Đội tàu Trung Quốc neo đậu trái phép ở khu vực xung quanh Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển Philippines

Đội tàu Trung Quốc neo đậu trái phép ở khu vực xung quanh Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển Philippines

Ngày 12/5, lực lượng đặc nhiệm Philippines cho biết 287 tàu Trung Quốc vẫn xuất hiện rải rác gần quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).

Cụ thể, cuộc tuần tra của lực lượng Philippines hôm 9/5 đã phát hiện ít nhất 287 tàu dân quân Trung Quốc, trong đó nhóm tàu lớn hơn tập trung ở các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở biển Đông.

Ngoài các tàu dân quân Trung Quốc, 2 tàu tên lửa lớp Hồ Bắc của Trung Quốc cũng được nhìn thấy tại Đá Vành Khăn và 2 tàu hậu cần, 1 tàu tuần duyên của Việt Nam tại cụm Sinh Tồn Đông (tất cả đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Tại Đá Ba Đầu và Đá Gạc Ma (thuộc cụm Sinh Tồn Đông), có sự xuất hiện của lần lượt 34 và 77 tàu dân quân Trung Quốc khác.

“Chúng tôi đang cân nhắc tiếp tục có thêm hành động phản đối khi số tàu của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa đã tăng lên gần 300 chiếc so với số lượng hơn 200 chiếc hồi tháng 3”, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin phát biểu trên kênh Bloomberg TV ngày 12/5.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Trước diễn biến này, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 13/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát những diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Bà Hằng khẳng định: Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. "Là quốc gia ven biển và là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS", bà Hằng nói thêm.

Mới đây, tại Hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN hồi đầu tháng 4, quan chức Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận quan ngại về diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông. Trong đó có các hành động đe doạ, cưỡng ép, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), ảnh hưởng tới hoà bình và an ninh khu vực, đi ngược lại cam kết trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tạo không khí bất lợi cho đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trước tình hình này, ASEAN nhấn mạnh lập trường nguyên tắc, yêu cầu kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS, tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, từng bước nối lại đàm phán nhằm xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.