giá vàng miếng SJC đã có thời điểm giảm từ mức 57,8 triệu đồng/lượng xuống mức 57 triệu đồng/lượng

Trong tuần này, giá vàng miếng SJC đã có thời điểm giảm từ mức 57,8 triệu đồng/lượng xuống mức 57 triệu đồng/lượng. Ảnh Quốc Tuấn

Đúng như dự báo, giá vàng đã chịu áp lực chốt lời sau không vượt qua được 1.917USD/oz. Có thời điểm giá vàng giảm xuống mức 1.855USD/oz, rồi sau đó lại phục hồi trở lại và đóng cửa tuần ở mức 1.891USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC đã có thời điểm giảm từ mức 57,8 triệu đồng/lượng xuống mức 57 triệu đồng/lượng và sau đó phục hồi lên mức 57,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giảm mạnh trong những phiên đầu tuần do USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh khi các nhà đầu tư kỳ vọng số liệu việc làm của Mỹ trong tháng 5 sẽ tăng mạnh hơn dự kiến. Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng khi số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) tháng 5 chỉ đạt 559.000 việc làm, dù cao hơn con số tháng 4, nhưng thấp hơn nhiều so với dự báo 671.000 việc làm.

Số liệu NFP cho thấy dù thị trường lao động Mỹ đã có tín hiệu tích cực, nhưng  vẫn còn nhiều khó khăn. Sở dĩ như vậy do nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ của Mỹ vẫn chật vật trong việc tuyển dụng lao động khi nhiều lao động vẫn đang được hưởng trợ cấp từ các gói cứu trợ. Hơn nữa, tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao, thiếu chip cũng cản trở nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất.

Khi thị trường lao động Mỹ chưa phục hồi hoàn toàn, thì dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4 tăng mạnh, thì FED chưa thể tăng lãi suất cơ bản và thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng (QE).

“Báo cáo việc làm của Mỹ trong tháng 5 cho thấy tỷ lệ tham gia thị trường lao động vẫn còn thấp. Điều này có nghĩa FED sẽ phải tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cho tới khi thị trường lao động nước này phục hồi mạnh mẽ hơn. Do đó, giá vàng vẫn còn được hỗ trợ trong ngắn hạn, dù áp lực chốt lời có thể vẫn gia tăng khi giá vàng tiếp cận vùng 1.920USD/oz”, ông Bart Melek, Giám đốc chiến lược của TD Securities nhận định và cho biết thêm, giá vàng có thể sẽ dao động trong biên độ 1.855- 1.935USD/oz trong thời gian tới.

Trong tuần tới, Mỹ sẽ công bố một số dữ liệu kinh tế quan trọng, trong đó đáng chú ý là chỉ số CPI tháng 5 dự kiến tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhiều chuyên gia, dự báo này có thể xác thực, bởi giá nguyên vật liệu, hàng hóa ở Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng khá mạnh. Nếu số liệu này đúng như dự báo, sẽ cao hơn nhiều so với 4,4% trong tháng 4- mức cao nhất kể từ năm 2008.

“Với khả năng cao FED chưa vội tăng lãi suất và thu hẹp QE, nếu CPI tháng 5 tiếp tục tăng mạnh, sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng tuần tới”, ông Bart Melek nhận định.

Giá vàng tuần tới sẽ chịu tác động trực tiếp từ CPI tháng 5 của Mỹ

Giá vàng tuần tới sẽ chịu tác động trực tiếp từ CPI tháng 5 của Mỹ

Dù giá vàng vẫn chưa thực sự tăng bền vững trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, nhiều chuyên gia vẫn dự báo giá kim loại quý này sẽ quay trở lại trên mức 2.000 USD/oz do áp lực lạm phát đang có xu hướng tăng mạnh, khiến dòng tiền sẽ chảy mạnh vào các tài sản trú ẩn như vàng... Hơn nữa, kinh tế của Trung Quốc đang phục hồi mạnh cũng góp phần tăng nhu cầu vàng vật chất. Ngoài ra, nhu cầu đầu tư, đặc biệt từ các quỹ ETFs và nhu cầu gia tăng tỷ lệ dự trữ vàng trong quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia của các ngân hàng trung ương đang tăng, cũng hỗ trợ cho đà tăng giá vàng dài hạn.

Theo phân tích kỹ thuật, các đường xu hướng dài hạn vẫn cho thấy đà tăng của giá vàng. Theo đó giá vàng vẫn đang hướng về vùng giá 2.100 USD/oz- cận trên của kênh tăng giá dài hạn. Đối với xu hướng giá vàng ngắn hạn, giá vàng vẫn trong xu hướng tăng. Tuy nhiên, một số chỉ số cho thấy tình trạng vượt mua, nên giá vàng có thể sẽ có những thời điểm bị chốt lời. Theo đó, mức hỗ trợ quan trọng của giá vàng đang ở 1.842USD/oz (MA200), kế tiếp là 1.795- 1.805USD/oz. Trong khi đó, mức kháng cự đầu tiên là 1.917USD/oz, kế tiếp là vùng 1.935- 1.955USD/oz.