet phớt lờ. Các thông tin gây bất lợi cho J. Biden bị kiểm duyệt mặc dù bản thân Facebook cũng không thể chứng minh được tính đúng sai.

Facebook quá lớn để có thể kiểm soát. Một lá thư điện tử của Mark gửi các thành viên cấp cao bị lộ với nội dung: “cách cạnh tranh tốt nhất là mua lại tất cả đối thủ”. Phương châm này thực tế đã trở thành chiến lược của mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Bản thân Mark cũng từng nói trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, rằng: “nếu xem Facebook là một quốc gia thì đây là quốc gia đông dân nhất thế giới với 2,5 tỷ người”.

Rõ ràng, Facebook là “quốc gia” hùng mạnh nhất thế giới xét về cả quy mô “dân số” cũng như sức mạnh kinh tế, thương được định giá trên 1.000 tỷ USD. Ai đã tạo ra Facebook? Vì sao mạng xã hội này có thể thống trị toàn cầu?

Dĩ nhiên, tấm gương bỏ học khởi nghiệp như Mark đã trở nên kinh điển. Nhưng về sâu xa, Facebook là hình mẫu đại diện tiêu biểu cho nền kinh tế tư bản hiện đại - mang tất cả những đặc điểm của chủ nghĩa tư bản sơ khai - điều mà các chính phủ phương Tây đã cố gắng loại bỏ sau mỗi lần nâng cấp thể chế.

Chủ nghĩa tư bản thoạt đầu xuất hiện dưới dạng thức “tự do cạnh tranh”, doanh nhân như những con cá mập khát máu luôn tìm cách tiêu diệt đối thủ cạnh tranh. Đây là thời kỳ mà giai cấp tư sản mới thoát ra khỏi chiếc áo phong kiến chật hẹp.

Tự do cạnh tranh làm phá sản hàng loạt, đồng thời cũng xuất hiện những “siêu” doanh nghiệp liên kết với nhau theo hàng ngang và hàng dọc từ Cartel, đến Torus, Xanhdica, Congxocxiom và Conglomerate...

Facebook hiện nay giống như một công-gờ-lô-mê-rát ở thế kỷ 19. Tự do cạnh tranh gây nên tình trạng “vô chính phủ” trong nền kinh tế, đó là hiện tượng độc quyền giá cả, tạo ra lợi nhuận siêu ngạch. Biểu hiện về mặt xã hội là chênh lệch giàu nghèo, biểu tình, bãi công liên tục diễn ra ở Mỹ và châu Âu.

Các nhà lập pháp Mỹ đang tìm cách hạn chế sự độc quyền của Facebook

Các nhà lập pháp Mỹ đang tìm cách hạn chế sự độc quyền của Facebook

Giới chủ tư sản phương Tây cảm nhận được mối nguy này nên tìm cách khắc phục. Phương thức chủ nghĩa tư bản nhà nước ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu này, nền kinh tế có sự tham gia điều tiết của nhà nước, sử dụng lý thuyết kinh tế của Keynes.

Song, trong nền kinh tế tư bản, nhà nước chỉ đóng vai trò “người dọn đường” cho các công ty đa quốc gia hoạt động, đó là nhiệm vụ ổn định xung đột nội bộ bằng cách thiết lập hệ thống an sinh xã hội để phân phối của cải đến với người nghèo.

Ở mặt trận đối ngoại, các nhà nước tư bản không ngừng mở rộng quan hệ, kể cả dùng súng đạn thông qua các cuộc xâm lược thuộc địa kiểu cũ và “sức mạnh mềm” trong những lần xâm chiếm thuộc địa kiểu mới.

Tất cả chỉ một mục đích phục vụ giai cấp tư sản, tạo môi trường thuận lợi nhất cho hệ thống doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đặc điểm của nền kinh tế này là có sự đan xen chằng chéo giữa quyền lực kinh tế và chính trị; hai thực thể này dựa vào nhau để tồn tại.

Facebook, Google, Apple,… là kết quả tất nhiên của thể chế kinh tế tư bản - thừa hưởng tất cả những gì ưu việt nhất của nền dân chủ phương Tây. Song, sự phát triển của chúng là không thể kiểm soát!

Nếu tiếp tục để các doanh nghiệp này bành trướng, thâu tóm thì nền kinh tế tư bản lại trở về với mô thức cách đây 2 thế kỷ - mô hình độc quyền luôn bị lên án, khai trừ.

Hậu quả cuối cùng của độc quyền là triệt tiêu cạnh tranh, thui chột khả năng sáng tạo, gây bất công xã hội. Tất cả những điều này cộng hưởng với “chủ nghĩa cá nhân” cao độ sẽ uy hiếp tương lai chính trị của Tổng thống.

Song, nếu tìm cách can thiệp bằng công cụ hành chính thì các chính phủ sẽ vi hiến và trở thành bị đơn của doanh nghiệp. Ví dụ, Điều 230 trong luật về Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ bảo vệ các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube khỏi các vụ kiện về nội dung.

Trong lịch sử, rất nhiều trường hợp chính phủ Mỹ bất lực và sợ hãi trước sự phát triển quá mạnh mẽ của doanh nghiệp. Chính phủ phải ép buộc các doanh nghiệp này chia nhỏ để giảm bớt sự ảnh hưởng như trường hợp của Standard Oil của tỷ phú Rockefeller và nhà mạng AT&T.

Tuy nhiên, nếu đánh tan Facebook thì kinh tế Mỹ cũng suy yếu, xem ra là cách làm phi kinh tế thị trường! Nhưng Facebook bây giờ hoàn toàn khác với Standard và AT&T trong quá khứ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và thứ 4 củng cố nền tảng cho các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, tiếp tục tạo ra tiền đề cho tích tụ và tập trung tư bản cao độ. Điều đó có nghĩa - nếu không có Facebook thì sẽ có đế chế khác thay thế. Như vậy, độc quyền và chủ nghĩa tư bản là hình với bóng.