>> Ngậm ngùi giá sách giáo khoa mới

ps: học sinh ở Tuyên Hóa, Quảng Bình rửa sách giáo khoa VNEN sau lũ.

Học sinh ở Tuyên Hóa, Quảng Bình rửa sách giáo khoa VNEN sau lũ (Ảnh: Trường Giang)

Mùa mưa năm 2016, một cô giáo ở vùng núi Tuyên Hóa, Quảng Bình nhắn tin cho mình xin sách giáo khoa. Cô giáo kể, học sinh chỗ cô dạy dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đồng bào Bru-Vân Kiều sống đơn sơ, gieo neo bên dãy Trường Sơn với củ khoai củ sắn bao đời nay.

Bọn trẻ con đến trường đã là điều tốt đẹp vô cùng với họ. Thế nhưng ở nơi sơn cùng thủy tận ấy, học sinh phải dùng những bộ sách giáo khoa dự án VNEN được quy chuẩn đặc biệt. Năm ấy mưa lũ về cuốn trôi sách vở, cô trò nhìn nhau trào nước mắt không biết kiếm sách ở đâu nên gọi cho tôi.

Tôi ở Thủ đô cầm tiền chạy đi khắp các nhà sách không mua nổi vì bộ sách ấy được chuyên biệt hóa. Bí quá tôi phải gọi điện cho một đồng chí Thứ trưởng Bộ GDĐT để hỏi và được biết sách giáo khoa này không có bán ngoài thị trường. Sau đó Thứ trưởng giới thiệu tôi đến một công ty phát triển giáo dục ở Hà Nội. Tôi viết vội lá thư chưa nắn nót rồi cầm đến gặp chị Phó tổng giám đốc để xin sách. Sau khi trình bày các kiểu, chị ký nháy vào tờ giấy đưa cho nhân viên rồi bảo tôi xuống kho.

>> Bài học xương máu từ sự cố xã hội hóa sách giáo khoa

Tôi xin được mấy trăm bộ sách giáo khoa, chất vội lên thùng xe bán tải chật cứng rồi chạy một mạch dưới trời mưa tầm tã vào Quảng Bình. Chiều tối hôm ấy chúng tôi đến, hàng trăm học sinh cùng giáo viên đội mưa đứng chờ... Họ nhận những cuốn sách ấy mà run... Tôi cũng run, run vì không hiểu tại sao ở một nơi miếng cơm manh áo còn chạy từng bữa thế này mà lại bắt thầy trò phải dùng những cuốn sách giáo khoa đặc biệt, tại sao không dùng sách năm này qua năm khác như ngày xưa...

Đó chỉ là một trông số rất nhiều những éo le của sự nghiệp giáo dục mà tôi có dịp chứng kiến ở nhiều vùng miền Tổ quốc. 5 năm cải cách lớn, 3 năm cải cách nhỏ... liên tục suốt hàng chục năm qua. Không ít chính sách được làm trong phòng máy lạnh, những văn bản được ký, đóng dấu sạch tinh, thơm tho rồi ban hành.

Trong đó không có bụi đường, bùn lầy mưa nắng của bước chân thầy cô đến trường; không có tiếng bụng sôi bữa no bữa đói cùng bát cơm trắng ăn với muối của học trò; không có mùi mồ hôi nhọc nhằn bán gà, đổi vịt, nhịn chi tiêu của phụ huynh... Nhưng đôi khi nó lại thừa những vô cảm.

Phụ huynh và bọn trẻ bây giờ có lẽ từ lâu quên mất một việc mà nhiều thế hệ trước đã làm trong kỳ nghỉ hè, trước thềm năm học mới. Đó là xin sách giáo khoa cũ của các bạn lớp trên và lấy giấy báo bọc sách. Những trang sách ấy lấm lem, có khi còn sờn rách, vương vết mực học trò hay những dòng nguệch ngoạc của lứa học trước nhưng nó chứa đầy tìm cảm, sự trân trọng và xứng đáng được nâng niu, giữ gìn. Những cuốn sách giáo khoa ngày ấy không được in to, đẹp và đắt tiền, nhưng nó thật sự giá trị.

Ai đó đã nói, mỗi cuốn sách là một giấc mơ mà ta cầm trên tay. Phụ huynh và học sinh bây giờ đang phải gồng gánh những giấc mơ... xa xỉ.