Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Đây được xem là quyết định chưa từng có trong lịch sử. Theo đó, Fed có thể phá vỡ tiền lệ để mở rộng cho vay với các doanh nghiệp, các bang và thành phố trong nỗ lực bảo vệ nền kinh tế Mỹ. DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng về vấn đề này.

- Thưa ông, FED quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0% và thực hiện chương trình QE không giới hạn sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Mỹ?

Trong tình hình dịch bệnh hiện tại, dĩ nhiên nền kinh tế Mỹ đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến nay, Mỹ đã có hơn 31 triệu người thất nghiệp vì dịch bệnh, GDP quý 1/2020 đã giảm 4,8% so với cùng kỳ và nhiều khả năng rơi vào suy thoái sâu trong quý 2, có thể âm 12%, thậm chí có dự báo âm 20% năm 2020 so với năm ngoái. GDP âm trong quý 1 là một dấu hiệu bất thường cho nền kinh tế Mỹ và FED quyết định duy trì lãi suất gần 0%, đồng thời thực hiện chương trình QE không giới hạn là một động thái nới lỏng tiền tệ rất mạnh mẽ.

Mặc dù đây là một dấu hiệu bất thường nhưng rất dễ hiểu khi cả một nền kinh tế lớn đang lao dốc thì FED buộc phải nới lỏng chính sách tiền tệ để bơm một lượng lớn tiền vào trong lưu thông với lãi suất rẻ nhằm giúp kinh tế Mỹ sớm phục hồi trở lại.

- Động thái nói trên của FED sẽ tác động ra sao tới nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, thưa ông?

Việc nới lỏng định lượng của FED sẽ kéo theo làn sóng NHTW các nước hạ lãi suất dù dư địa không còn nhiều, do lãi suất cơ bản hiện nay của các nước đã rất thấp như Anh là 0,25%; Australia là 0,5%; Canada là 1,25%... Thậm chí, lãi suất cơ bản của Nhật Bản -0,1%, NHTW châu Âu - ECB là -0,5%…

Bên cạnh đó, việc FED nới lỏng định lượng không giới hạn có thể dẫn tới dư thừa thanh khoản, khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp dịch chuyển vào những nước an toàn hơn, ít chịu tác động bởi dịch bệnh hơn.

Về giá trị của đồng USD, khi nới lỏng tiền tệ thì giá trị đồng bạc xanh sẽ giảm xuống. Nhưng điều này cũng sẽ tùy thuộc vào tương quan với các đồng tiền khác, nếu các đồng tiền khác cũng suy yếu thì đồng USD mất giá không đáng kể. 

Nếu USD mất giá, thì VND sẽ lên giá, khiến tỷ giá USD/VND sẽ xuống thấp hơn. Điều này sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam, vì nó sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải chờ xem các đồng tiền khác có giảm như USD hay không?.

Trước bối cảnh trên, NHNN cần điều hành linh hoạt tỷ giá và lãi suất để tránh tác động tiêu cực từ chính sách nới lỏng tiền tệ của FED. Đặc biệt, phải kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn.

Trong bối cảnh này, theo tôi, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải tăng chất lượng sản phẩm của mình để có thể bù trừ cho việc giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ bị tăng giá. Khi đó, người tiêu dùng Mỹ sẽ sẵn sàng trả một mức giá cao hơn, nếu không, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải áp dụng các công cụ phái sinh, như quyền chọn, tương lai... để phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá.

- Việc FED thực hiện gói siêu QE liệu có kích hoạt cuộc chiến tranh tiền tệ không, thưa ông?

Tại thời điểm này chưa thể xảy ra cuộc chiến tranh tiền tệ toàn cầu, vì hầu như tất cả các nước đều có động thái nới lỏng tiền tệ để cứu nền kinh tế của họ thoát khỏi khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, hậu dịch bệnh, nếu các nền kinh tế khác bình thường hóa chính sách tiền tệ, nhưng FED vẫn thực hiện chương trình QE và duy trì lãi suất gần 0%, thì khi đó cũng không loại trừ khả năng xảy ra chiến tranh tiền tệ. Bởi vì các quốc gia khác cũng sẽ tìm cách phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ cho xuất khẩu...