>> Tăng tốc và tăng quy mô hỗ trợ lãi suất

Khó khăn “kép” bao vây doanh nghiệp

Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, nhưng nhu cầu hàng hoá ở nhiều thị trường lớn sụt giảm, khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn kép chưa có lời giải.

Thị trường quý 3 và quý 4/2022 đang xấu đi, với giá cả đầu vào tăng cao, lợi nhuận thu hẹp. Ảnh: Quốc Tuấn

Thị trường quý 3 và quý 4/2022 của ngành dệt may đang xấu đi, với giá cả đầu vào tăng cao, lợi nhuận thu hẹp. Ảnh: Quốc Tuấn

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Vương Công Văn, Chủ tịch Công ty cổ phần Quốc tế Thiên Bằng chia sẻ, ngành may tại Việt Nam phát triển mạnh từ năm 2015, cứ mở xưởng là có việc và luôn “khát” xưởng trên 200 công nhân. Nhưng đến nay tình hình khá căng thẳng sau đại dịch COVID-19 cùng nhiều biến động khác trên thế giới. Lạm phát toàn cầu làm sức mua giảm gần 25% là nguyên nhân chính.

“Do đó, những xưởng hoặc nhà máy có chi phí tài chính, chi phí cố định lớn sẽ vô cùng khó khăn, doanh nghiệp cả 10.000 công nhân thì muốn xoay sở cũng phải có thời gian, quyết đoán và sự chuẩn bị sớm. Đặc biệt, một nguyên nhân rất “bi hài” dẫn đến phá sản là sự hy vọng trong bối cảnh u ám.

Cuối năm 2024 mọi chuyện có thể sẽ ổn trở lại với điều kiện chiến tranh không lan rộng và không có thêm dịch bệnh. Tuy nhiên, bộ phận quản trị rủi ro và cải thiện hiệu quả của các doanh nghiệp sẽ phải rất vất vả trong thời gian tới”, ông Văn nhận định.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cũng cho hay, quý 4/2021, doanh nghiệp này dự báo thị trường dệt may thế giới năm 2022 sẽ phục hồi trở lại, thậm chí tốt hơn thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh. Song đến nay nhận định này đã phải thay đổi. Thị trường quý 3 và quý 4/2022 đang xấu đi, với giá cả đầu vào tăng cao, lợi nhuận thu hẹp. Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh trong nửa đầu năm thì tốt nhưng nửa cuối năm đang đối mặt khó khăn.

Với lĩnh vực gốm sứ, đại diện một doanh nghiệp tại Bình Dương cho biết, lượng đơn hàng được tái ký cho từ tháng 9 trở đi đang bị giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái và khả năng còn giảm mạnh hơn do các đối tác lớn ở Mỹ đang gặp khó.

Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp đều mong muốn được giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay thế chấp hàng tồn kho, vay tín chấp,... đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỷ đồng giúp doanh nghiệp có vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2%, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, đây là lần thứ hai Việt Nam thực hiện gói hỗ trợ cấp bù lại suất và đã rút kinh nghiệm từ lần thứ nhất năm 2009. Gói hỗ trợ tiến hành trên nền tảng kiểm soát chặt tín dụng và không tạo ra khoản chênh lệch lãi suất chính thức với lãi suất được hỗ trợ trực tiếp. Vì thế tránh được câu chuyện doanh nghiệp vay từ chỗ lãi suất thấp mang đi cho vay với lãi suất cao. Đồng thời, Chính phủ coi đó như một gói đầu tư công của Nhà nước, nên việc hạch toán cũng giống hệt hạch toán đầu tư công.

Tuy nhiên, công tác triển khai hỗ trợ tiến hành còn chậm, nếu bắt đầu từ đầu năm 2022 thì hiệu ứng sẽ tốt hơn, vì khi đó hạn mức tín dụng của các ngân hàng tương đối nhiều. Đây cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại không biết thực thi thế nào, trong khi khối lượng đăng ký vay rất lớn, vượt cả mong muốn của Ngân hàng Nhà nước.

Vị chuyên gia cũng phân tích thêm, sau COVID-19, các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng hoặc có nợ xấu, hoặc hết tài sản đảm bảo, hoặc khả năng trả nợ bấp bênh. Ba điều kiện này đều là điều kiện tiên quyết để vay được vốn ngân hàng, nên để ngân hàng lựa chọn được khách hàng cho vay theo đúng tiêu chí của gói cấp bù lãi suất không hề đơn giản.

