Từ ngày 24/7, Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tất cả các hoạt động không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả tối đa. Người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết, trong đó nhấn mạnh chỉ nên ra ngoài để mua nhu yếu phẩm.

ffff

Hoạt động shipper công nghệ trên địa bàn thủ đô bị tạm dừng trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: An Nhiên.

Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã ra quy định tạm dừng hoạt động shipper công nghệ (giao hàng) trên địa bàn thủ đô. Việc tạm dừng hoạt động giao hàng khiến nhu cầu của người dân gặp nhiều gián đoạn bởi khuyến cáo hạn chế ra đường của Chỉ thị 16.

Theo ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, lý do tạm dừng hoạt động này là do hiện nay chưa thể kiểm soát được lực lượng shipper này. Đồng thời, người này nói đến mối lo ngại rằng nếu để shipper công nghệ di chuyển “lung tung” trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ rất nguy hiểm.

Đúng là thực tế tại TP HCM cũng đã từng có nhiều shipper dương tính với COVID-19, làm lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên con số nhỏ và TP HCM cũng đã có những giải pháp cho hoạt động của lực lượng lao động này. Ở thời điểm hiện tại, lực lượng shipper giao hàng tại TP HCM đang làm việc khá hiệu quả.

Với Hà Nội, trong bối cảnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đường phố khá vắng vẻ để lực lượng này hoạt động an toàn, nhu cầu của người dân về giải quyết công viêc, mua sắm hàng hoá, thực phẩm rất cao..., thì quy định của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có thực sự phù hợp?

Bình luận về chủ trương này, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation cho rằng, giãn cách toàn xã hội, người dân phải hạn chế ra đường nhưng lại cấm shipper công nghệ giao hàng cho người dân. Như vậy, nhà nhà vẫn phải nhao ra đường mua sắm đồ dùng, lương thực, thực phẩm thiết yếu. Người đang bị cách ly, tự cách ly, neo đơn, đau yếu, hoặc cần tiếp tế đồ cho gia đình, cha mẹ già yếu… sẽ phải làm sao? Các cửa hàng không bán đồ thiết yếu đều phải đóng cửa, đang chuyển sang online. Nay cấm shipper công nghệ, họ bán hàng kiểu gì khi mà nhân lực giao hàng của cửa hàng còn hạn chế?

Theo ông Lê Quốc Vinh, theo Chỉ thị 16, các đơn vị, cơ quan sẽ cho cán bộ, nhân viên làm việc ở nhà. Trong lúc làm việc nhỡ hỏng thiết bị làm việc, cần mua hàng online thì phải tự ra ngoài mua sao? Các công ty phải làm việc tại nhà, giấy tờ vẫn cần phải ký, nhất là chứng từ chính thức làm việc với nhà nước, ngân hàng… đều phải ký tươi. Họ sẽ chuyển tài liệu bằng cách nào nếu không có dịch vụ vận chuyển, giao hàng?

ff

Cần có giải pháp chặt hơn để shipper công nghệ được hoạt động trong mùa dịch. Ảnh: An Nhiên.

Từ thực tế đó, thiết nghĩ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nên có giải pháp riêng cho hoạt động shipper công nghệ, bởi lẽ hoạt động này hỗ trợ người dân rất nhiều trong việc tránh ra ngoài khi không cần thiết, góp phần vào việc giảm lân lay dịch bệnh COVID-19.

Có thể nhận thấy, từ khi "nghe tin" thủ đô chuẩn bị thực hiện Chỉ thị 16, nhiều người đã tức tốc ra đường để mua sắm nhu yếu phẩm, dự trữ hàng hóa. Ngay cả khi Chỉ thị 16 được thực hiện, người dân vẫn phải tự ra đường mua sắm nhu yếu phẩm để phục vụ cho những ngày giãn cách. Thành phố khuyến cáo người dân không nên tích trữ hàng hoá, như vậy, hoạt động mua sắm, đi lại sẽ phải diễn ra nhiều hơn mặc dù đang giãn cách xã hội. Nếu có hoạt động shipper công nghệ, nhiều người dân sẽ không phải ra đường hơn.

