Sáng ngày 30/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Trong đó, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm được nhiều Đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Trong hai ngày 30-21/10, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Trong hai ngày 30-21/10, Quốc hội sẽ thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 - 2020.

Điệp khúc “biết rồi nói mãi”

Cho ý kiến về điểm nghẽn đầu tư công chậm, Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng vấn đề giải ngân vốn đầu tư chậm, chậm xây dựng các công trình trọng điểm là điệp khúc “biết rồi nói mãi”.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm 2019, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 260,4 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2% kế hoạch năm. 

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng vấn đề giải ngân vốn đầu tư chậm, chậm xây dựng các công trình trọng điểm là điệp khúc “biết rồi nói mãi”.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng vấn đề giải ngân vốn đầu tư chậm càng khắc phục lại càng tồi tệ hơn. 

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận nhấn mạnh, năm nào Chính phủ cũng nêu vấn đề này vào hạn chế yếu kém. “Tôi thấy lạ là càng khắc phục thì kết quả càng tồi tệ hơn”, Đại biểu nói.

Đại biểu đặt câu hỏi phải chăng chậm đầu tư công là do thắt chặt thủ tục đầu tư, do công khai minh bạch, do kết quả chống tham nhũng gần đây đạt kết quả tốt và đề nghị Chính phủ làm rõ.

“Đầu tư công chậm phải chăng là do kết quả chống tham nhũng gần đây đạt kết quả tốt làm mất động lực của các chủ đầu tư, hay chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia, hay còn những nguy cơ gì khác? Điều này cần làm Chính phủ quan tâm làm rõ, không để có dư luận không hay, không tốt cho đầu tư công?”, Đại biểu Nguyễn Quốc Hận nói.

Cùng quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) không giấu được bức xúc: "Ðầu tư công đã bàn bao nhiêu năm nay rồi và lúc nào cũng là điểm nóng nhưng vẫn dàn trải, phân tán, lãng phí, nói chung là kém hiệu quả và có thể sẽ lặp lại trong nhiều năm nữa". 

 “Vốn mồi” chậm… thu hút nguồn lực sẽ ít hơn

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này với phóng viên Báo DĐDN, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, giải ngân vốn đầu tư công những năm vừa qua đều chậm có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Như yếu tố ban hành văn bản chậm, những yếu tố về ràng buộc vướng mắc trong giải ngân dự án, phân bổ vốn đầu tư cho dự án…đều dẫn tới tình trạng giải ngân chậm. Điều này sẽ kéo theo sự phát triển của hệ thống hạ tầng cốt lõi không theo kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế. 

Cùng với đó, Đại biểu phân tích, giải ngân chậm tức “vốn mồi” của nhà nước giải ngân ít khiến thu hút các nguồn đầu tư xã hội sẽ ít hơn.

“Những yếu tố đó tạo ra hệ quả nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn so với những mong muốn. Tăng trưởng chậm không chỉ diễn ra giai đoạn trước mắt mà sẽ là hệ luỵ lâu dài, bởi vì những đầu tư công và công trình hạ tầng thường phát huy tác dụng trong giai đoạn 5-7 năm sau", Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Do đó, nếu không đẩy nhanh được vốn đầu tư công thì có thể không chỉ giai đoạn này tăng trưởng khó khăn, mà có thể 5-7 năm sau cũng sẽ rất khó để tạo ra tăng trưởng đột biến.

Trên thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp. 

Nhiều công trình, dự án lớn đã được phê duyệt nhưng nhiều năm chưa triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ, chất lượng chưa bảo đảm, gây lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

"Vấn đề cần đặt ra ở đây là tại sao ở khu vực công giải ngân đầu tư chậm, thậm chí tiến độ giải ngân ngày càng thấp, trong khi ở khu vực tư nhân lại thực hiện nhanh? Các công trình được đưa vào sử dụng thời gian qua hầu hết đều do khu vực tư nhân đầu tư, rất ít công trình đầu tư công. Từ đây có thể thấy, quá trình cải cách cơ chế đã bắt đầu có tác dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin cho khu vực tư nhân. Nhưng quá trình này chưa thật sự mở ra cơ chế để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, đang còn một số nút thắt, đặc biệt là ở khu vực công", Ðại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Gần cuối năm mới đạt 62,9% kế hoạch

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10 ước tính đạt 37 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 260,4 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2% kế hoạch năm và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 70,3% và tăng 12,1%).

Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 36,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61,3% kế hoạch năm và giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bộ Giao thông vận tải đạt 9.739 tỷ đồng, bằng 55,1% và giảm 31,9%; Bộ Y tế là 2.976 tỷ đồng, bằng 56,3% và tăng 40,2%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 2.229 tỷ đồng, bằng 65,6% và giảm 56,0%; Bộ Giáo dục và Đào tạo là 851 tỷ đồng, bằng 57,6% và tăng 7,7%...

Vốn địa phương quản lý đạt 223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 70,6% kế hoạch năm và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2019 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội đạt 34,8 nghìn tỷ đồng, bằng 70,3% kế hoạch năm và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước; TPHCM đạt 16,7 nghìn tỷ đồng, bằng 45,4% và giảm 11,2%; Quảng Ninh đạt 8.377 tỷ đồng, bằng 72,5% và tăng 8,9%...