Mỗi năm một khác, kỷ niệm ngày 64 chiến sỹ hy sinh chống quân xâm chiếm Trung Quốc cứ ngày một gần hơn. Ba mươi năm, khoảng thời gian chỉ đủ cho một con người vừa trưởng thành, nên những gì về trận chiến sinh tử ấy được vẽ lại hầu như như vẹn nguyên.

trận chiến trên đảo Gạc Ma

Các chiến sĩ Việt Nam tham gia giữ chủ quyền ở Gạc Ma

Quãng thời gian quá gần nên nỗi đau chưa thể chôn dấu hết, ngày 14/3, lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh diễn ra nhiều nơi trên mọi miền đất nước. Trong nhiều cuộc tưởng niệm ấy vẫn còn những người thân, ruột thịt của các anh. Trận chiến sinh tử này Đà Nẵng có mười chiến sỹ tuổi mười tám đôi mươi, chỉ một may mắn sống sót nhưng bị bắt làm tù binh gần 2 năm sau mới được thả.

Lịch sử giữ nước mấy ngàn năm không biết bao nhiêu thế hệ đã ngã xuống nơi miền biên ải, nhưng 64 anh hùng hy sinh năm 1988 đã trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước.

Các anh, những người con của một đất nước nhỏ bé hơn, trang bị “mỏng” hơn, tương quan lực lượng chênh lệch nhưng đã anh dũng bám trụ đến phút cuối cùng trước sức mạnh cường địch. Gạc Ma bị chiếm và xây dựng trái phép cho đến hôm nay nhưng dũng khí anh hùng, bất khuất vẫn còn đó, hình bóng Việt Nam vẫn còn đó.

Các đồng chí Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, Trần Văn Phương được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hàng chục tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các loại.

Dù có thế nào, chúng ta vẫn không thể bỏ quên trận chiến Gạc Ma trong tiềm thức và cả trong lịch sử để lại cho con cháu mai này. Dù rằng nỗ lực giải quyết tranh chấp muốn diễn ra trong hòa bình, nhưng khi cần Quân đội Nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.

Từ sau trận chiến lịch sử ấy cho đến nay Biển Đông chưa ngày nào êm ả, thách thức này đặt lên vai thế hệ trẻ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một lần đối thoại với các nhà khoa học trẻ đã nói: “Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và nhất định chúng ta phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại”.

Lòng yêu nước, nó là thứ gì đó rất gần gũi, là yêu cánh đồng lúa chín, là yêu cánh cò bay lả, là yêu đôi mắt mẹ già, yêu ngọn núi con sông, cảm thức xúc động trước mênh mông của biển cả nơi vẫn có những con người ngày đêm canh giữ. Nhưng lòng yêu nước còn rạng ngời hơn qua những tấm gương hy sinh thân mình cho Tổ quốc.

Các anh nằm xuống và cứ hàng năm, ngày 14/3 chúng tôi lại thắp nến thả hoa đăng cho linh hồn các anh yên nghỉ nơi chín suối. Hổ thẹn lắm thay vì vẫn còn bóng dáng quân thù giẫm lên tấc đất thấm máu các anh.