Do đó, cần có những quy định xác thực hơn so với hoạt động này. Trong đó, có thể tạm dừng hoạt động vận tải hành khách để chống dịch. Còn lại những hoạt động vận chuyển hàng hóa, giao hàng online tại các siêu thị, cửa hàng nên khuyến khích thực hiện. Đồng thời, cần khuyến khích thanh toán online để giảm tiếp xúc giữa người bán – người giao – người nhận.

Hình thức giao hàng tận nhà sẽ giảm được rủi ro lây nhiễm hơn so với việc để người dân tự đi mua hàng. Bản thân shipper công nghệ và người nhận hàng cũng sẽ tự nâng cao ý thức phòng, chống dịch.

Xin lấy thêm ví dụ tại Đà Nẵng để hiểu hơn về giải pháp cho shipper giao hàng. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và có ca nhiễm nằm trong lực lượng shipper, thành phố Đà Nẵng đã tiến hành cho tạm dừng hoạt động, lấy mẫu xét nghiệm cho đội ngũ này cho đến khi có kết quả. Tuy nhiên, việc tạm dừng hoạt động shipper không áp dụng với việc giao hàng của các cửa hàng, siêu thị.

Do đó, việc kinh doanh của các cửa hàng thực phẩm, siêu thị vẫn diễn ra và Đà Nẵng khuyến khích việc giao hàng tận nhà để hạn chế việc người dân phải tự ra đường. Thông qua các quy định về phòng, chống dịch, Đà Nẵng đã kiểm soát dịch rất tốt cho đến hiện tại.

Với Hà Nội, chúng ta cần có “cơ chế mở” đối với lực lượng shipper công nghệ, giao hàng tận nhà. Khi bị cấm, lực lượng này sẽ rơi vào thế bị động, gặp nhiều khó khăn. Trong khi, đội ngũ tham gia công việc này rất đông, khi số lượng người thất nghiệp tăng lên, việc an sinh xã hội tại thủ đô rất khó để giải quyết.

Về những phương án cụ thể, thành phố Hà Nội có thể tổ chức lấy mẫu xét nghiệm có thu phí cho toàn bộ lực lượng shipper công nghệ. Yêu cầu những cá nhân có giấy xét nghiệm âm tính mới được làm việc và thời gian xét nghiệm sẽ cách nhau từ 7 - 10 ngày.

Đồng thời, có thể áp dụng việc các shipper công nghệ đứng cố định 1 điểm bán và giao hàng và yêu cầu chỉ được giao những mặt hàng thiết yếu theo quy định. Mỗi cơ sở kinh doanh sẽ có từ 1 – 2 người giao hàng luân phiên, không tập trung quá đông để đảm bảo việc giãn cách.

Ngoài ra, Hà Nội cũng nên có quy chế xử phạt đối với những cá nhân không nghiêm túc thực hiện. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm về chống dịch trong cộng đồng. Như thế, việc kiểm soát dịch có thể được triển khai hiệu quả. Không nên để người dân tự ra đường để mua sắm, bởi tâm lý tích trữ sẽ khiến ngày càng nhiều người ra đường hơn để mua sắm thực phẩm, hàng hóa,...

Đặc biệt, Hà Nội cần chú trọng hơn đến việc quản lý nhân viên của các công ty vận chuyển. Nếu các công ty này có tổ chức ổn định, đảm bảo thực hiện nghiêm việc chống dịch thì nên khuyến khích hoạt động. Có thể ưu tiên hơn đối với những công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động, từ đó dần có phương án nơi lỏng các hoạt động để phù hợp với nhu cầu của thực tiễn.

Quản lý một cách khoa học có thể đưa việc chống dịch hướng đến mục tiêu thực hiện các Chỉ thị có hiệu quả, vừa đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội, qua đó, hài hòa việc thực hiện các quy định và ổn định đời sống của nhân dân, các đối tượng lao động.