“Thường các ngân hàng sẽ lựa chọn xem xét lại một số khoản nợ xấu có thể gia hạn được và cũng có những ngân hàng thương mại xem xét lại tài sản đảm bảo. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều đồng tình rằng, nếu khả năng trả nợ của doanh nghiệp tốt, làm ăn có hiệu quả, có đầu ra vững chắc thì họ có thể xem xét lại điều kiện tín dụng linh hoạt hơn một chút”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.

>> Khai thông gói hỗ trợ lãi suất: Cần kéo dài thêm thời gian

Gấp rút hỗ trợ lãi suất 2%

Thêm một góc nhìn về tình trạng này, TS. Lê Quốc Phương, chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ đã ra Nghị định tương đối chi tiết và Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông tư hướng dẫn, nhưng tiếp đó, các ngân hàng thương mại cũng phải có hướng dẫn cụ thể hơn cho các thành viên trong ngân hàng của mình thực hiện. Thực tế, đó không phải là khó khăn lớn nhất, mà vấn đề vẫn xoay quanh câu chuyện giới hạn tín dụng hầu như đã hết và NHNN nên xem xét việc này.

các ngân hàng đều đang chờ đợi làm thế nào để có room tín dụng, trong khi điều này được xác định dựa trên mục tiêu chủ chốt là lạm phát. Ảnh: Quốc Tuấn

Hiện nay các ngân hàng đều đang chờ đợi làm thế nào để có room tín dụng, trong khi điều này được xác định dựa trên mục tiêu chủ chốt là lạm phát. Ảnh: Quốc Tuấn

Có thể thấy, gói hỗ trợ lãi suất 2% dự kiến sẽ tiến hành trong vòng hai năm, nhưng đến nay đã gần hết một năm và có vẻ đang tiến hành một cách chậm chạp, bế tắc so với yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội. Đây là điều cần phải nhanh chóng tìm cách đẩy nhanh.

TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị, cơ quan quản lý phải tạo cho các ngân hàng thương mại một khoảng không gian nhất định, để xử lý các trường hợp khách hàng có thể vướng vào như tài sản đảm bảo, hay nợ xấu, nợ chưa được chuyển nhóm,...

Hiện nay, các ngân hàng đều đang chờ đợi làm thế nào để có room tín dụng, trong khi điều này được xác định dựa trên mục tiêu chủ chốt là lạm phát. Lạm phát ở Việt Nam thực chất nhập khẩu từ bên ngoài, nên muốn giảm lạm phát thì phải giảm thuế. Trong số các mặt hàng có hiệu ứng lạm phát mạnh nhất là xăng dầu, cứ giảm giá xăng dầu 10% thì lạm phát giảm xuống 0,31%, tiếp tục giảm thêm 10% thì lạm phát giảm thêm 0,27% nữa. Do đó, nếu giảm 20% giá xăng dầu, sẽ giảm được 0,58% lạm phát và đưa được mục tiêu lạm phát 4% về 3,5%; khi đó NHNN mới cảm thấy yên tâm hơn cho nới room tín dụng.

Về phía các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình hiện nay đang rất lúng túng, bởi vì kinh tế mới phục hồi nhưng về căn bản sự phục hồi chủ yếu nằm ở khu vực các doanh nghiệp lớn và vừa. Khu vực này có nền tảng tài chính tương đối tốt, thị trường chắc chắn, đặc biệt là khu vực du lịch, vận tải vận chuyển liên quan đến du lịch,...

Đáng chú ý, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với ngân hàng thương mại có sự gắn kết rất kém, thậm chí gắn kết giữa các doanh nghiệp với nhau cũng kém. Nếu các doanh nghiệp có thể liên kết với nhau, sẽ tạo ra sức mạnh như tạo ra mức cung ứng đầu vào rẻ hơn, tạo ra chi phí vận tải thấp hơn, hay chi phí Maketing rẻ hơn.

"Theo tôi, biện pháp quan trọng bậc nhất lúc này đối với các doanh nghiệp là thuế. Đây là điều mà lâu nay Bộ Tài chính đã làm và cũng tạo ra hiệu ứng mạnh cho các doanh nghiệp.

Cùng với đó,  các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề nên gắn kết lại với nhau, vừa tạo nền tảng mua bán hàng hóa của nhau, hàng đổi hàng hoặc cho vay ngang hàng với nhau. Đồng thời dễ dàng đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ biết cách sử dụng công nghệ hiện đại để giải quyết những vấn đề trong qúa trình kinh doanh”, vị chuyên gia nói.