Giá vàng miếng SJC đã cao hơn gần 20 triệu đồng so với giá vàng quốc tế quy đổi.

Giá vàng miếng SJC đã cao hơn gần 20 triệu đồng so với giá vàng quốc tế quy đổi (Ảnh Quốc Tuấn).

>> Phá đỉnh 2.000USD/oz, giá vàng sẽ lên tới đâu?

Đúng như dự báo, giá vàng đã nhanh chóng phá vỡ mức kháng cự mạnh 2.000USD/oz lên tới mức đỉnh cao 2.070USD/oz- mức cao nhất kể từ tháng 8/2020 do chiến sự Nga-Ukraine vẫn leo thang ác liệt dù 2 bên đã và đang tiến hành các cuộc đàm phán, khiến vai trò trú ẩn của vàng ngày càng được nâng cao. Không những vậy, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây cũng tạo đòn bẩy lớn đối với giá vàng, vì các lệnh trừng phạt này sẽ góp phần làm cho lạm phát toàn cầu thêm nóng hơn.

Tuy nhiên, áp lực chốt lời giá vàng đã gia tăng vào 2 phiên cuối tuần này một phần do các trạng thái đầu tư của quỹ đầu tư, nhà đầu tư đã sinh lời lớn, một phần khác do Tổng thống Nga đã cho biết nước này và Ukraine đã có những chuyển biến tích cực trong đàm phán. Dù ông Putin không nêu chi tiết những chuyển biến tích cực đó, nhưng cũng đã khiến các nhà đầu tư lo ngại bán vàng để phòng ngừa rủi ro chiến sự hạ nhiệt tuần tới.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC liên tục tăng/giảm giật cục, khiến các nhà đầu tư chóng mặt, thậm chí lỗ nặng nếu đã trót ôm vàng ở mức đỉnh. Có thời điểm trong tuần này giá vàng miếng SJC đã tăng sốc lên 74,4 triệu đồng/lượng, nhưng ngay sau đó lại giảm mạnh xuống 67,6 triệu đồng/lượng. Điều đáng nói là giá vàng miếng SJC cao hơn gần 20 triệu đồng mỗi lượng so với giá vàng quốc tế quy đổi, đây là hiện tượng chưa từng thấy từ trước đến nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dù Tổng thống Nga cho biết đàm phán giữa Nga và Ukraine có chuyển biến tích cực, nhưng cuộc chiến giữa 2 nước chưa thể kết thúc một sớm một chiều. Bởi yêu cầu mà 2 nước đưa ra khiến 2 bên khó đáp ứng. Hơn nữa, ông Putin vẫn một mực khẳng định dù các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây giáng xuống nước Nga ngày càng gia tăng, nhưng Nga vẫn có thể chịu được và bật dậy. “Liên Xô từng sống dưới áp lực của lệnh trừng phạt, nhưng vẫn phát triển, đạt được những thành công to lớn”, Tổng thống Nga dẫn chứng.

Chiến sự Nga-Ukraine càng leo thang, thì các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây sẽ càng mạnh mẽ hơn nữa, khiến cho nhiều mặt hàng chiến lược, đặc biệt là dầu thô, khí đốt sẽ tăng mạnh, khiến chi phí đầu vào của nhiều hàng hóa tăng vọt, đẩy áp lực lạm phát toàn cầu tăng cao. Trong đó, đáng chú ý chỉ số CPI tháng 2 của Mỹ được công bố tuần này đã vọt lên mức 7,9%- mức cao nhất kể từ tháng 1/1982.

Tăng lãi suất cơ bản trong cuộc họp ngày 17/3 sắp tới đã nằm trong kế hoạch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), và áp lực lạm phát đang tăng mạnh càng làm cho quyết tâm này của FED lớn hơn. Nhưng FED sẽ tăng lãi suất thế nào để không ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế Mỹ mới là điều mà thị trường quan tâm.

>> Loạn giá vàng, can thiệp cách nào?

Theo khảo sát của CME FEDWatch, hiện có khoảng gần 95% khả năng FED sẽ tăng thêm 0,25% lãi suất cơ bản lên 0,5%. Đây cũng là mức mà Chủ tịch FED Powell dự kiến trong phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Ngân hàng của Quốc hội Mỹ vừa qua.

FED tăng lãi suất không ảnh hưởng nhiều đến giá vàng tuần tới.

FED tăng lãi suất không ảnh hưởng nhiều đến giá vàng tuần tới.

Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cho rằng nếu FED chỉ tăng 0,25% lãi suất cơ bản, thậm chí 0,5% trong cuộc họp sắp tới, thì cũng chẳng làm giảm sức hấp dẫn của vàng với tư cách là tài sản phi lãi suất, nhưng có mức độ trú ẩn cao trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine đang leo thang. Do đó, động thái này của FED ít tác động đến giá vàng tuần tới, có chăng chỉ tác động nhất thời đến tâm lý nhà đầu tư.

Hơn nữa, nếu FED tăng lãi suất 5 lần trong năm nay và 4 lần trong năm tới, thì lãi suất cơ bản của FED cũng chỉ ở mức 2,25- 2,5% theo dự báo của Capital Economics, vẫn thấp hơn nhiều mức lạm phát cao ngất ngưởng tại khoảng 8%, thậm chí cao hơn nữa trong những tháng tới.

“Một khi lãi suất thực ở Mỹ vẫn âm, thì giá vàng vẫn còn nhiều cơ hội tăng giá, nhất là khi lạm phát đang chịu tác động kép bởi nhiều yếu tố, như chiến sự Nga-Ukraine, thiếu hụt lao động, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Colin nhấn mạnh và cho biết thêm, giá vàng có thể sẽ điều chỉnh ngắn hạn, nhưng khó xuống sát 1.800USD/oz. Trong khi giá vàng trung và dài hạn vẫn còn tăng cao hơn nữa.

Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số kỹ thuật vẫn cho thấy xu hướng tăng giá vàng ngắn hạn. Nếu giá vàng tuần tới vẫn trụ vững trên 1.930USD/oz, thì sẽ vẫn còn cơ hội thách thức với mức đỉnh cao năm 2020 tại 2.074USD/oz. Ngược lại, giá vàng tuần tới có thể về vùng 1.880USD/oz.